Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất thức ăn nuôi phát dục tôm thẻ chân trắng (P.vannamei) bố mẹ
16/04/19 01:55PM
Thủy sản

Tên đề tài: Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất thức ăn nuôi phát dục tôm thẻ chân trắng (P.vannamei) bố mẹ

Tổ chức chủ trì: Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ nhiệm đề tài: ThS. Cao Văn Hạnh

Các cá nhân tham gia đề tài: KS. Phạm Đăng Tuấn, ThS. Phạm Văn Hoàng, ThS. Lê Minh Toán, KTV. Phạm Văn Thức, ThS. Nguyễn Văn Dũng, TS. Lê Văn Chí, ThS. Nguyễn Thị Thu Hằng, KS. Nguyễn Thị Thu Hiền, CN. Huỳnh Kim Quang, ThS. Lương Trọng Bích

Thời gian thực hiện: 1/2015-12/2017

Kinh phí thực hiện: 5.970 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định 319/QĐ-BNN-KHCN ngày 26 tháng 1 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT

Ngày phê duyệt: ngày 01 tháng 6 năm 2018 tại Hà Nội

 

Kết quả nghiên cứu:

            Hiện nay, trong sản xuất tôm giống chủ yếu sử dụng thức ăn tươi sống là rươi và trùng huyết. Nuôi vỗ thành thục trùng huyết bằng thức ăn công nghiệp (thức ăn cho tôm, cá) kết hợp cá tạp có kết quả tốt hơn cả về tốc độ sinh trưởng, tỷ lệ sống, tỷ lệ thành thục và sức sinh sản. mật độ trong nuôi vỗ thành thục thích hợp 100 con/m2. Đối với rươi, sử dụng thức ăn công nghiệp kết hợp mùn bã hữu cơ cho tỷ lệ thành thục, tỷ lệ sống và sinh trưởng cao nhất đạt 26,87%; 79,8% và 0,82 g/con. Sinh sản nhân tạo trùng huyết và rươi bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho kết quả cao nhất.

            Trùng huyết tăng trưởng và đạt tỷ lệ sống cao ở nghiệm thức sử dụng nền đáy cát nhỏ và bùn cát mịn đối với rươi. Sử dụng thức ăn tảo tươi kết hợp với thức ăn tổng hợp có kết quả tăng trưởng trùng huyết về chiều dài, phát triển số lượng đốt cơ thể và tỷ lệ sống cao hơn so với cho ăn đơn thuần tảo tươi và thức ăn tổng hợp. Rươi cho ăn tảo đơn bào kết hợp thức ăn tổng hợp cho kết quả nuôi ương cao nhất. Sử dụng thức ăn công nghiệp trong nuôi thương phẩm trùng huyết có tốc độ sinh trưởng và tỷ lệ sống cao hơn so với thức ăn rong biển và công nghiệp. Thức ăn công nghiệp kết hợp mùn bã hữu cơ cho kết quả cao nhất đối với rươi.

            Độ mặn thích hợp với trùng huyết trong giai đoạn ương (1-60 ngày) dao động từ 30-25%o và 10-15%o đối với rươi. Đối với trùng huyết mật độ nuôi thích hợp 300 con/m2 cho tỷ lệ sống cao hơn các nghiệm thức còn lại. Mật độ 400-500 con/m2 phù hợp cho nuôi thương phẩm rươi.

            Các sản phẩm trùng huyết, rươi nuôi thương phẩm phần lớn không nhiễm các bệnh truyền nhiễm cho tôm thẻ chân trắng, tuy nhiên, các mẫu thu ngoài tự nhiên đều nhiễm các bệnh cơ bản liên quan đến tôm. Sử dụng trùng huyết, rươi làm thức ăn cho nuôi vỗ tôm thẻ chân trắng bố mẹ cho kết quả về tỷ lệ thành thục, tỷ lệ đẻ và ấu trùng/cá thể cái cho kết quả cao hơn các loại thức ăn khác.

 

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT-DT20185449-50)