Huyện Yên Sơn nâng cao chất lượng cây ăn quả
02/12/22 03:21PM
Hiện, diện tích cây ăn quả huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) đạt 6.251,2 ha, trong đó, diện tích bưởi đạt 4.125,5 ha, năng suất trung bình 106,8 tạ/ha, sản lượng đạt 21.817,9 tấn; diện tích cam đạt 570,3 ha, năng suất trung bình 85,3 tạ/ha, sản lượng đạt 2.716,1 tấn; chanh 50,99 ha, năng suất trung bình 36,7 tạ/ha, sản lượng đạt 100,1 tấn.

Thực hiện theo quyết đinh của UBND tỉnh Tuyên Quang về phê duyệt danh mục Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, huyện Yên Sơn được phê duyệt 4 dự án gồm: 02 Dự án sản xuất chè hữu cơ và 2 dự án sản xuất bưởi hữu cơ. Riêng, trong đó năm 2022, Yên Sơn thực hiện 01 dự án cây ăn quả sản xuất bưởi hữu cơ, do chủ dự án là HTX Trái cây hữu cơ Phúc Ninh thực hiện.

HTX Trái cây hữu cơ Phúc Ninh là HTX tiên phong trong việc chuyển đổi sản xuất thông thường sang hướng hữu cơ. Quy mô thực hiện 17 ha bưởi. Với mục tiêu là nâng cao giá trị sản phẩm bưởi, áp dụng công nghệ để sản xuất bưởi hữu cơ góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe con người và phát triển bền vững nền nông nghiệp.

Hiện, diện tích bưởi của Yên Sơn đạt 4.125,5 ha, năng suất trung bình 106,8 tạ/ha, sản lượng đạt 21.817,9 tấn.

Đến nay, Yên Sơn chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn các chủ dự án hoàn thiện hồ sơ dự án gửi Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện.

Bên cạnh diện tích sản xuất hữu cơ, hiện nay Yên Sơn có 22,5ha cây ăn quả sản xuất Vietgap. Năm 2022, dự kiến hỗ trợ 21 giấy chứng nhận Vietgap/4 sản phẩm (cam, bưởi, chè, rau) tại thị trấn Yên sơn và 14 xã gồm: Tứ Quận, Xuân Vân, Tân Long, Trung Trực, Kiến Thiết, Phúc Ninh, Nhữ Khê, Chiêu Yên, Quý Quân, Lực Hành, Tân Tiến, Đội Bình, Kim Quan, Hoàng Khai. Đến nay, huyện chỉ đạo Phòng nông nghiệp và PTNT phối hợp với đơn vị tư vấn (thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT) tiến hành thành lập các tổ hợp tác, khảo sát, xây dựng dự toán kinh phí trình UBND huyện phê duyệt dự án.

Trong các loại cây ăn quả, bưởi là cây ăn quả có thế mạnh của huyện với hơn 4.100 ha, là cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại huyện Yên Sơn. Tại nhiều xã trong huyện đã có những mô hình trồng bưởi đạt hiệu quả kinh tế cao; nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được khẳng định, chuyển giao và mở rộng nhanh chóng vào sản xuất. Sản phẩm bưởi quả được đánh giá là đảm bảo an toàn và có thể bảo quản, tiêu thụ được trong thời gian 2 - 3 tháng sau thu hoạch, thậm chí lâu hơn.

Sản phẩm bưởi đã có chỉ dẫn địa lý, đã được thị trường biết đến, do vậy thời gian tới sản phẩm bưởi sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trước đây. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được người dân quan tâm, hưởng ứng và áp dụng vì vậy năng suất, sản lượng cây ăn quả càng ngày càng tăng.

Kết quả là vậy, hiện nay Yên Sơn đang gặp một số khó khăn trong phát triển cây ăn quả như: quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chất lượng, mẫu mã sản phẩm không đồng đều có sự chênh lệch giũa các hộ sản suất; cơ sở hạ tầng còn gặp nhiều khó khăn, chưa có cơ sở chế biến, bảo quản sau thu hoạch do vậy ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng của sản phẩm; thị trường tiêu thụ không ổn định, một số sản phẩm đến thời kỳ thu hoạch không bảo quản được lâu (chuối, na...)...

Thời gian tới, Yên Sơn xác định, duy trì diện tích trồng bưởi trên địa bàn huyện lên trên 4.100 ha. Tập trung quy hoạch vùng trồng bưởi theo hướng hữu cơ, an toàn tại các xã: Phúc Ninh, Xuân Vân... mở rộng diện tích trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGap lên trên 800 ha, tạo sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Với cây cam Yên Sơn tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản hàng hoá; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND ngày 01/8/2019 về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 06/2020/NQHĐND về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang...

Ngoài ra, duy trì diện tích trồng hồng ngâm không hạt trên địa bàn huyện lên trên 270 ha, xây dựng vùng trồng hồng tập trung tại các xã: Xuân Vân, Trung Trực, Kiến Thiết. Xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý “ Xuân Vân” cho sản phẩm hồng ngâm không hạt của huyện Yên Sơn. Phát triển vùng trồng na tập trung tại các xã: Lực Hành, Phúc Ninh… nâng cao giá trị chất lượng sản phẩm na, nâng hạng OCOP sản phẩm na dai Lực Hành từ 3 sao lên thành 4 sao…

                                                                                                                               Theo: KTNT