Hiệu quả từ mô hình nuôi hươu sao lấy nhung và nuôi sinh sản
05/04/21 03:44PM
Việc thử nghiệm mô hình nuôi hươu sao lấy nhung và nuôi sinh sản được một số hộ dân ở thôn 4, xã Ia Dom, huyện Ia H’Drai (Kon Tum) triển khai từ năm 2016.
Anh Nguyễn Xuân Tiến, thôn 4, xã Ia Dom, huyện Ia H’Drai chăm sóc đàn hươu của gia đình.

Ðến nay, đàn hươu đã sinh trưởng, phát triển ổn định cả về sản lượng nhung và sinh sản, mở ra hướng đi mới trong việc tạo công ăn việc làm, bảo đảm nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

IA H’Drai là huyện miền núi, biên giới, tiếp giáp với Cam-pu-chia, cách trung tâm hành chính tỉnh Kon Tum khoảng 150 km. Diện tích tự nhiên toàn huyện hơn 98 nghìn ha, có ba xã Ia Tơi, Ia Dom và Ia Ðal với dân số 11.644 người. Phần lớn người dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) từ các tỉnh phía bắc như Thái, Tày, Nùng, Mường, Sán Chỉ… được các doanh nghiệp trồng cao-su trên địa bàn tuyển vào làm công nhân. Tuy nhiên, những năm gần đây, giá mủ cao-su thấp, cộng thêm ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi và nhất là dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập, đời sống của người dân nơi đây.

Xác định được những thuận lợi và khó khăn, thời gian qua, UBND huyện Ia H’Drai đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu tiềm năng, lợi thế của huyện để thu hút đầu tư của các tổ chức, cá nhân vào phát triển sản xuất nông nghiệp và du lịch sinh thái, tạo sản phẩm hàng hóa đặc trưng của huyện miền núi biên giới. Ðồng thời rà soát, lựa chọn mô hình sản xuất có hiệu quả, phù hợp đặc điểm tình hình của địa phương đã được người dân thử nghiệm thành công để nhân rộng phát triển sản xuất. Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Hiện nay, ngoài các mô hình sản xuất phổ biến như chăn nuôi lợn, bò, nuôi cá trên lòng hồ thủy điện, trồng cây ăn quả…, huyện đã tìm được nhân tố sản xuất mới phù hợp với điều kiện, tình hình của địa phương, có thể nhân rộng phát triển sản xuất, tạo sản phẩm hàng hóa đặc trưng, lồng ghép với Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP của huyện, đó là mô hình nuôi hươu sao.

Mô hình nuôi hươu sao lấy nhung và nuôi sinh sản đã được một số hộ dân ở thôn 4, xã Ia Dom triển khai nuôi thử nghiệm từ năm 2016. Từ bảy con ban đầu, đến nay tổng đàn hươu đạt hơn 110 con, sinh trưởng, phát triển tốt (về sản lượng nhung và sinh sản), tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Nhận thấy nuôi hươu sao đơn giản, nguồn thức ăn có trong tự nhiên phong phú, phù hợp điều kiện tự nhiên, nhân lực tại chỗ và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nên nhiều hộ dân trong thôn, xã lân cận đặc biệt quan tâm, muốn nhân rộng mô hình sản xuất.

Là một trong những hộ tiên phong nuôi hươu của thôn 4, anh Nguyễn Xuân Tiến chia sẻ: "Xuất phát từ suy nghĩ muốn tìm hiểu, tham khảo xem trồng cây gì, nuôi con gì phù hợp với đặc thù công việc là vừa đi cạo mủ cao-su, lại vừa có thể tăng gia sản xuất, chăn nuôi được, đỡ chi phí, thời gian. Mình bắt đầu tìm hiểu cách thức, đặc tính của hươu trước khi nuôi thì thấy đặc điểm là nuôi nhốt hoàn toàn cho nên chủ động làm chuồng trại. Thức ăn chủ yếu của hươu là cỏ, việc chăn nuôi đơn giản, không vất vả như chăn nuôi bò, dê. Một lợi ích nữa của việc nuôi hươu cho thấy hiệu quả kinh tế là hươu cái thì sinh sản, hươu đực thì cho nhung, cho nên nuôi cả cặp đều có lợi". Năm 2016, gia đình anh Tiến đã mua hai cặp hươu sao từ huyện Ea Kar (Ðắk Lắk) về nuôi thử. Ðến nay, đàn hươu của anh đã sinh trưởng và phát triển tốt. Anh Tiến cho biết: "Ðàn hươu của gia đình hiện có 23 con. Mình thấy nuôi hươu cũng đơn giản. Sáng thì cho ăn cỏ voi, trưa lấy lá rừng như lá mít, lá sung để đổi bữa cho hươu ăn được nhiều. Ðầu giờ chiều cho ăn ít thức ăn tinh bột, tối cắt cỏ cho ăn thêm. Ðặc tính hươu ăn nhiều về đêm cho nên ban ngày chỉ cần cho ăn ít thôi. Từ lúc nhung hươu bắt đầu nhú cho đến ngày thu hoạch là khoảng từ 40 đến 50 ngày để nhung hươu đạt giá trị dinh dưỡng cao nhất". Hiện gia đình anh Tiến có chín con hươu đực đưa vào khai thác, cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. Nhung hươu sản xuất ra bao nhiêu thì bán hết bấy nhiêu do nhu cầu của người tiêu dùng mua về ngâm rượu, ngâm mật ong để bồi bổ sức khỏe.

Nhận thấy sự phát triển nuôi hươu sao là hướng đi phù hợp với điều kiện tự nhiên và nguồn nhân lực là công nhân cao-su, cũng như nhiều lao động nhàn rỗi đi theo công nhân cao-su vào địa phương sinh sống, lập nghiệp. UBND huyện Ia H’Drai đã xây dựng dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nhung hươu sao nuôi thử nghiệm trên địa bàn. 23 hộ gia đình tham gia xây dựng mô hình nuôi hươu sao lấy nhung với 46 cặp hươu, trong đó Nhà nước hỗ trợ 23 cặp, người dân đối ứng 23 cặp. Kinh phí thực hiện được trích từ ngân sách hỗ trợ của Nhà nước từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2020 là một tỷ đồng. Mỗi hộ dân tham gia dự án đối ứng thêm hai con giống, xây dựng chuồng trại, thức ăn và công lao động trực tiếp.

Theo Chủ tịch UBND xã Ia Dom Võ Tấn Lạc, qua kinh nghiệm nuôi từ 5 năm nay, thì hươu sao rất thích nghi với điều kiện khí hậu nóng ẩm của huyện Ia H’Drai. Hươu sao là động vật hoang dã có sức đề kháng cao, dễ chăm sóc, trong khi nguồn thức ăn lại là nhiều loại lá dễ kiếm. Hươu đực con từ ba đến bốn tuổi trở lên, nếu chăm tốt, thì một năm thu hoạch được hai cặp nhung. Bình quân một cặp từ năm đến sáu lạng, bán với giá là hai triệu đồng/lạng. Còn hươu trưởng thành thì giá bán trung bình khoảng từ 40 đến 45 triệu đồng/cặp.

Đến nay, huyện Ia H’Drai đã định hướng phát triển ngành chăn nuôi hươu sao kết hợp chế biến sản phẩm từ nhung hươu, tạo thương hiệu và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã có năng lực, kinh nghiệm phát triển nuôi hươu gắn với chế biến, bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân trên địa bàn, xây dựng sản phẩm hươu sao trở thành sản phẩm chủ lực của huyện. Ðây cũng là một trong những mô hình tạo việc làm và nâng cao mức thu nhập cho người dân huyện miền núi biên giới của tỉnh Kon Tum.

                                                                                           Nguồn: Nhandan