'Thay máu' giống cây trồng sạch bệnh bằng giống nuôi cấy mô
02/12/21 02:20PM
Trung tâm Nông nghiệp Công nghệ cao Khánh Hòa ứng dụng công nghệ sinh học, nhất là nuôi cấy mô để chọn tạo, sản xuất thay thế nhiều giống cây trồng sạch bệnh, chất lượng.

Giống xoài chất lượng cho xuất khẩu

Trung tâm Nông nghiệp Công nghệ cao có trụ sở tại xã Suối Cát, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) được thành lập từ năm 2004 trên cơ sở tiếp nhận cơ sở vật chất và đất đai từ Trại Thực nghiệm Cây trồng và Vật nuôi Suối Dầu.

Trung tâm Nông nghiệp Công nghệ cao đã sản xuất thành công nhiều giống cây mô sạch bệnh, chất lượng cao phục vụ nông dân. Ảnh: KS.

Trung tâm Nông nghiệp Công nghệ cao đã sản xuất thành công nhiều giống cây mô sạch bệnh, chất lượng cao phục vụ nông dân. Ảnh: KS.

Đây là đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, được công nhận là đơn vị Khoa học Công nghệ. Từ năm 2010, Trung tâm Nông nghiệp Công nghệ cao đã xây phòng nuôi cấy mô tế bào và đưa vào hoạt động.

Ông Mai Xuân Thương, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp Công nghệ cao cho biết, hơn 10 năm đào tạo nguồn nhân lực công nghệ sinh học và không ngừng tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động cấy mô tế bào, đến nay Trung tâm đã tạo ra các giống sạch bệnh, chất lượng cao chuyển giao cho các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Phòng nuôi cấy mô tế bào của Trung tâm. Ảnh: KS.

Phòng nuôi cấy mô tế bào của Trung tâm. Ảnh: KS.

Cụ thể, Trung tâm sau khi du nhập và khảo nghiệm các giống xoài Úc đã chọn lựa ra được giống xoài R2E2 có chất lượng và năng suất cao. Sau đó sử dụng phương pháp ghép kết hợp giữa giống xoài R2E2 và giống xoài Canh nông của địa phương để cho ra tổ hợp cây ghép hoàn chỉnh.

Cây ghép này có thể chịu đựng được điều kiện khắc nghiệt của địa phương, nhưng vẫn cho ra được trái xoài ngon và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Từ mô hình ban đầu 10 ha tại Trung tâm, hiện diện tích trồng xoài Úc tại tỉnh Khánh Hòa đã lên hơn 5.000 ha, chưa kể cung cấp giống cho các tỉnh ĐBSCL, miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên và một số tỉnh Nam Trung bộ.

Xoài Úc đã được nông dân trong tỉnh Khánh Hòa mở rộng diện tích. Ảnh: KS.

Xoài Úc đã được nông dân trong tỉnh Khánh Hòa mở rộng diện tích. Ảnh: KS.

“Từ năm 2006, Trung tâm đã chuyển giao giống xoài R2E2 cho huyện Cam Lâm, vùng trồng xoài lớn nhất của tỉnh Khánh Hòa, qua đó giúp nông dân vươn lên làm giàu. Trung bình mỗi ha mang lại lợi nhuận cho nông dân từ 200 - 300 triệu đồng. Hiện xoài này vẫn là giống chủ lực của Khánh Hòa phục vụ xuất khẩu sang nhiều thị trường như Trung Quốc, Dubai, Hongkong, Úc, Newzeland và vùng Đông Nam Á”, ông Thương chia sẻ.

Một giống lan nhiệt đới được Trung tâm sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào. Ảnh: KS.

Một giống lan nhiệt đới được Trung tâm sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào. Ảnh: KS.

Bên cạnh giống xoài Úc, Trung tâm cũng đã sản xuất thành công hơn 20 giống lan nhiệt đới như mokara, dendro, ngọc điểm bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào. Đồng thời, xây dựng quy trình chăm sóc khi cây còn nhỏ đến giai đoạn trưởng thành để hướng dẫn cho người trồng lan. Bên cạnh đó, đã nhân giống thành công cây xáo tam phân là cây dược liệu giúp bảo tồn và phát triển loại cây này đã bị khai thác cạn kiệt trên các cánh rừng.

Phục tráng giống cây trồng có hiệu quả kinh tế cao

Ngoài sản xuất nhiều giống cây trồng chất lượng, Trung tâm Nông nghiệp Công nghệ cao còn ứng dụng nuôi cấy mô để phục tráng các giống cây trồng như hoa cúc, hoa huệ, mía tím, chuối. Đây là những giống cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên do canh tác lạc hậu, giống cây trồng bị thoái hóa, tích lũy mầm bệnh dẫn đến năng suất, chất lượng sụt giảm và hiệu quả kinh tế kém.

Nông dân trồng giống chuối cấy mô của Trung tâm cho năng suất cao. Ảnh: MH.

Nông dân trồng giống chuối cấy mô của Trung tâm cho năng suất cao. Ảnh: MH.

Theo ông Mai Xuân Thương, với ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào để phục tráng cây trồng, hàng năm Trung tâm đã cung cấp gần 100.000 cây cúc cho các vùng trồng hoa của Nha Trang, Thị xã Ninh Hòa và huyện Cam lâm.

Theo bà con trồng hoa cúc đánh giá, giống cây của Trung tâm phục tráng sạch bệnh, chất lượng cao nên được nông dân tin dùng.

Đối với giống mía tím, chuối sứ (chuối mốc) cấy mô, năm 2015, Trung tâm đã chuyển giao cho huyện Khánh Sơn để nhân giống thay dần giống đang trồng đã thoái hóa, năng suất kém. Đặc biệt, giống chuối sứ đến nay Trung tâm đã cung cấp giống cho nông dân trồng đại trà với diện tích hàng trăm ha ở Khánh Hòa và các tỉnh lân cận.

Vùng trồng hoa cúc ở Ninh Giang, Thị xã Ninh Hòa. Ảnh: MH.

Vùng trồng hoa cúc ở Ninh Giang, Thị xã Ninh Hòa. Ảnh: MH.

Tương tự, để khắc phục các loại giống lúa như ML48, SH14, ML4-2, Nàng Hoa, TH6, TH41, IR17494, Việt Hương Chiếm được nông dân ưa chuộng nhưng do sản xuất nhiều vụ dẫn đến phân ly, thoái hóa, Trung tâm đã tiến hành phục tráng và sản xuất giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng các loại giống lúa này chuyển giao cho các vùng sản xuất trọng điểm của tỉnh.

Nhờ vậy, đến nay mỗi vụ đông xuân và hè thu, nông dân đã sử dụng giống lúa nguyên chủng và xác nhận của Trung tâm gần 13.000 ha, chiếm 76% diện tích gieo trồng.

Theo Trung tâm Nông nghiệp Công nghệ cao, sắp tới Trung tâm sẽ mở rộng phòng nuôi cấy mô tế bào để đáp ứng nhu cầu sản xuất và lai tạo giống mới theo hai hướng.

Cụ thể đối với giống năng suất cao, sẽ đưa ra khảo nghiệm, khu vực hóa giống lúa mới ngắn ngày được lai tạo giữa giống ML202 và giống 3T (do Đại học Cần Thơ phối hợp nghiên cứu và chuyển giao).

Cùng với đó, nghiên cứu lai tạo giống lúa ngắn ngày chất lượng cao và giống năng suất cao để chọn lọc ra các dòng có các đặc tính tối ưu phù hợp với điều kiện địa phương. Ngoài ra, Trung tâm tiếp tục nghiên cứu sản xuất giống xáo tam phân bằng phương pháp invitro. Lai ghép giống xoài địa phương và giống xoài Keitt chín muộn của Mỹ để chuyển giao cho nông dân sản xuất rãi vụ…