Bất ngờ được cây mít lạ: Không hạt, không nhựa dính tay
30/10/18 09:02AM
Nhờ cần cù, chịu khó tiếp thu và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, mỗi năm lão nông Trần Minh Mẫn hay còn gọi là “ Út Mẫn” (ngụ khu vực 2, phường Ba Láng, quận Cái Răng) thu nhập hàng tỷ đồng từ giống mít không hạt (còn gọi là mít Ba Láng). Với thành tựu đó, ông còn được vinh danh là nông dân Việt Nam Xuất Sắc 30 năm đổi mới.

Tình cờ “bén duyên” với mít lạ

Nhắc đến chú Út Mẫn, mọi người trong vùng ai cũng biết đến người nông dân sản xuất giỏi trong nhiều năm liền với giống mít không hạt. Tiếp đón chúng tôi là một lão nông gầy, da ngăm, đúng dáng dấp của một ông già Nam bộ. Khi chúng tôi hỏi đến mô hình trang trại giống mít Ba Láng ông chia sẻ: Sinh ra trong gia đình nông dân nên nối nghiệp truyền thống trồng cây ăn quả nhưng thu nhập quá thấp không đủ sống nên nảy ra ý định tìm cơ hội phát triển khác”. 

Từ năm 1980, ông bắt đầu trồng cam mật trên 10 công vườn tạp. Tuy nhiên, 3 năm sau, cây đột nhiên mắc bệnh gây mất mùa. Sau đó, ông chặt bỏ cam trồng sầu riêng. Bằng kinh nghiệm, kỹ thuật của riêng mình, ông cho sầu riêng ra trái nghịch mùa để có giá thành cao. Lúc đó vườn sầu riêng của ông luôn chào đón rất nhiều khách tham quan, các nhà vườn đến học kinh nghiệm. “Vườn sầu riêng bắt đầu ăn nên làm ra, thu hút sự chú ý của nhiều người và được chính quyền địa phương quan tâm thì những gốc sầu riêng bị lão không cho trái”, ông Út Mẫn nói.

Bất ngờ được cây mít lạ: Không hạt, không nhựa dính tay
Ông Mẫn bên vườn giống sắp đưa ra thị trường phục vụ nhà vườn

Cứ nghĩ ông sẽ chùn bước. Tuy nhiên, với bản tính cần cù, sáng tạo, ham học hỏi, một lần tình cờ ông ghé thăm người bạn ở Tiền Giang và được giới thiệu một giống mít lạ rất ít hạt nhưng toàn là hạt lép, không dính mủ vào tay khi ăn, có mùi thơm nhẹ, có thể ăn cả xơ, có vị ngọt thanh, trọng lượng từ 10kg – 20kg mỗi trái. Ông mang về trồng xen canh với vườn sầu riêng, sau thời gian chăm sóc cây thấy cây phát triển rất tốt nên ông quyết định loại bỏ vườn sầu riêng già cỗi trồng chuyên canh giống mít lạ. Hiện tại, mít thương phẩm của ông bán với giá 50.000 đồng/kg cho các siêu thị trên địa bàn.

Năm 2010, khi ông mang trái mít lạ đến hội thi Trái ngon – An toàn Nam Bộ lần 2 tại TP Hồ Chí Minh thì đạt giải lạ, hiếm – Mít không hạt. Cũng tại cuộc thi đó tên Mít Ba Láng xuất hiện và được đăng kí nhãn hiệu. Nhận thấy tiềm năng của nó nên ông đã tập trung vào phát triển giống mít. Nhờ vậy, hàng năm ông thu nhập trên 1 tỷ đồng từ việc bán trái thương phẩm. Bên cạnh đó, ông cũng nhận nhiều bằng khen, giấy khen từ Trung Ương và địa phương, đáng kể nhất là danh hiệu Nông dân Việt Nam Xuất Sắc 30 năm đổi mới năm 2017.

Gìn giữ, phát triển giống mít Ba Láng

Từ khi giống mít Ba Láng bắt đầu nổi tiếng, các nhà vườn từ các tỉnh, thành trong và ngoài nước liên hệ với ông để mang giống về phát triển. Tuy nhiên, số lượng giống lại không đủ cung cấp. May mắn thay,lúc đó các giảng viên Trường Đại học Cần Thơ đã chủ động tìm đến ông để nghiên cứu và hỗ trợ kĩ thuật tạo giống, phát triển giống mít Ba Láng. Từ đó, mỗi năm ông đưa ra thị trường khoảng 100.000 cây giống cho các nhà vườn với giá 50.000 đồng/cây.

Tuy nhiên, một số nơi trồng giống mít này không đạt năng suất, chất lượng như mong muốn. Lúc này,  ông lại cùng các nhà khoa học của trường Đại học Cần Thơ tìm hiểu và nghiên cứu đưa ra quy trình kỹ thuật trồng để cây đạt hiệu quả nhất. Mỗi lần, ông xuất giống thị trường đều kèm theo quy trình kỹ thuật trồng cho người mua. 

Sau đó vấn đề giống thuần chủng lại được đặt ra.Ông đã từ bỏ việc cho ra trái thương phẩm ở những gốc mít thuần chủng thay vào đó nuôi chồi để cung cấp cho việc ghép mắt tạo giống. Duy trì giống đã được ông giải quyết tạm thời ổn trong gian đoạn nhất thời, còn về lâu dài do các nhà vườn đã trồng gìn giữ. 

Cứ như thế sự nghiệp trồng mít không hạt của ông Út Mẫn ngày càng phát triển. Mong muốn của ông là sẽ tiếp tục gìn giữ và phát triển rộng rãi giống mít Ba Láng không chỉ trong nước mà vươn ra tầm thế giới.

(Theo Pháp luật Việt Nam)