Hướng tới thương hiệu bò thịt Hà Nội
26/10/18 10:20AM
Hiện nay, chăn nuôi bò thịt đang phát triển khá mạnh ở khu vực ngoại thành và trở thành hướng làm giàu của nhiều hộ gia đình.
Thiện Quang/Kinhtedothi
Tuy nhiên, mục đích hướng tới của ngành nông nghiệp Thủ đô là xây dựng và phát triển được thương hiệu bò thịt Hà Nội.
Hiệu quả ngày càng tăng
Chăn nuôi bò thịt đã gần 10 năm nay, vợ chồng ông Nguyễn Văn Lập, xã Vạn Yên, huyện Mê Linh nhận thấy mô hình này rất phù hợp với nhiều hộ gia đình ở nông thôn, nhất là ở độ tuổi trung niên. Ông Lập cho biết, thu nhập từ 3 sào lúa và 1 mẫu ngô mỗi năm không lớn, song nhờ vào đàn bò thịt 6 con, vợ chồng ông cũng có một khoản kha khá để ra hàng năm. Cũng nhờ hiệu quả kinh tế cao mà đàn bò thịt của HTX Liên minh chăn nuôi, xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ cũng tăng lên nhanh chóng. Từ 70 con bò ban đầu, đến nay, tổng đàn của HTX đã lên tới gần 700 con, chủ yếu là bò BBB. Bà Dương Thị Hà – Chủ tịch HĐQT HTX cho biết, giống bò BBB tăng trọng nhanh đạt bình quân 1,3 kg/ngày nên các hộ chăn nuôi rất phấn khởi.
Theo Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, hiện nay toàn TP có hơn 125.000 con bò thịt, bò sinh sản với sản lượng thịt đạt hơn 5.000 tấn. Về cơ cấu giống bò thịt, trên 90% là bò lai các giống Brahman, Droughtmaster, Red Sindhy, BBB, Angus... còn bò địa phương chỉ chiếm khoảng 5%. Một số địa phương chăn nuôi bò thịt nhiều với quy mô trên 2.000 con/xã như Minh Châu (Ba Vì), Văn Đức (Gia Lâm), Minh Trí (Sóc Sơn)... Đáng chú ý, từ năm 2012, TP đã đưa giống bò chuyên thịt BBB vào sản xuất tại một số xã, đến nay bước đầu đạt kết quả tốt, được hộ chăn nuôi đánh giá cao về khả năng tăng trọng của bê.
Ưu tiên phát triển thương hiệu
Hai năm trở lại đây, trong khi chăn nuôi bò sữa đang gặp nhiều khó khăn về đầu ra thì chăn nuôi bò thịt lại cho hiệu quả ổn định hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ thụ tinh nhân tạo trên đàn bò thịt còn thấp so với yêu cầu sản xuất (mới đạt 61,2 %). Bên cạnh đó, tại một số địa phương, đa phần chăn nuôi còn ở quy mô nhỏ lẻ, người nông dân chưa tiếp cận được với chương trình cải tạo, nâng cao chất lượng giống bò nên chất lượng thịt thấp. Nhiều hộ chăn nuôi đang gặp khó khăn về giống, vốn và đầu ra cho sản phẩm. Đặc biệt, chưa có sự liên kết giữa chăn nuôi với tiêu thụ sản phẩm ổn định.
Hiện nay, nhu cầu tiêu dùng thịt các loại của toàn TP khoảng 1.000 tấn/ngày, trong đó thịt bò chiếm 20%. Thống kê của Sở NN&PTNT cho thấy, chăn nuôi bò thịt của TP mới đáp ứng được 25% nhu cầu, còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành khác và nước ngoài. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn TP, Sở NN&PTNT đặt ra mục tiêu đến năm 2020 phát triển đàn bò thịt có quy mô khoảng 150.000 – 155.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng khoảng 8.000 tấn, tập trung tại các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Mê Linh, Mỹ Đức. Trong đó, phát triển mạnh các trang trại chăn nuôi tập trung quy mô từ 100 con trở lên và áp dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến.
Ông Nguyễn Huy Đăng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, cạnh tranh cao như hiện nay, nếu không đổi mới cách nghĩ, cách làm thì chăn nuôi bò thịt của TP còn gặp rất nhiều khó khăn. Bởi vậy, bên cạnh các chính sách hỗ trợ về thụ tinh nhân tạo, lai tạo giống, quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, theo ông Đăng, một trong những vấn đề quan trọng là cần phải hướng tới xây dựng thương hiệu cho bò thịt Hà Nội. Trong đó có chọn lọc các giống bò đặc trưng, tạo ra sự khác biệt cho thịt bò Hà Nội. Từ đó, xây dựng các chuỗi liên kết chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ với có sự tham gia của các DN.
Chương trình cải tiến, nâng cao chất lượng giống bò thịt thực hiện đồng bộ, hiệu quả nên người chăn nuôi hưởng ứng tích cực. Nhờ đó năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế của chăn nuôi bò thịt ngày càng tăng. Thu nhập của người chăn nuôi từ bán con giống, bán thịt, sữa trên địa bàn TP tăng thêm từ 80 - 120 tỷ đồng/năm.
Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội
Hoàng Kim Vũ