Giải pháp liên kết doanh nghiệp, nâng tầm nông sản Việt
21/06/22 10:49AM
Tháng 6 là mùa nhiều nông sản bắt đầu vào vụ. Một số địa phương đã sẵn sàng các phương án tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, gắn kết với các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, góp phần đưa nông sản Việt vươn ra thị trường thế giới.


1_11.jpgCơ sở sản xuất gỗ ghép thanh của gia đình anh Nguyễn Đức Chung, xã Hợp Lý tạo việc làm cho gần 30 lao động, thu nhập 6 -10 triệu đồng/người/tháng.

Vĩnh Phúc: Đưa sản phẩm Việt vươn ra thị trường thế giới

Với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê nhà, năm 2019, anh Nguyễn Đức Chung, xã Hợp Lý (Lập Thạch) đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy móc sản xuất gỗ ghép (ván ghép) thanh xuất khẩu. Đến nay, cơ sở sản xuất của anh Chung không chỉ tạo việc làm, thu nhập ổn định cho gần 30 lao động tại địa phương mà còn góp phần đưa sản phẩm của mình vươn ra thị trường thế giới, thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn.

Sau nhiều lần tìm hiểu và học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi trở về quê, nhận thấy lợi thế, tiềm năng sẵn có của địa phương về nguồn nguyên liệu, anh Chung đã bàn bạc với gia đình, quyết định mở xưởng chế biến gỗ. "Vạn sự khởi đầu nan”, năm đầu tiên, do thiếu vốn, kinh nghiệm, thị trường tiêu thụ hẹp, khiến cơ sở sản xuất chịu không ít áp lực. Đến năm thứ 2 (năm 2020), Vĩnh Phúc là tỉnh đầu tiên trên cả nước có ca dương tính với Covid-19, việc đi lại giữa các tỉnh, thành phố để giao hàng, nhập nguyên vật liệu gặp nhiều trở ngại.

Việc áp mã HS đối với mặt hàng gỗ ghép thanh xuất khẩu khó khăn, dẫn đến sản phẩm gỗ ghép thanh bị ùn tắc, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động SXKD. Quyết tâm vượt khó, trong thời gian này, anh Chung luôn chắt chiu chất lượng từng sản phẩm. Nguồn nguyên liệu đầu vào được nhập tận gốc và tuyển chọn rất cẩn thận; quá trình sản xuất, anh luôn quán triệt công nhân thấy có thanh gỗ bị lỗi, cong vênh phải loại ngay....

Nhờ đó, thành phẩm gỗ ghép thanh của gia đình anh Chung ngày càng được nhiều khách hàng biết đến và đáng giá cao. Trung bình 1 tháng, cơ sở sản xuất được 250 m3 gỗ ghép thành phẩm. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là xuất khẩu (khoảng 80%), còn lại phân phối tại một số tỉnh, thành phố trong nước. Hiên nay, xưởng sản xuất không chỉ đem lại lợi nhuận cho gia đình mà còn tạo việc làm cho gần 30 lao động tại địa phương với mức thu nhập 6 -10 triệu đồng/người/tháng.

Theo anh Chung, nguồn nguyên liệu dồi dào, sẵn có từ khai thác rừng trồng như: Keo, thông, mỡ, xoan, tận dụng được cả những thân cây có đường kính nhỏ hoặc gỗ thừa từ các cơ sở chế biến gỗ lớn nên các sản phẩm từ gỗ ghép thanh có giá thành rất hợp lý, thấp hơn nhiều so với gỗ tự nhiên nguyên khối.

Bề mặt đã qua xử lý nên có độ bền màu tốt, có khả năng chịu va đập và chống xước cao, không bị mối mọt, không bị cong vênh, co rút mà mẫu mã lại đa dạng, phong phú. Vì vậy, gỗ ghép thanh được dùng rộng rãi trong sản xuất đồ mộc dân dụng, trang trí nội thất, quà lưu niệm, ốp trần, sàn nhà…

Trong điều kiện nguồn gỗ tự nhiên ngày càng cạn kiện, để phục vụ đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng đồ gỗ nội thất ngày càng lớn và đa dạng của người tiêu dùng trong nước và thế giới, xưởng sản xuất của gia đình anh Chung sẽ tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ bằng cách đầu tư thêm máy móc hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các phần mềm ứng dụng phục vụ hoạt động SXKD, xây dựng các website giới thiệu, quảng bá, chăm sóc khách hàng.

Bên cạnh đó, anh Chung cũng mong muốn các cấp, các ngành chức năng ban hành thêm những cơ chế, chính sách hỗ trợ máy móc, thiết bị tiên tiến, hỗ trợ xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đối với các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh phát triển lâm nghiệp của tỉnh, mở ra hướng phát triển công nghiệp thân thiện với môi trường.

Liên kết các doanh nghiệp đưa nông sản lên tầm cao mới

Làn sóng Covid-19 đã khiến nông sản Việt dần được phổ biến trên các nền tảng mua sắm trực tuyến. Nông dân đã tận dụng các kênh truyền thông sẵn có để bán sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng, hiện thực hóa mô hình “từ nông trại đến bàn ăn". Tuy nhiên, người nông dân rất cần một giải pháp toàn diện với sự đồng hành của doanh nghiệp để phát triển bền vững.

195d1105239t5690l1-a-20-6.jpg
Sự đổi mới liên tục đã tạo ra mô hình quản trị nông nghiệp mới mang tên 3F: Feed - Farm - Food (từ trang trại đến bàn ăn).

Hiện nay, các cơ sở sản xuất, xuất khẩu, hợp tác xã địa phương còn nhỏ lẻ và nhiều hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ vào các khâu. Đơn vị chuyển phát nhanh J&T Express theo tiêu chí: Ở đâu khó có J&T Express, qua J&T Fresh - mô hình vận chuyển dành riêng cho sản phẩm nông sản và hàng tươi sống. Sự đổi mới liên tục đã tạo ra mô hình quản trị nông nghiệp mới mang tên 3F: Feed - Farm - Food (từ trang trại đến bàn ăn), với mục tiêu cốt lõi tạo ra nông sản chất lượng và vận chuyển đến tay người tiêu dùng, song vẫn tồn tại những thách thức nhằm tạo nên sự liên kết bền vững, hiện thực hóa mô hình 3F.

Với nỗ lực trong việc tìm kiếm giải pháp đồng bộ cho việc bán hàng và vận chuyển hàng hóa, ông Phan Bình – Giám đốc Thương hiệu J&T Express nhận định rằng “Với xu thế trực tuyến mạnh mẽ, doanh nghiệp chuyển phát nhanh, sàn thương mại điện tử, người nông dân hay KOC (người tiêu dùng chủ chốt) đều giữ một vị trí cân bằng, cùng nhau đề xuất giải pháp toàn diện, chỉ dẫn người nông dân để việc giao thương trở nên thuận lợi, tránh tình trạng phụ thuộc hoàn toàn vào một đơn vị.”.

J&T Express hỗ trợ làm trung gian giữa người nông dân, người tiêu dùng và sàn TMĐT, nền tảng bán hàng đa kênh và chốt đơn livestream. Ông Lâm Thế Khải - Giám đốc Sản phẩm UPOS chia sẻ “Phần mềm UPOS có mối liên kết chặt chẽ với các sàn thương mại điện tử, với các tính năng đa dạng, người bán có thể dễ dàng quản lý hàng hóa, giám sát vận chuyển và thông tin khách hàng với thao tác đơn giản.”.

Với chiến lược phát triển lấy người tiêu dùng làm trung tâm, J&T Express cùng các đối tác chung tay góp phần nâng tầm nông sản Việt, hứa hẹn đưa nền nông nghiệp nước nhà lên một tầm cao mới.

Hưng Yên: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng tầm sản xuất nông nghiệp

Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hưng Yên vừa ban hành Đề án số 01- ĐA/TU về chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển kinh tế khu vực nông thôn giai đoạn 2020- 2025 (Đề án số 01). Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2025 tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chủ yếu diện tích đất ngoài bãi tại các phường, xã, với diện tích chuyển đổi khoảng 290ha đang là đất trồng lúa, cây rau màu, cây lâu năm không hiệu quả sang trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh, cây có giá trị kinh tế cao.

cay_an_qua_quang_chau_result_20220613163634.jpg
Vùng trồng cây ăn quả ở xã Quảng Châu.

Thành phố Hưng Yên có nhiều thuận lợi để phát triển nông nghiệp nhờ diện tích đất ngoài bãi phì nhiêu màu mỡ, hệ thống sông, hồ bao quanh, khí hậu ôn hòa. Toàn thành phố có 3.917 ha đất nông nghiệp, chiếm 53,04% tổng diện tích đất tự nhiên, trong đó có trên 2.018ha cây ăn quả. Giai đoạn 2016- 2020, thành phố đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng được 740ha. Qua tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn, các hộ nông dân đã nắm bắt được chủ trương, quy định về trình tự, thủ tục về chuyển đổi cơ cấu cây trồng; thực hiện tốt việc lựa chọn cây trồng phù hợp với trình độ thâm canh, điều kiện thổ nhưỡng của từng địa phương...

Sau hơn 1 năm thực hiện Đề án số 01, thành phố chuyển đổi được trên 50ha đất trồng cây hàng năm cho hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây lâu năm cho giá trị kinh tế cao, trong đó có nhiều loại cây trồng được thị trường tiêu thụ mạnh như: Bưởi, ổi, mít, táo... Năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, sản lượng cây ăn quả trên địa bàn thành phố đạt trên 40 nghìn tấn.

Anh Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Manh Hiền (phường Hồng Châu) cho biết: Những năm trước, các thành viên trong HTX mới chỉ trồng nhãn, trồng chuối và một số diện tích cây có múi. Do sản phẩm đơn điệu, phụ thuộc vào thương lái nên thu nhập bấp bênh. Từ khi tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đa dạng hóa sản phẩm, HTX ngày càng khẳng định được uy tín trên thị trường và đem lại thu nhập ổn định cho thành viên. Hiện nay 100% diện tích sản xuất của HTX đã được chứng nhận VietGAP. Mùa nào, thức ấy, HTX có sản phẩm quanh năm để cung cấp ra thị trường như: Hoa, cây cảnh, ổi, mít, hồng xiêm, bưởi… với tổng diện tích sản xuất hơn 15ha. Năm 2021, mỗi thành viên HTX có lãi từ 200 đến 300 triệu đồng, một số thành viên có lãi 500 - 700 triệu đồng. Sản phẩm làm ra được tiêu thụ thuận lợi, phát triển khách hàng mới, bảo đảm chất lượng, giá tiêu thụ ổn định.

Để sớm hiện thực hóa các mục tiêu của Đề án số 01, thành phố đã ban hành Kế hoạch sản xuất và thương mại sản phẩm nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP; hàng năm triển khai các lớp tập huấn quy trình sản xuất cây ăn quả, rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP cho nông dân; lựa chọn những cây trồng mới phù hợp với thổ nhưỡng để canh tác; hỗ trợ phân bón cho các vùng sản xuất...

Hiện nay, thành phố đã phát triển được nhiều mô hình sản xuất hiệu quả bền vững nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng như: Trồng cây ăn quả cho thu nhập 250- 350 triệu đồng/ha/năm; trồng hoa, cây cảnh cho thu nhập 300- 450 triệu đồng/ha/năm; trồng rau an toàn cho thu nhập 200- 300 triệu đồng/ha/năm... Thành phố đã có 2 loại nông sản đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể là Nhãn lồng Hưng Yên và Cam Quảng Châu.

Đồng chí Cao Cường, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Hưng Yên, cho biết: Những năm tới, thành phố chú trọng mở rộng diện tích và đa dạng hóa các loại cây ăn quả; ổn định diện tích cây nhãn, cam theo định hướng của tỉnh; phát triển diện tích rau màu chất lượng cao, an toàn. Bên cạnh đó, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các siêu thị, trung tâm thương mại, hội chợ; tham gia sàn thương mại điện tử để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của thành phố.

Thành phố đang tích cực chuyển đổi đất trồng lúa, trồng cây kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh tại các địa phương có tiềm năng trở thành làng nghề sản xuất hoa, cây cảnh tập trung gắn với phát triển du lịch như các phường Lam Sơn, Hồng Châu và các xã: Bảo Khê, Quảng Châu, Hồng Nam; mở rộng diện tích trồng cây dược liệu tại các xã: Phú Cường, Hùng Cường, Trung Nghĩa, Bảo Khê. Năm 2022 và 2023, thành phố ưu tiên nguồn lực để đầu tư hoàn chỉnh hệ thống đường giao thông tạo thuận lợi cho nông dân, doanh nghiệp vận chuyển vật tư, sản phẩm và các hoạt động du lịch sinh thái vườn; xây dựng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; gắn kết với các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm nông nghiệp./.

Theo: KTNT