Để ngành dừa phát triển bền vững - Bài 2: Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ
27/11/18 04:23PM
Gần đây, các địa phương có thế mạnh về cây dừa ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai giải pháp nâng cấp chuỗi giá trị cây dừa, gắn sản xuất với tiêu thụ, đặc biệt chú trọng việc liên kết giữa nông dân trồng dừa và doanh nghiệp.

Thực tế tại Bến Tre cho thấy, việc xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, trong đó có cây dừa đang là hướng đi đúng. Điều này, bước đầu tháo gỡ khó khăn cho việc sản xuất, tiêu thụ của người trồng dừa.

Chú thích ảnh
Dừa khô nguyên liệu tại tỉnh Bến Tre. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập cho hay, tỉnh đang tập trung xây dựng chuỗi giá trị cây dừa theo tinh thần Nghị quyết 03-NQ/TU của Tỉnh ủy Bến Tre về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020. Từ đó, nâng cao hiệu quả kinh tế vườn dừa và nâng cao thu nhập cho nhà vườn, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững ngành dừa.

Đến nay, Bến Tre đã thành lập 10 tổ liên kết, 30 tổ hợp tác, 7 hợp tác xã, với khoảng 2.139 hộ và gần 1.600 ha diện tích được các doanh nghiệp ký kết hợp đồng và thu mua toàn bộ sản phẩm.Ngoài việc thành lập các tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất, ngành nông nghiệp tỉnh còn phối hợp với các đơn vị liên quan làm cầu nối để kết nối doanh nghiệp và nông dân, nhằm chủ động đầu ra sản phẩm. Tham gia vào chuỗi giá trị này, các doanh nghiệp gắn kết với nông dân bằng hai hình thức là mua trực tiếp dừa trái và xây dựng điểm sơ chế tại cơ sở.

Cụ thể, đối với dừa công nghiệp, hiện có 3 doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ là Công ty TNHH dừa Lương Quới, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre, Công ty cổ phần chế biến Dừa Á Châu đã ký kết bao tiêu sản phẩm, giữ vững mức giá sàn (mức giá tối thiểu 50.000 đồng/chục dừa) và đảm bảo thu mua ổn định cho thành viên các tổ hợp tác, hợp tác xã.

Tính từ đầu năm 2017 đến nay, các doanh nghiệp đã tiêu thụ qua hợp đồng gần 10,5 triệu trái và 217 tấn cơm dừa tươi. Ngoài dừa công nghiệp, dừa uống nước cũng được ngành chức năng tỉnh Bến Tre xúc tiến xây dựng chuỗi giá trị và bước đầu vận hành tương đối thuận lợi.

Tính từ năm 2017 đến nay, Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Mekong đã thu mua được 287.881 trái dừa uống nước cho nông dân trồng dừa trên địa bàn tỉnh.

Thời gian qua, giá dừa tại Bến Tre xuống thấp, đời sống, kinh tế của người trồng dừa gặp nhiều khó khăn. Tại nhiều nơi trong tỉnh, thương lái ngưng thu mua, nhưng tại các tổ hợp tác và hợp tác xã trồng dừa có sự liên kiết với  doanh nghiệp, nhà vườn vẫn “sống khỏe”. Các điểm thu mua, sơ chế của các công ty vẫn thu mua dừa cho bà con nông dân với giá sàn không dưới 50 ngàn đồng/chục và với giá cao hơn khoảng 20% nếu bà con canh tác dừa hữu cơ.

Thời điểm này, khi giá dừa lao dốc chỉ còn 30.000-35.000 đồng/chục, nhiều hộ trồng dừa có tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh vẫn yên tâm canh tác.

Ông Nguyễn Văn Trọn, tổ trưởng tổ hợp tác chăm sóc, cải tạo vườn dừa xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm, Bến Tre hồ hởi chia sẻ: Tổ hợp tác có 59 thành viên, với tổng diện tich vườn dừa hơn 62 ha, canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ. Toàn bộ diện tích dừa của tổ hợp tác được Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Tham gia mô hình liên kết này, nông dân trồng dừa có nhiều điểm lợi, trước nhất là sản phẩm thu hoạch có đầu ra và giá cả ổn định, kế đến đất trồng dừa của bà con được cải tạo, không ô nhiễm môi trường.

Theo ông Nguyễn Bảo Trí, Phó Giám đốc Công ty TNHH dừa Lương Quới, khu công nghiệp An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, Công ty đã liên kết tiêu thụ dừa trái và cơm dừa sạch của 3 hợp tác xã, 13 tổ Hợp tác và 2 tổ liên kết, với tổng diện tích khoảng 980 ha, tương đương khoảng 2.100 nông hộ (trong đó số nông hộ canh tác dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ chiếm khoảng 50%).

Đặc biệt, từ tháng 5/2018, khi giá dừa trái liên tục bị sụt giảm, xuống thấp dưới mức từ 30.000-35.000 đồng/chục, công ty đã thực hiện chính sách thu mua hỗ trợ, bao tiêu với giá sàn 50.000 đồng/ chục cho dừa trái và 4.500 đồng/kg dừa hột cho các tổ liên kết, tổ hợp tác và hợp tác xã đã ký liên kết. Riêng dừa hữu cơ, công ty thu mua với giá cao hơn thị trường từ 5-20%.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Huỳnh Quang Đức, giải pháp đầu tiên để nâng cao giá trị cây dừa là phải tuyên truyền, vận động cho nông dân hiểu được sự cần thiết phải tham gia xây dựng chuỗi giá trị cây dừa. Ngoài ra, phải tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng cây dừa.

Chú thích ảnh
Ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh chủ trương đa dạng hóa các sản phẩm từ trái dừa, xơ dừa, mụn dừa… Ảnh: Thanh Hoà/TTXVN

“Điều quan trọng không thể thiếu trong xây dựng chuỗi giá trị cây dừa là phải có sự đồng hành của doanh nghiệp trong việc xây dựng vùng nguyên liệu gắn kết với các tổ hợp tác, hợp tác xã, đồng thời ký kết hợp đồng thu mua với nông dân”- ông Đức phân tích.

Tại Trà Vinh, chuỗi giá trị dừa chưa phát triển, nhà vườn và doanh nghiệp chủ yếu cung cấp sản phẩm trung gian hoặc thành phẩm cho các công ty chế biến, xuất khẩu các sản phẩm từ dừa ở Trà Vinh và Bến Tre. Vì sản phẩm dừa chưa đa dạng nên chưa mang lại nhiều lợi ích cho người trồng.

Do vậy, giai đoạn 2018-2020, Trà Vinh thực hiện nhiều hoạt động nâng cấp chuỗi giá trị cây dừa, để phát triển bền vững cây dừa trên địa bàn. Theo đó, tỉnh tập trung 3 nhóm giải pháp chính để nâng cấp chuỗi giá trị dừa, gồm: cải tiến công nghệ, kỹ thuật; phát triển thị trường; nâng cao vai trò hỗ trợ phát triển của các ban, ngành, dự án.

Ông Phạm Minh Truyền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết: Tỉnh  sẽ tranh thủ các nguồn lực tập trung hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hoá sản phẩm từ dừa; mời gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nước dừa đóng hộp, bột dừa, đồ thủ công mỹ nghệ…

Tin vui đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh ngành hàng dừa là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động lĩnh vực ngành hàng dừa ở Trà Vinh được Dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Trà Vinh (Dự án SME Trà Vinh) hỗ trợ vốn để phát triển ý tưởng, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cũng theo ông Tô Ngọc Bình, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Trà Vinh, Giám đốc Ban Quản lý Dự án SME Trà Vinh, dừa là một trong những ngành hàng chủ lực của tỉnh Trà Vinh, được Dự án SME hỗ trợ nâng cấp chuỗi giá trị. Giai đoạn 2014-2020, để hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, Bộ các vấn đề toàn cầu Canada (GAC) đã tài trợ tỉnh Trà Vinh thực hiện Dự án SME.

Tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án  12,1 triệu CAD (tương đương khoảng 215 tỷ đồng). Trong số đó, nguồn vốn do Canada tài trợ không hoàn lại 11 triệu CAD, số tiền còn lại do tỉnh Trà Vinh đối ứng.

Về lâu dài, để ngành dừa phát triển bền vững, ngành nông nghiệp hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh tuyển chọn những giống dừa thích nghi hạn mặn, cho năng suất cao và có thị trường tiêu thụ ổn định khuyến khích nông dân trồng; đồng thời, tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật canh tác dừa cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết, doanh nghiệp và các đơn vị tham gia trong chuỗi theo nhu cầu thị trường; hỗ trợ chứng nhận vùng trồng dừa đạt tiêu chuẩn VietGAP…

Cùng với đó, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp, để đảm bảo năng suất chất lượng trái dừa trong điều kiện biến đổi khí hậu, nhưng vẫn đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhằm hướng đến mục tiêu hoàn thiện chuỗi giá trị dừa.

Với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, hy vọng trái dừa sẽ nâng cao được giá trị, người trồng dừa không còn cảnh thấp thỏm âu lo trước biến động giá cả thị trường như thời gian qua

Công Trí- Thanh Hòa (TTXVN)