Huyện Cao Phong làm giàu nhờ trồng cam đặc sản
02/12/22 03:28PM
Đến nay, trên địa bàn huyện Cao Phong (Hòa Bình) có 1.744,4ha cây ăn quả có múi, trong đó có 536,77ha trồng cam được cấp chứng nhận VietGAP. Trồng cam không chỉ giúp người dân nơi đây thoát nghèo mà còn làm giàu.
Phát triển bền vững từ cây cam

Trao đổi với phóng viên, ông Quách Văn Ngoan, Chủ tịch UBND huyện Cao Phong, cho biết, thực hiện Nghị quyết số 45/NQ-HĐND ngày 21/12/2021 của Hội đồng nhân dân huyện về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, lĩnh vực nông nghiệp với khí hậu, thời tiết tương đối thuận lợi cho sản xuất, cây có múi ra hoa và tỷ lệ đậu quả cao, công tác gieo trồng vụ chiêm xuân, vụ hè thu hoàn thành kế hoạch đề ra.

Cam Cao phong giúp nông dân làm giàu. Ảnh: Ngọc Thành

Giá bán các mặt hàng nông sản chủ lực của huyện như cam, mía tím, mía trắng đều tăng. Nhân dân phấn khởi khi nông sản được mùa và được giá.

“Cây ăn quả có múi với diện tích trên toàn huyện là 1.744,4ha, sản lượng ước đạt trên 20.000 tấn. Huyện có 536,77ha cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát việc sản xuất cam được thực hiện khá tốt. Huyện đã và đang triển khai kế hoạch thực hiện Đề án tái canh cây có múi trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025”, ông Ngoan nói.

Về Cao Phong hôm nay, nhiều người không khỏi ngạc nhiên bởi huyện miền núi nghèo khó năm nào nay đã hình thành nhiều khu dân cư mới, trụ sở các cơ quan hành chính được xây dựng khang trang, hệ thống giao thông được quy hoạch xây dựng đồng bộ… Người dân ở Cao Phong, dù là người Kinh hay đồng bào dân tộc thiểu số, đa phần đều rất say sưa khi kể về cây cam, cây mía của quê hương.

Với họ, cam, quýt đã không còn là loại cây khó trồng. Ngoài việc mở rộng diện tích, trồng cam theo quy trình VietGAP, người dân còn bước đầu biết làm thương mại để trái cam, trái quýt, cây mía của Cao Phong ngày càng mang lại giá trị lớn hơn.

Ông Bùi Văn Dán, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cao Phong, cho biết, là huyện miền núi nhưng Cao Phong lại là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như công tác giảm nghèo của tỉnh Hòa Bình. Đóng góp cho thành quả này không thể không nhắc đến việc phát triển thành công cây cam đặc sản.

Với khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ, phù hợp sự sinh trưởng và phát triển nên cam, quýt ở huyện Cao Phong nổi tiếng thơm ngon, mọng nước, vị ngọt, quả màu vàng óng. Những năm gần đây, người dân Cao Phong áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, vì vậy, sản lượng cam lòng vàng ngày càng cao. Cam không chỉ là giúp người dân thoát nghèo mà còn là cây làm giàu của đồng bào nơi đây. Từ nhiều năm nay, cam Cao Phong trở thành thương hiệu nông sản chủ lực của tỉnh Hòa Bình.

Tỷ phú cam

Với diện tích khoảng 10ha cam, cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, cây cam Cao Phong đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông Nguyễn Thế Bình (thị trấn Cao Phong).

Theo chia sẻ từ ông Bình, gia đình lên vùng đất Cao Phong từ năm 1999, là công nhân Nông trường Cao Phong, ông và gia đình bắt đầu trồng cam từ những năm 2000. Lúc đầu do thiếu vốn, ông  phải vay ngân hàng để đầu tư mua giống, phân bón. Với diện tích 2ha, gia đình ông Bình trồng nhiều loại cây: Quýt Ôn Châu, cam lòng vàng, cam Canh, cam xã Đoài…

Không nản lòng, ông tích cực học hỏi, tìm tòi và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng cam. Ông kết hợp các loại phân bón của các nhà máy sản xuất phân bón uy tín trong nước và các loại phân bón nhập khẩu của các nền nông nghiệp tiến tiến như Mỹ, Nhật, châu Âu…vào chăm sóc cam. Nhờ vậy, cây cho năng suất cao hơn, phẩm chất quả tốt hơn.

Cam Cao Phong được bày bán dọc Quốc lộ 6.

Cũng theo ông Bình, đến vụ thu hoạch cam, vì diện tích lớn, trung bình khoảng 200 tấn/năm với các loại cam khác nhau, do đó, ông thường cắt cam và bán cho khách buôn cam từ các tỉnh, thành Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Nội…; đồng thời cắt lẻ cho khách bán cam trong huyện.

Sự nỗ lực không ngừng để vượt qua khó khăn, không sợ thất bại, luôn tìm tòi, khám phá, vươn lên làm giàu của ông Bình đã lan tỏa khắp thị trấn Cao Phong. Ông tích cực hướng dẫn, phổ biến kỹ thuật cũng như kinh nghiệm cho các hộ gia đình khác cùng trồng cam, giúp gia đình nghèo, tạo việc làm cho người dân. Ngoài ra, ông còn hướng dẫn kỹ thuật cho bà con khi đến học tập kinh nghiệm.

Làm giàu từ nông nghiệp không còn là chuyện xa vời đối với gia đình bà Đặng Thị Thu ở khu 2, thị trấn Cao Phong. Năm 2007, bà Thu bắt tay vào trồng cam với mong muốn có cuộc sống no đủ. Ban đầu trồng 2ha cam, trong đó chủ yếu là cam Canh, gia đình bà không ngừng mở rộng diện tích  qua các năm và tính đến thời điểm hiện tại, bà Thu là người phụ nữ làm kinh tế duy nhất trong vùng không phải vay vốn ngân hàng.

UBND huyện Cao Phong (Hòa Bình) cho biết, Lễ hội Cam Cao Phong lần thứ 7 và Hội chợ Thương mại huyện Cao Phong năm 2022 giao lưu văn hoá - thể thao - du lịch với chủ đề “Tiếng gọi Mường Thàng” dự kiến được tổ chức từ ngày 25/11-2/12. Quy mô có khoảng 200 gian hàng, trong đó, 72 gian hàng trưng bày, bán những sản phẩm đặc sản của địa phương như: cam, quýt, chanh, mía tím… và  hơn 120 gian hàng thương mại tổng hợp tham dự.

Tại hội chợ, các mặt hàng nông sản đặc sản chủ lực, sản phẩm thuộc Chương trình OCOP của các địa phương trong tỉnh Hòa Bình và các tỉnh miền núi phía Bắc cũng sẽ được trưng bày, giới thiệu và bán tại đây.

Năm 2010, gia đình bà Thu có thu từ cây cam. Từ đó đến nay, doanh thu đều đặn mỗi năm  2-5 tỷ đồng. Đặc biệt vào năm 2014, do cam được giá nên gia đình bà thu được số tiền “trong mơ” 10 tỷ đồng. Vụ cam hiện nay, bà chia sẻ, cam Cao Phong lòng vàng đang được bán ra thị trường, nếu giá ổn định, có thể đem lại thu nhập 7 tỷ đồng/năm.

Đối với cam Cao Phong lòng vàng, bà chia sẻ, người trồng phải chú ý đến kỹ thuật, quan trọng nhất là khâu trồng cây giống: Đào hố 60 x 60 cm hoặc 80 x 80 cm (chiều rộng, chiều sâu). Để cho đất hả hơi, rồi đảo đất cùng với 2kg phân lân không đạm, phân được ủ sẵn, 0,5kg vôi bột, một tháng sau mới trồng cây và chăm bón tưới tiêu. Có như vậy, cây mới đủ chất dinh dưỡng phát triển tốt, cho sai quả.

Năm 2013, bà Thu vinh dự là người con của tỉnh Hòa Bình được tham dự buổi gặp mặt của đoàn đại biểu đại diện hộ nông dân sản xuất giỏi toàn quốc với nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan. Năm 2016, bà Đặng Thị Thu là 1 trong 63 “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2016” được Chủ tịch nước tặng danh hiệu trong chương trình Tự hào nông dân Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Văn Bền, Chủ tịch UBND xã Tây Phong (huyện Cao Phong) cho biết, Tây Phong hiện có 58% người Mường, 5% người Dao, 37% là người Kinh. Trước đây, đời sống nhân dân rất khó khăn, sản xuất tự cung tự cấp là chính, nhưng từ khi mở rộng diện tích trồng các loại cây hàng hóa là cam và mía, số hộ nghèo ở xã giảm trung bình khoảng 3%/ năm.

Hiện, diện tích trồng cam ở Tây Phong là 145ha (trong đó mía trắng 54ha, mía tím 85,8ha). Nhờ thu nhập từ cam và mía, nhiều hộ đồng bào dân tộc ở Tây Phong đã thoát nghèo và vươn lên khá, giàu. Đến Tây Phong hôm nay, hỏi về những hộ có thu nhập từ 200  đến 500 triệu đồng/năm thì kể cả ngày không hết. Tây Phong còn có gần 20 hộ nông dân có thu nhập 1-2 tỷ đồng/năm.

Thực tế, không riêng Tây Phong mà ở 11 xã, 1 thị trấn khác của huyện Cao Phong, chuyện người dân vươn lên làm giàu đã trở thành một phong trào.

 

Theo: KTNT