Dùng gen rol nhân nhanh sinh khối rễ sâm Ngọc Linh
09/05/17 04:03PM
Bằng cách tạo vết thương tên cuống và lá, chủng vi khuẩn agrobacterium rhizogenes chứa gene rol vào, kết quả là rễ tóc cây sâm Ngọc Linh được kích thích tăng trưởng mạnh, tạo ra sinh khối lớn hơn cách nuôi trồng khác.

Kết quả phân tích dịch chiết rễ tóc sâm Ngọc Linh được tạo ra cho thấy có 3 nhóm saponin protopanaxadiol, protopanaxatriol và ocotillol như G-Rg1, G-Rb1 đặc biệt là MR2.

Trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM là cơ quan nghiên cứu và công bố công trình nói trên và đã được Bộ Khoa học & Công nghệ nghiệm thu thành công nuôi cấy sâm Ngọc Linh trong điều kiện phòng thí nghiệm. TS. Dương Hoa Xô, giám đốc trung tâm cho biết: “Sâm Ngọc Linh chậm phát triển ở ngoài thiên nhiên cũng như trong vườn trồng thực nghiệm. Cây sâm Ngọc Linh sau trồng 5 -7 năm mới cho sản phẩm nhưng năng suất sâm rất thấp. Việc tạo sinh khối rễ trong bình nuôi cấy là phương pháp mới và phù hợp mục đích thu hoạch rễ”.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong công trình này, các nhà nghiên cứu của trung tâm đã chọn những cá thể sâm Ngọc Linh có rễ tóc sinh trưởng nhanh, có hàm lượng saponin cao và tiến hành nhân sinh khối trên hệ thống thiết bị bioreactor. Sau 3 tháng nuôi cấy kết quả cho hệ số nhân nhanh 20 lần.

Trên thế giới đã tìm thấy 20 loài sâm được cho là có chứa hoạt chất saponin, dược liệu quý hiếm rất tốt ngăn ngừa và chữa bệnh cho người. Riêng sâm Ngọc Linh (tên khoa học: Panax vietnamensis Ha et Grushv) thuộc họ cuồng cuồng (Araliaceae), được cho là loài sâm quý nhất thế giới. Cây này có phổ hẹp trong những tiểu khu rừng ở Tây Nguyên. Chúng mọc dày thành đám dưới tán rừng, trên đất nhiều mùn dọc theo các suối luôn ẩm, ở độ cao 1.200 đến 2.100m như núi Ngọc Linh huyện Đăk Tô (Kon Tum),Trà My, Phước Sơn (Quảng Nam).

Theo Bộ Y tế , phần thân rễ của cây sâm Ngọc Linh chứa trên 50 hợp chất saponin(so với sâm Triều Tiên có khoảng 25), trong đó 26 hợp chất saponin có cấu trúc hóa học đã biết và 24 saponin có cấu trúc mới không có trong các loại sâm khác.Hợp chất hóa học đa dạng và có nhiều tác dụng thực tiễn, đặc biệt cho con người.

Thành công trong việc cấy mô trồng và kích thích rễ tóc sâm Ngọc Linh phát triển mạnh sẽ là tiền đề cho việc nhân nhanh sinh khối rễ sâm, cung cấp nguyên liệu sản xuất saponin làm thực phẩm dinh dưỡng đặc biệt tốt cho sức khỏe con người. Hậu nghiên cứu, trung tâm và một công ty sản xuất dược liệu đã có ghi nhớ về việc hợp tác sản xuất rượu, trà, nước giải khát từ rễ tóc sâm Ngọc Linh.

Việc tạo sinh khối nhanh rễ tóc sâm Ngọc Linh của Trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM không chỉ đóng góp sản phẩm khoa học mà còn rất có ý nghĩa đối với sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật cho người dân. GS. TS Nguyễn Minh Đức (Đại học y - dược TP. HCM) nhận định: “Thành công của nghiên cứu trên có giá trị rất lớn, làm tăng cơ hội sử dụng sâm quý Việt Nam cho người tiêu dùng”.

Theo Khoa học Phổ thông