Anh nông dân thu 200 triệu đồng mỗi tháng nhờ "bán cát" theo cân
01/04/19 02:34PM
Cát ở đây không phải cát thông thường mà là cát có chứa ngao giống li ti được chăm sóc cẩn thận.

Làm giàu từ nghề nuôi ngao giống hiện đang là hướng đi mới của người dân một số xã các tỉnh ven biển như Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định. Nghề này đã góp phần nhân rộng mô hình nuôi ngao, tiến tới xuất khẩu.

Cân cát bán tiền

Đi theo nghề cho ngao đẻ, ươm ngao giống, anh Phạm Văn Kim, 32 tuổi, trú tại xóm 5, xã Kim Trung, huyện Kim Sơn (Ninh Bình) không nghĩ tới sẽ có nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Với ngao giống bé li ti lẫn trong cát, anh Kim cứ bán 1 kg là thu về 1 triệu đồng thế nên dân địa phương bảo anh cân cát lấy tiền.

Với niềm khao khát làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, anh Phạm Văn Kim là một trong những người đi đầu và xây dựng thành công mô hình cho ngao đẻ, nuôi ngao sinh sản, ươm ngao giống ở huyện Kim Sơn và đem lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng...

Anh nông dân thu 200 triệu đồng mỗi tháng nhờ

Nhờ nuôi ngao sinh sản mà mỗi tháng gia đình anh Phạm Văn Kim bỏ túi hơn 200 triệu đồng. Ảnh: Dân việt

“Những năm đầu khởi nghiệp, tôi gặp không ít khó khăn và thách thức như: vốn ít, chưa có kinh nghiệm nuôi ngao giống khiến nhiều lần gia đình điêu đứng, năm đó tôi bị thua lỗ hơn 100 triệu đồng”, anh Kim chia sẻ với Dân việt.

Sau nhiều năm lăn lộn với nghề, đến nay quy mô nuôi ngao sinh sản của gia đình anh Kim đã lên tới 3.000m2 ao ươm và ao đẻ. Trung bình, mỗi tháng gia đình anh xuất bán ra thị trường ngao giống khoảng hơn 500 triệu con ngao giống và thu về khoảng 350 triệu đồng. Sau khi trừ hết chi phí, mỗi tháng gia đình anh Kim lãi hơn 200 triệu đồng.

Trung bình mỗi tháng gia đình anh Kim bán được hơn 300kg cát chứa ngao giống li ti và thu về 350 triệu đồng. Bình quân cứ 1 kg cát có chứa ngao giống be li ti, anh Kim thu về hơn 1 triệu đồng.

Anh nông dân thu 200 triệu đồng mỗi tháng nhờ

Trong cát chứa rất nhiều ngao giống, trung bình 1kg cát có giá hơn 1 triệu đồng. Ảnh: Dân việt

Anh Nguyễn Văn Kim khẳng định, so với các mô hình nuôi trồng thủy hải sản khác thì mô hình nuôi ngao sinh sản cho kinh tế cao hơn nhiều lần nhưng chi phí đầu tư ban đầu lại thấp hơn hẳn mà nhanh được thu hồi vốn. Ngoài ra, đầu ra cho mô hình không phải suy nghĩ nhiều, chỉ sợ không có đủ hàng để bán.

Vốn đầu tư ban đầu không ít

Tại trại nuôi ngao giống của hộ gia đình anh Trần Ngọc Cảnh xã Nam Phú (huyện Tiền Hải, Thái Bình). Đang vào mùa thu hoạch ngao giống nên không khí lao động tại đây rất hối hả. Người dân cào ngao trên bãi đổ vào các tải nhỏ rồi chuyên chở sang một ruộng khác ngập nước để đãi cát cho sạch. Lẫn trong những khối cát là hàng ngàn con ngao giống. Từ đây, ngao giống sẽ được thả ra bãi nuôi ngao dọc bờ biển hoặc bán cho những hộ nuôi ngao của huyện Tiền Hải.

Anh nông dân thu 200 triệu đồng mỗi tháng nhờ

Nhiều hộ dân ở Nam Phú (Tiền Hải, Thái Bình ) tích cực đầu từ trang trại với cơ sở vật chất đầy đủ đáp ứng nuôi trồng ngao giống. Ảnh: TTXVN

Trang trại của anh Cảnh có diện tích hơn 10ha, được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, từ hệ thống dẫn nước, mái che đến bảo quản, chăm sóc ngao giống hàng ngày. Mỗi năm anh Cảnh thu hoạch 30 tấn ngao giống cung cấp cho khu vực Thái Bình và Nam Định. Trang trại nuôi ngao giống này thu hút nhiều lao động địa phương, vào mùa vụ anh phải thuê thêm nhân công để thu hoạch ngao giống đảm bảo tiến độ.

Theo anh Ngọc Cảnh thì nuôi ngao giống theo phương pháp nhân tạo đòi hỏi quy trình phải đảm bảo kỹ thuật. Mật độ thả giống thường là 100kg/1000m2 với cỡ giống 5 vạn con 1 kg. Chủ trang trại phải đảm bảo quy trình chăm sóc quản lý tốt như: Giữ nhiệt độ tốt cho ngao sinh trưởng, Vùng nước sạch, nuôi với mật độ vừa phải.

Anh nông dân thu 200 triệu đồng mỗi tháng nhờ "bán cát" theo cân - Ảnh 4

Sau khi thu hoạch, người dân đãi cát, phân loại ngao giống phục vụ nuôi trồng thủy sản. Ảnh: TTXVN

Tại xã Nam Phú hiện nay có nhiều hộ gia đình làm trang trại nuôi ngao giống như mô hình của anh Cảnh. Vốn ban đầu nhỏ nhất cho một hộ nuôi ngao giống khoảng 5 tỷ, nhiều hơn thì có thể nhân rộng bãi nuôi ngao.

Là xã mới thành lập từ vùng đất bãi bồi ven biển, xã Nam Phú là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất tỉnh Thái Bình: trên 14%/năm và hàng năm nộp ngân sách hơn 5 tỷ đồng. Xã Nam Phú hiện có gần 100 chủ đầm nuôi trồng thủy hải sản có thu nhập từ 300 triệu đồng/năm trở lên.

Minh Minh (T/h)

Theo Đời sống pháp luật