Bình Phước xây dựng thương hiệu toàn cầu cho sản phẩm hạt điều
13/01/21 02:51PM
Hạt điều Bình Phước được đánh giá có chất lượng “ngon nhất thế giới”. Hiện nay điều Bình Phước đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp “chỉ dẫn địa lý”. Với bước đi này, Bình Phước đang hướng đến xây dựng thương hiệu hạt điều toàn cầu để đưa sản phẩm “hạt điều Bình Phước” đến với người dân thế giới, nhất là những thị trường khó tính như Mỹ, EU.
Binh Phuoc xay dung thuong hieu toan cau cho san pham hat dieu hinh anh 1Sản phẩm hạt điều Bình Phước được các hội viên phụ nữ xã Đường 10 bán online trên mạng xã hội. Ảnh: Sỹ Tuyên - TTXVN

Chất lượng điều ngon nhất thế giới

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước cho biết, diện tích cây điều của tỉnh hiện nay khoảng 170.000 ha, với sản lượng 243.000 tấn/năm. Việc canh tác cây điều đã giải quyết việc làm cho khoảng 50.000 lao động tại các vùng nông thôn. Cây điều được trồng tập trung chủ yếu tại các huyện Phú Riềng, Bù Gia Mập, Bù Đăng và Đồng Phú.

Theo đánh giá của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chất lượng và hương vị là hai thế mạnh của điều Việt Nam so với hạt điều có xuất xứ từ các quốc gia khác, nhất là từ châu Phi. Riêng điều Bình Phước được đánh giá là có chất lượng vượt bậc so với điều của các quốc gia khác với giá trị dinh dưỡng cao.

Ông Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, Bình Phước vẫn đang gặp khó trong việc xây dựng thương hiệu riêng đối với hạt điều. Nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng nhập khẩu điều thô từ các nước châu Phi, Campuchia với chất lượng kém để chế biến điều nhân xuất khẩu. Trong khi đó, lượng điều thô nhập khẩu chiếm 70% tổng sản lượng điều được chế biến tại Bình Phước.

Ngoài ra, việc các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ với quy trình kỹ thuật yếu kém, không được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng đã đưa ra thị trường các sản phẩm không được đảm bảo về chất lượng, vệ sinh thực phẩm.

“Cần nâng cao giá trị gia tăng của các chuỗi sản phẩm thông qua tăng cường thu hút chế biến sâu, chuyển đổi mô hình phát triển sang hướng sản xuất hàng hóa và xây dựng các cơ chế để khuyến khích doanh nghiệp và nông dân thắt chặt quan hệ bền vững hơn. Mục tiêu đến năm 2025 ngành điều Bình Phước tạo ra 60.000 việc làm, đến năm 2030 là 80.000 việc làm”, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du nhận định.

Xây dựng thương hiệu toàn cầu cho hạt điều Bình Phước


Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Phước cho biết, hiện nay kim ngạch xuất khẩu điều của cả nước khoảng 3,5 tỷ USD, dẫn đầu trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Mỗi năm, Việt Nam cần hơn 1 triệu tấn nguyên liệu điều nhân để sản xuất, chế biến. Trong khi, sản lượng thu hoạch trong nước mới chỉ đạt khoảng 300 nghìn tấn, số còn lại vẫn phải nhập khẩu điều từ nước ngoài, đặc biệt là từ các nước Tây Phi.

Một tín hiệu vui cho người trồng điều ở Bình Phước khi cuối tháng 12/2020 vừa qua, UBND tỉnh Bình Phước đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho một tập đoàn của Hà Lan đầu tư vào chuỗi giá trị cây điều.

Theo đó, Tập đoàn Mekong Cooporation EUROPE BV-Hà Lan (MCE) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Năng lượng An Việt Phát (AVP) đã quyết định đầu tư 250 triệu USD để xây dựng vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến và viện nghiên cứu đối với trái điều Bình Phước.

Trong đó, MCE và AVP sẽ đầu tư và phát triển vùng nguyên liệu với diện tích 200.000ha với số vốn 124 triệu USD; xây dựng nhà máy sản xuất hạt điều và dầu vỏ hạt điều tinh lọc xuất khẩu với số vốn 81 triệu USD.

Công suất nhà máy sản xuất hạt điều 168.750 tấn/năm; công suất nhà máy sản xuất dầu vỏ hạt điều 118.125 tấn/năm; nhà máy sản xuất bã vỏ điều 118.125 tấn/năm. Tổng diện tích của 3 nhà máy là 50ha.

Ngoài ra, đơn vị này còn xây dựng một trung tâm nghiên cứu về hạt điều tại khu vực dự án dự kiến xây dựng tại xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, Bình Phước.

Ông Nguyễn Thanh Tấn, Tổng Giám đốc MCE, cho biết sau khi phát triển diện tích thực nghiệm, MCE sẽ ký kết với người nông dân thông qua các hợp tác xã để phát triển vùng nguyên liệu được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế.

Theo ông Tấn, cách mà MCE phát triển đối với sản phẩm điều tại Bình Phước đó là theo chuỗi giá trị sản phẩm theo tiêu chuẩn châu Âu. Tất cả những sản phẩm từ hạt điều chế biến, tinh dầu vỏ hạt điều và các sản phẩm khác từ cây điều sẽ được xuất khẩu vào thị trường Châu Âu. Điều đặc biệt, toàn bộ vùng nguyên liệu điều sẽ được trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ organic theo tiêu chuẩn châu Âu.

Ông Nguyễn Thanh Tấn, cho biết với kinh nghiệm và năng lực của MCE tại thị trường Châu Âu, đơn vị sẽ xây dựng và phát triển thương hiệu toàn cầu cho sản phẩm hạt điều Bình Phước.

Sỹ Tuyên/Dantocmiennui