Cá thát lát sinh lời nửa tỷ đồng mỗi năm cho nông dân
22/03/17 04:32PM
Cá thát lát ít xương, thịt săn chắc, nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP là loại thủy sản chủ lực của gia đình anh Nguyễn Hữu Đức ở Hậu Giang khi đem về tiền lãi khoảng 500 triệu đồng mỗi năm.

Cùng với khóm Cầu Đúc, bưởi Năm Roi trà Phú Hữu, chanh không hạt, đọt choại…, cá thát lát là một trong những loại thủy sản đặc trưng của vùng đất Hậu Giang. Để góp phần nâng cao giá trị của giống cá này, một số chủ ao đã chủ động xây dựng mô hình nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, xác định hướng đi lâu dài, ổn định. Nổi bật trong đó là cơ sở của anh Nguyễn Hữu Đức ở ấp Phước Hòa, xã Đông Phước A, huyện Châu Thành.

Với định hướng nhắm vào các siêu thị lớn tại Hậu Giang, anh Đức tích cực tìm hiểu thông tin nuôi cá thát lát sạch, an toàn. Theo đó, với mỗi ao nuôi, anh chủ động theo dõi và lập hồ sơ ghi lại toàn bộ quá trình chăm sóc, lượng thức ăn để tiện cho việc truy xuất nguồn gốc sau này và kiểm soát rủi ro tốt hơn. 

polyad

Nuôi cá thát lát đem lại nguồn lợi kinh tế cao cho bà con Hậu Giang. Ảnh: tomvang.

Anh Đức cũng chia sẻ, cá thát lát sống nhiều ở Biển Hồ Campuchia và sông MeKong. Sau năm 2001, Hậu Giang thí điểm cho cá thát lát sinh sản nhân tạo thành công. Từ đó, giống cá này trở thành thủy sản chủ lực trong nền kinh tế của tỉnh. Bên cạnh đó, quy trình nuôi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP cũng giúp cá thát lát có đầu ra ổn định, giá bình ổn lại ít gặp rủi ro.

Hiện nay, với 4 ao nuôi tương đương khoảng 2 ha, mỗi năm, cơ sở của anh cung cấp ra thị trường khoảng 80 tấn cá thát lát. Với giá bán khoảng 60.000 đồng một kg, tổng doanh thu của cơ sở là hơn 4 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí đầu tư gồm con giống, thức ăn chăn nuôi, chi phí nhân công…, anh lãi khoảng 500 triệu đồng.

Với quy trình được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2015, hiện tại, sản phẩm cá thát lát của cơ sở anh Đức đã xuất hiện tại hệ thống các siêu thị lớn ở Hậu Giang như Metro, BigC, Lotte…

ca-that-lat-sinh-loi-nua-ty-dong-moi-nam-cho-nong-dan-1

Cá thát lát Hậu Giang. Ảnh: Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Hậu Giang.

Nhận thấy ưu điểm của cá thát lát là ít xương, thớ thịt có màu trắng trong tự nhiên, cơ thịt mịn, săn chắc; đồng thời, muốn phát huy lợi thế và giữ gìn thương hiệu địa phương, chính quyền tỉnh làm hồ sơ đăng ký bảo hộ độc quyền thương hiệu cho loại thủy sản này.

Ngày 12/8/2014, nhãn hiệu "cá thát lát Hậu Giang" được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ bảo hộ độc quyền. Điều này giúp người dân yên tâm phát triển loại cá đặc sản và mở rộng diện tích nuôi mỗi năm. Tháng 9/2016, diện tích nuôi cá thát lát trong tỉnh đạt 44 ha, tăng hơn 30 ha so với cùng kỳ năm 2015.

Thúy Vũ

(Theo vnexpress)