Giải pháp bền vững nào cho đầu ra của trái thanh long ?
18/02/20 10:35AM
Với diện tích hơn 7.000 ha chuyên canh thanh long cho sản lượng gần 200.000 tấn/năm, nhà vườn Tiền Giang đã làm giàu nhờ cây trồng có hiệu quả kinh tế qua xuất khẩu. Tuy nhiên, thị trường của trái thanh long trong nhiều năm qua được xem là không ổn định và bền vững vì chủ yếu lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Do đó, việc tìm ra giải pháp bền vững cho đầu ra của trái thanh long ở Tiền Giang nói chung và ở những địa phương khác là điều cấp thiết.

Với diện tích h

Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh (thứ 2 từ phải sang) và lãnh đạo huyện Chợ Gạo
thăm vùng chuyên canh thanh long ở xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo.

Là một trong những địa phương có diện tích trồng cây thanh long lớn nhất nước, tỉnh Tiền Giang hiện có khoảng 7.000 ha chuyên canh thanh long, trong đó, huyện Chợ Gạo có diện tích nhiều nhất với gần 5.000 ha. Với năng suất cao và giá tương đối, thanh long được xem là loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, mỗi năm mang lại lợi nhuận từ 200 - 400 triệu đồng/ha cho nhà vườn trồng thanh long. Tuy nhiên, không phải đến khi bị ảnh hưởng do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona (Covid-19) gây ra nên hàng trăm ngàn tấn thanh long bị ùn ứ, không xuất đi Trung Quốc được, dẫn đến giá sụt giảm từ 35.000 đồng/kg chỉ còn 1.000 - 5.000 đồng/kg, mà trước đây, kịch bản này vẫn xảy ra khi phía Trung Quốc không hoặc chậm nhập mặt hàng này.

Theo nhiều nhà vườn có kinh nghiệm trồng thanh long lâu năm ở các xã Tân Thuận Bình, Quơn Long… của huyện Chợ Gạo, giá thanh long có thể sụt giảm mạnh vào thời điểm tháng 6, 7 hàng năm nhờ thời tiết thuận lợi, cây thanh long cho năng suất cao nên thanh long ruột đỏ loại tốt chỉ có giá từ 8.000 - 10.000 đồng/kg (giảm gần 3 lần so với các tháng trước đó). Ông Nguyễn Văn Hưởng, ấp Quang Thọ, xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo, trồng 5 công thanh long ruột đỏ đã hơn 10 năm cho biết: Nếu so với giá thanh long vào mùa, không phải xử lý ra hoa trái vụ (xông đèn), với giá bán từ 10.000 đồng/kg trở lên thì người trồng có lãi. Nhưng nếu xông đèn mà bán với giá này thì người trồng từ huề vốn đến lỗ vốn vì chi phí cho 1 công thanh long (tiền điện, tiền công chăm sóc…) tốn ít nhất 10 triệu đồng.  Ngoài ra, vào khoảng tháng 11 cũng là thời điểm thanh long Trung Quốc thu hoạch rộ cũng trùng với vụ thuận ở Tiền Giang thì giá thanh long trong tỉnh bắt đầu tụt giảm vì cung vượt cầu. Lúc này, giá thanh long ruột đỏ loại tốt tụt xuống chỉ còn 5.000 - 6.000 đồng/kg; loại thấp hơn có giá từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Đáng buồn hơn là có những vườn bỏ trái chín trên cây đến rục rã hoặc cắt cho cá, bò ăn!

Trước và sau Tết Nguyên đán hàng năm là thời điểm người trồng thanh long kỳ vọng vào các đợt thu hoạch này vì giá cao. Trước khi xảy ra dịch bệnh ở Trung Quốc, các thương lái vào tận vườn mua thanh long từ khi mới ra hoa hoặc có trái non với giá từ 30.000 - 35.000 đồng/kg. Vậy mà, đến khi dịch bệnh xảy ra, các cửa khẩu Trung Quốc đóng cửa thì giá thanh long tụt xuống chỉ còn 5.000 đồng/kg; thậm chí thương lái không mua. Một thương lái thu mua thanh long kỳ cựu ở xã Tân Thuận Bình cho biết: "Mua với giá 5.000 đồng/kg để hy vọng gởi lấy lại số tiền đặt cọc trước chứ không xuất được thì mua làm gì để trữ kho lạnh, tốn chi phí cao!". Ông Lê Văn Nhỏ, ấp Quang Ninh, xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo trồng 1,2 công thanh long ruột đỏ nay đã đến lúc thu hoạch nhưng thương lái bỏ cả tiền đặt cọc (mua với giá 32.000 đồng/kg) đành phải bỏ chín rục trên cây. Ông ngao ngán nói: "Chi phí bỏ ra để xử lý ra hoa trái vụ 1,2 công gần 20 triệu đồng nhưng kiểu này gia đình tôi đành phải chịu lỗ vốn!".

Theo Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, tỉnh hiện có 74 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở thu mua thanh long, trong đó, 40 cơ sở có đầu tư kho lạnh với tổng sức chứa hơn 6.000 tấn. Hiện tại, các kho đã trữ khoảng 4,5 nghìn tấn nhưng khả năng mua thêm là hạn chế. Do đó, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tiền Giang kiến nghị Bộ NN-PTNT trình Thủ tướng Chính phủ cho thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí thu mua, tiêu thụ trái cây bị đình trệ, sụt giá vì ảnh hưởng của dịch bệnh nCoV; kiến nghị Thủ tướng ban hành cơ chế chung về hỗ trợ tiền điện cho các doanh nghiệp đang thu mua đưa vào kho lạnh dự trữ. Ngoài ra, địa phương còn kiến nghị Bộ tiếp tục hỗ trợ tỉnh mời gọi doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến trái cây tại Tiền Giang để hướng đến phát triển chuỗi sản phẩm từ trái thanh long, góp phần tiêu thụ sản phẩm thanh long theo hướng bền vững…

Được biết, việc tìm thị trường ổn định và bền vững cho trái thanh long nói riêng và các loại trái cây đặc sản nói chung đã được các ngành liên quan đã bàn bạc, tổ chức hội thảo nhiều lần nhưng dường như vẫn chưa tìm ra "kịch bản" hợp lý. Từ trái thanh long, mít, xoài, sầu riêng… dường như hầu hết chỉ xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc nên việc phụ thuộc quá lớn vào thị trường này chắc chắn sẽ dẫn đến "hệ lụy" là cung vượt quá cầu, hàng hóa không xuất được khi có những sự cố khách quan hoặc chủ quan là điều không tránh khỏi. Ông Trần Văn Hòa, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Gạo chia sẻ: Thực tế cho thấy, chính vì quá lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên lâu nay người trồng thanh long ở Chợ Gạo thường xuyên gặp cảnh "được mùa, dội chợ, rớt giá" vì chỉ cần phía Trung Quốc hạn chế xe chở thanh long vào nội địa tại cửa khẩu thì giá sẽ giảm ngay. Do vậy, xây dựng thương hiệu, tiêu chuẩn chất lượng cho trái thanh long để có thể xuất khẩu sang nhiều thị trường khác ngoài Trung Quốc là điều mà chính quyền và ngành nông nghiệp huyện Chợ Gạo đau đáu nhiều năm nay.

Ông Lê Văn Mỹ, Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo, trăn trở: Từ năm 2008, tỉnh Tiền Giang đã phê duyệt Đề án phát triển cây thanh long của huyện Chợ Gạo triển khai trên địa bàn 12 xã Quơn Long, Tân Thuận Bình… với tổng diện tích đạt đến 6.500 ha vào năm 2020. Đây được xem là một bước đột phá giúp cây thanh long Chợ Gạo tiếp tục vươn lên phát triển bền vững, tuy nhiên tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm cũng là nỗi trăn trở của nông dân và chính quyền địa phương. Về phía địa phương, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành Nông nghiệp, Điện lực, Kinh tế - Hạ tầng… quan tâm, tạo mọi điều kiện cho nhà vườn trồng thanh long phát triển từ việc chuyển giao khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, nâng cấp hệ thống điện để xử lý ra hoa trái vụ… Tuy nhiên, để sản phẩm trái thanh long có đầu ra ổn định về bền vững thì còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố mà điều này phải nhờ vào sự hỗ trợ của tỉnh cùng các Bộ, ngành Trung ương.

Ông Trần Văn Hòa, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Gạo

Theo kế hoạch, đến năm 2020 diện tích thanh long Chợ Gạo sẽ phát triển lên 6.500 ha và mỗi xã sẽ xây dựng 1 HTX; đồng thời khuyến khích nhà vườn canh tác theo các tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, GlobalGAP để trái thanh long có thể đi sang các thị trường khó tính như châu Âu, châu Mỹ. UBND huyện Chợ Gạo còn khuyến khích, mời gọi ưu đãi đầu tư đối với những doanh nghiệp có tâm huyết với trái thanh long, có khả năng chế biến loại trái cây này thành các sản phẩm giá trị gia tăng công nghệ cao để có thể chấm dứt điệp khúc "được mùa, rớt giá" của trái thanh long Chợ Gạo, đặc biệt là nâng cao khả năng cạnh tranh của trái thanh long trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Nguyễn Thi/Baotiengiang