'Biến' vỏ tôm thành nguyên liệu thực phẩm: Chiến lược người Nhật
07/08/19 02:56PM
(Thị trường) - Một nhà kinh tế giỏi là phải tận dụng được tất cả các sản phẩm khi chăn nuôi, kể cả các phế phẩm phụ nhằm gia tăng lợi nhuận...

Một Công ty thực phẩm của Nhật vừa làm việc với Cần Thơ và mong muốn đầu năm 2020 sẽ khởi công xây dựng nhà máy sản xuất bột gia vị từ đầu, vỏ tôm trong nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Đây vốn được xem là đồ bỏ đi, nhưng doanh nghiệp Nhật Bản đã nhìn thấy tiềm năng tiêu thụ của loại phế phẩm này.

'Bien' vo tom thanh nguyen lieu thuc pham: Chien luoc nguoi Nhat
Vỏ tôm, đầu tôm bị bỏ phí. Ảnh: Bộ Công thương

Bình luận về việc này, PGS.TS Dương Văn Chín, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (Tập đoàn Lộc Trời) cho biết đây là một sáng kiến tuyệt vời, cho thấy sự khác biệt rõ rệt nhất trong tư duy làm nông nghiệp giữa người Việt Nam với người Nhật Bản.

Ông lấy ví dụ như cá tra, các doanh nghiệp chế biến chỉ sử dụng thịt của hai bên lườn cá, còn lại đầu, da, đuôi rất có giá trị đều bị bỏ đi do không không có công nghệ chế biến và thị trường tiêu thụ.

Tương tự, với sản phẩm tôm xuất khẩu, các nhà máy cũng mới tận dụng được thịt tôm còn lại là đầu, vỏ tôm có nhiều thành phần dinh dưỡng có giá trị rất cao cũng bị bỏ đi, rất lãng phí.

"Rất cần ủng hộ nếu nhà đầu tư Nhật muốn xây dựng nhà máy chế biến các loại phế phẩm này, đồng thời khích lệ thêm nhiều doanh nghiệp khác cùng đầu tư để khai thác triệt để các sản phẩm nông nghiệp trong nước", PGS Dương Văn Chín nêu quan điểm.

Vị PGS cho hay, về mặt chủ trương Việt Nam cũng luôn khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, đặc biệt những doanh nghiệp chế biến nhằm nâng cao giá trị cho nông sản, tuy nhiên, số những doanh nghiệp chế biến đầu tư về nông thôn còn rất hạn chế hoặc chỉ đầu tư khai thác những sản phẩm chính, chưa tận dụng được những phế phẩm phụ, dẫn tới nguyên liệu bị bỏ phí.

Chỉ ra nguyên nhân chính, PGS Dương Văn Chín cho rằng đó là do Nhật Bản có được chiến lược kinh tế rất rõ ràng.

Ngay từ khi nuôi con tôm mọi bài toán kinh tế từ con tôm đều đã được các nhà đầu tư kinh tế Nhật Bản tính toán chi li.

Không chỉ có vỏ tôm, đầu tôm mà ngay cả đất bùn ở đáy ao nuôi tôm cũng được họ tận dụng sấy khô, sản xuất phân bón.

Ở đây là tư duy, cách làm, là phải có ý tưởng, tìm ra được thị trường sau đó sẽ đầu tư.

"Đó là kế hoạch kinh doanh được vạch sẵn trong toàn bộ chiến lược nuôi con tôm của Nhật Bản, là quy trình thực hiện khép kín chứ không phải kế hoạch ngắt quãng, kiểu làm tới đâu tính tới đó.

Một nhà kinh tế giỏi là phải tận dụng được tất cả các sản phẩm khi chăn nuôi, kể cả các phế phẩm phụ nhằm gia tăng lợi nhuận", PGS Dương Văn Chín chỉ rõ.

Cũng theo vị chuyên gia, chính vì có định hướng ngay từ đầu nên họ đã có nghiên cứu rất kỹ về các phế phẩm từ nông sản có thể tận dụng để làm gì, thị trường nào tiêu thụ được sản phẩm đó. Khi có thị trường tiêu thụ, họ sẵn sàng đầu tư sản xuất.

"Hạn chế của các doanh nghiệp Việt Nam là không biết chế biến đầu tôm, vỏ tôm để làm gì, bán cho ai, ai mua, giá bao nhiêu... vì thế mà không dám làm.

Bên cạnh đó cũng còn tâm lý ngại khó, ngại khổ, muốn thu lợi nhanh nên cũng không muốn đầu tư, tìm hiểu.

Đây cũng là lý do khiến các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam rất đa dạng, phong phú, chất lượng tốt nhưng giá trị gia tăng quá thấp vì công nghiệp chế biến không có.

Ví dụ như Hà Lan, diện tích tự nuôi trồng tại đất nước này rất hạn chế, tuy nhiên, giá trị nông nghiệp họ thu về vẫn rất lớn nhờ vào việc thu mua lại sản phẩm nông sản thô từ các nước rồi về chế biến. Nhờ thế, giá trị nông nghiệp của Hà Lan thu về vẫn rất cao, người nông dân sống khỏe.

Còn Việt Nam, nuôi, trồng nhiều nhưng chủ yếu bán thô, giá trị gia tăng của nông sản còn quá thấp, nông dân làm nông nghiệp mấy chục năm mà không giàu được", vị PGS chia sẻ.

Để giải quyết được bài toán này, PGS. TS Dương Văn Chín cho rằng phải tập hợp được các doanh nghiệp mạnh đầu tư vào công nghiệp chế biến về nông thôn, đẩy mạnh chế biến, xuất khẩu đi các nước.

Ông lấy ví dụ như quả xoài, Việt Nam có rất nhiều xoài vì thế hoàn toàn có thể tận dụng những mặt hàng đẹp, có chất lượng cao để xuất khẩu. Số còn lại có thể tiêu thụ trong nước hoặc có thể chế biến thành các loại nước ép, sấy khô bán có giá trị cao mới có thể thu được nhiều tiền. Không nên chỉ nghĩ đơn thuần trồng cây xoài chỉ để thu bán quả xoài, không bán được thì đành chịu thua, lỗ, như vậy thì rất dở.

Về phía người nông dân cũng phải có sự liên kết trong sản xuất, hình thành các tổ nhóm liên danh, liên kết, nuôi trồng theo đúng quy trình, chất lượng, bảo đảm sản lượng có khối lượng lớn, an toàn, mới thu hút được các doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Theo vị chuyên gia, nông nghiệp Việt Nam hiện nay còn rất nhiều vấn đề lổn nhổn chưa được giải quyết, do đó, chưa có được những thành quả như mong muốn.

"Nông nghiệp Việt Nam có tiềm năng rất lớn nhưng chưa có được bước đột phá để hình thành một nền nông nghiệp hiện đại", ông Chín nói.

Thái Bình/Theo báo đất Việt