Giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản: “Bàn tròn” kết nối cung cầu
30/11/20 04:10PM
Trung tâm Khuyến nông Hà Nội vừa kết hợp với các nhà bán lẻ có uy tín, tổ chức hội thảo để kết nối cung cầu, đưa sản phẩm sạch, chất lượng cao của nông dân đến với người tiêu dùng.
t30.JPG
Diễn đàn Liên kết chuỗi sản phẩm tại Phúc Thọ.

Nhằm giúp bà con huyện Phúc Thọ (Hà Nội) xây dựng liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội) đã kết hợp với các nhà bán lẻ có uy tín, tổ chức hội thảo để kết nối cung cầu, đưa sản phẩm sạch, chất lượng cao của nông dân đến với người tiêu dùng.   

Chú trọng sản xuất sạch, kết nối tiêu thụ

Ông Nguyễn Văn Sản, thôn 10 xã Sen Phương (Phúc Thọ) cho biết, gia đình ông có 3 mẫu (1 mẫu Bắc Bộ = 3.600m2) rau canh tác theo lối truyền thống từ nhiều đời nay. Đặc biệt, 7 năm trở lại đây, thường xuyên được Trung tâm  Khuyến nông Hà Nội, tập huấn cách trồng rau an toàn, rau sạch. Rất may, do địa phương ông nằm liền kề với các đơn vị bộ đội ở huyện Ba Vì, cách đây 3 năm, ông đã nhận được hợp đồng liên kết sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả và thịt, cá, trứng với 4 đơn vị (mỗi đơn vị 120 người).

Mặc dù sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và sản xuất sạch, theo hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, song, đơn vị vẫn trang bị cho ông máy đo nồng độ thuốc BVTV dư thừa, để cung cấp sản phẩm sạch cho nhà bếp. Gồm các loại: rau muống, rau cải, su hào, bắp cải, cải ngọt, cải canh, củ cải. Đặc biệt, trong đó có sản phẩm rau muống tiến vua, nổi tiếng bao đời nay được người tiêu dùng rất ưa chuộng.

Theo đó, năm 1954, có lần Bác Hồ về thăm xã Vật Lại (Ba Vì), khi về đến chợ Nghệ Sơn Tây, người giúp việc đã mua một ít rau muống về Hà Nội. Không ngờ, khi ăn món rau ngọn dài, lá nhỏ Bác Hồ đã khen ngon, và hỏi nguồn gốc ở đâu. Sau khi tìm hiểu, được biết đó chính là loại rau muống tiến vua thuở xưa, xuất phát ở thôn Linh Chiểu, xã Sen Chiểu huyện Phúc Thọ.

Hiện, giống rau muống tiến vua giá 6.000 đồng/kg, củ cải, bắp cải 10.000đồng/kg; cải ngọt, cải canh 12.000 đồng/kg. Theo cam kết, được kiểm tra giá cả thị trường 2 lần/tháng, để điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên, do diện tích rau sạch của gia đình ông không đủ cung cấp cho các đơn vị như đã ký kết, nên phải thu mua thêm của bà con trong vùng. Vì vậy, ngoài chỉ đạo sản xuất, ông Sản còn đảm nhận khâu thu mua, giám định các loại thực phẩm, trước khi cung cấp cho bộ đội.

Cũng như ông Sản, ông Nguyễn Hưng Thỉnh, thôn 5 xã Thọ Lộc, Giám đốc HTX sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, cho biết, HTX có 7 thành viên, chăn nuôi lợn hữu cơ từ năm 2016 đến nay. Trong đó, có 3 hộ chăn nuôi lợn bột, người nhiều nhất là ông Sản, nuôi 100 con; 2 hộ còn lại, nuôi 30 con/hộ; 2 hộ nuôi lợn nái, 50 con/hộ. Lợn bột, 6 tháng xuất chuồng/lứa, giá bán 120.000 đồng/kg.

Thức ăn do ông Thỉnh tự phối trộn, gồm: ngô, cám gạo, khô đậu tương, nhưng nay chuyển sang ăn đậu tương hạt. Theo công thức, đậu sấy khô cho vào máy trộn với ngô, cám gạo và ép viên, hạn sử dụng 3 ngày, do không có chất bảo quản, tăng trọng. Đây là phương thức chăn nuôi được gia đình lựa chọn, có sự phối hợp của Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Chăn nuôi Sở Nông nghiệp và PTNT tư vấn, hỗ trợ.

t31.jpg
Bưởi là một trong những nông sản chủ lực của huyện Phúc Thọ.

“Thấy đây là hướng đi bền vững, đảm bảo sức khoẻ người tiêu dùng, giá cả ổn định, tôi đã thành lập HTX và kêu gọi bà con cùng hưởng ứng. Hiện, sản phẩm của HTX đang cung cấp cho Viện Quân y 108, Trường sỹ quan Lục quân ở Hoà Lạc và 2 trường mầm non ở Phúc Thọ, do bố mẹ học sinh và nhà trường ký hợp đồng. Tại Hội thảo này, tôi mong muốn được ký kết với các nhà bán lẻ, để có đầu ra ổn định cho HTX”, ông Thỉnh cho biết thêm.

Hài hoà lợi ích liên kết chuỗi

Chia sẻ với bà con, bà Phạm Thị Lý, Giám đốc Trung tâm doanh nghiệp và phát triển (IDE), cho biết: “Phúc Thọ đã có chuối Vân Nam, cà dầm tương đạt OCOP 3 sao, bà con cần nỗ lực hơn để sớm đưa sản phẩm vào hệ thống tiêu thụ chung của Hà Nội. Khi có thương hiệu, người tiêu dùng chỉ cần xem các thông số của sản phẩm trên bao bì, cả tiếng Việt và tiếng Anh để lựa chọn. Hoặc, công khai điện thoại, địa chỉ email để tham gia sàn giao dịch điện tử. Trong 3 năm qua, nông dân đã đưa được sản phẩm vào siêu thị, nhưng chưa quan tâm bán hàng qua mạng, zalo, fecbook...

Năm 2018, tôi đã giúp HTX bưởi Núi Bé (Chương Mỹ) tiêu thụ hàng chục vạn quả bưởi. Sau khi tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc đã bán được 18.000 đồng/quả, nay tham gia bán qua mạng được 30.000 đồng/quả. Phúc Thọ có nhiều vùng bưởi tốt, cần xây dựng thương hiệu để người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, sản phẩm có đầu ra ổn định”.

Ông Đỗ Hoàng Thạch, Giám đốc Công ty cổ phần Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp Việt Nam cho biết, bà con làm nông nghiệp nên nhớ, nông sản được mùa mất giá, được giá mất mùa. Muốn tiêu thụ ổn định, phải vào chuỗi sản xuất, phải có tiêu chuẩn rõ ràng, ví như, xã Tân Đạt có bưởi Diễn nổi tiếng, đã bán 50.000 – 60.000 đồng/quả, vài năm trở lại đây trồng mới nhiều nhưng chưa có chứng nhận VietGAP, chưa xây dựng thương hiệu, bán trôi nổi chỉ 7.000 – 10.000 đồng/quả.

Mặt khác, bưởi Phúc Thọ nói chung bình quân đạt 40.000 – 45.000 đồng/quả, cao hơn bưởi Chương Mỹ (30.000 – 35.000 đồng/quả), nhưng do Chương Mỹ sớm xây dựng thương hiệu nên đã được thị trường Thủ đô đón nhận, Phúc Thọ  cần sớm nghiên cứu đầu ra. Chính quyền địa phương, trước hết là người trồng bưởi, cần mạnh dạn xúc tiến các thủ tục theo quy định, để sớm đưa trái bưởi vào chuỗi thực phẩm sạch.

“Phải xây dựng thương hiệu để bán sản phẩm tốt hơn, chúng tôi có Trung tâm Xúc tiến Thương mại vừa trưng bày giới thiệu sản phẩm, vừa kết nối với đơn vị phân phối. Phúc Thọ đã có rau sạch, chuối OCOP 3 sao Vân Nam, phù hợp với các bếp ăn tập thể, trường học. Hiện, chúng tôi đang liên kết với 200 trường học để tiêu thụ sản phẩm, hãy kết nối với chúng tôi”, ông Thạch chia sẻ. 

Ông Thạch nhấn mạnh, bưởi Diễn cũng vậy, nay tỉnh nào cũng có, nhưng bưởi Diễn chỉ ngon nhất khi được trồng lâu năm trên đất Diễn, đây là điều bà con cần cân nhắc. Về phía nhà bán lẻ, ngoài việc hàng hoá vào siêu thị phải chất lượng, an toàn trong vận chuyển, còn phải bày bán đẹp. Chúng tôi luôn mong có sản phẩm mới, giá cạnh tranh, không phải cứ có chứng nhận OCOP là đã thành công.

 Yên Như/KTNT