Khoa học và công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp
20/11/18 02:47PM
thegioitiepthi.vn Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khoa học và công nghệ đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất giống cây vật nuôi với giá trị gia tăng đạt 38%.

Trong 5 năm qua, với lĩnh vực hoạt động của mình, Bộ Khoa học và Công nghệ đã  ứng dụng nhiều kết quả nghiên cứu vào sản xuất nông nghiệp và đạt được những thành tựu đáng kể đặc biệt ở lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thú y, thủy hải sản…

Về trồng trọt, nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, 124 giống cây trồng mới đã ra đời, trong đó 137 giống cây trồng mới thuộc nhóm cây lương thực, cây thực phẩm, 15 giống hoa, 21 giống cây ăn quả và 41 giống cây công nghiệp các loại. Hầu hết các giống cây trồng đều cho năng suất vượt giống cây trồng phổ biến cùng loại đang sản xuất trong vùng là 10-15%. Bên cạnh tạo ra giống mới,  103 kỹ thuật tiến bộ cũng được công nhận và đưa vào sản xuất. Ví như quy trình ghép cải tạo vườn xoài năng suất thấp, quy trình kỹ thuật chống rụng hoa, quy trình công nghệ nhân giống khoai tây sạch bệnh bằng khí canh, thủy canh, công nghệ chiếu sáng cho cây trồng bằng bóng đèn có ánh sáng và màu sắc, quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng thâm canh, phòng trừ bệnh hại tổng hợp, canh tác bền vững trên đất dốc cho một số đối tượng cây trồng khác như: lạc, cà chua, bưởi, hồng, dứa, chuối, nhãn, vải và chè.

Chăn nuôi cũng là lĩnh vực ứng dụng thành công khoa học kỹ thuật khi sử dụng công nghệ chọn lọc và nhân giống năng suất cao trong chăn nuôi bò sữa Holstein Friesian (HF), nuôi bò bằng thức ăn hỗn hợp TMR, sản xuất tinh đông lạnh bằng công nghệ… Nhờ đó, 62.000 con giống bò sữa HF năng suất cao, (chiếm 31%  tổng đàn) cho năng suất sữa từ 6.500-7600 kg sữa/chu kỳ 305 ngày. Cũng nhờ khoa học công nghệ trong chăn nuôi, đã tạo được các tổ hợp bò lai chuyên thịt mới có tỷ lệ thịt xẻ và tăng trưởng cao hơn so với tổ hợp bò lai cũ là 30%.

Đặc biệt, áp dụng khoa học công nghệ, lần đầu tiên ở Việt Nam thành công thụ tinh nhân tạo ngan – vịt tạo con lai ngan vịt cho năng suất rất cao từ 3,6-4kg đồng thời tạo được 4 dòng vịt siêu thịt và 6 dòng ngan lai ngan Pháp có năng suất cao; xây dựng được quy trình ấp trứng và chăn nuôi công nghiệp, chế biến các sản phẩm từ đà điểu có hiệu quả.

Về thú y, phụ vụ tái cơ cấu nông nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ đã nghiên cứu và sản xuất thành công nhiều loại vắc xin cho vật nuôi để phòng bệnh viêm phổi kế phát ở lợn bị mắc bệnh tai xanh, vắc xin cúm A/H5N1, vắc xin vô hoạt phòng bệnh xuất huyết truyền nhiễm thỏ, vắc xin tứ liên phòng các bệnh tụ huyết trùng, phó thương hàn, vắc xin viêm gan ngan-vịt nhược độc đông khô… Nhưng đáng nói hơn, 3 loại vắc xin mà chúng ta hoàn toàn phải nhập khẩu để phòng các bệnh lở mồm long móng, rối loạn hô hấp và sinh sản, bệnh cúm gia cầm là những bệnh gây nguy hiểm, thiệt hại lớn nhất cho ngành chăn nuôi, chúng ta hoàn toàn phải nhập khẩu giờ đã sản xuất được trong nước và được đăng ký lưu hành trong Chương trình Sản phẩm quốc gia.

Là một trong những ngành chủ đạo trong nông nghiệp, nhờ áp dụng khoa học công nghệ mà trong nuôi trồng thủy sản, Bộ Khoa học và Công nghệ đã sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm của hơn 30 đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao góp phần đa dạng hóa sản phẩm thủy sản. Với các đối tượng nuôi chủ lực, như cá Tra đã tiến hành chọn giống theo hướng sinh trưởng nhanh, làm tăng tỷ lệ phi lê, kháng bệnh gan thận mủ và chuyển giao cá tra hậu bị chọn lọc có chất lượng di truyền tốt để tạo đàn cá bố mẹ cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Nuôi trồng thủy sản

Tôm sú, tôm chân trắng, tôm càng xanh cũng là những thủy sản chủ lực, đã thành công trong việc gia hóa, tạo đàn tôm bố mẹ sạch bệnh bên cạnh ứng dụng thành công công nghệ vi phẫu sản xuất tôm càng xanh toàn đực của Israel và đang triển khai ứng  dụng tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Cũng với ứng dụng kỹ thuật tiến bộ tương tự, giống cá rô phi chọn lọc có tốc độ sinh trưởng vượt trội  45% so với các giống cá rô phi khác đã được tạo ra. Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, giống cá rô phi tốc độ sinh trưởng vượt trội 45% nói trên đã chuyển giao cho 58 tỉnh thành trong cả nước. Bộ cũng đã ứng dụng công nghệ sinh học để tạo ra một số công nghệ nuôi thương phẩm cá rô phi, cá tra, tôm sú không những cho năng suất cao mà còn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGap.

Còn hiện nay, công nghệ chuyển đổi giới tính tạo giống cá rô phi toàn đực, cá hồi vân toàn cái đang được Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai ứng dụng vào sản xuất mở rộng.

Để những giống thủy sản mới cũng như những giống thủy sản truyền thống kháng bệnh, cho năng suất cao, chất lượng, nhiều giải pháp phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh gây chết hàng loạt nhằm giảm thiểu thiệt hại cho nuôi trồng thủy sản cũng đã được nghiên cứu và áp dụng bằng phương pháp khoa học tiến bộ.

Lâm nghiệp cũng là lĩnh vực đáng kể trong quá trình áp dụng khoa học kỹ thuật. Nhờ kỹ thuật cao trong quá trình lai tạo giống mà nhiều cây lâm nghiệp vừa cho năng suất 35-40m3/ha/năm vừa chất lượng tốt cho rừng trồng nguyên liệu giấy và cung cấp gỗ xẻ. Đã có 158 giống mới của các loại cây trồng chủ lực như keo, bạch đàn, tràm, trong đó một số giống có khả năng chịu bệnh, điều kiện khô hạn, nóng, cát bay đã được công nhận và phát huy tác dụng tốt cho trồng rừng sản xuất, phòng hộ. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, so với thế giới, năng suất rừng trồng của nước ta không thua kém, thậm chí còn vượt hơn một số nước trong khu vực.

Không chỉ những lĩnh vực trên đây mà nhiều lĩnh vực nữa trong nông nghiệp, có thể nói nếu không có sự đóng góp của ngành khoa học kỹ thuật thì trong giai đoạn 2013-2018, khó đạt được những kết quả như hiện tại.

Để phát huy hơn nữa những thành quả ấy, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng cần tăng cường lồng ghép nội dung triển khai các chương trình khoa học - công nghệ quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các Bộ, ngành, địa phương được quản lý với mục tiêu phát huy hiệu quả nguồn lực của các chương trình. Đẩy nhanh việc công nhận những tiến bộ kỹ thuật, những quy trình công nghệ tạo ra từ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp để nhanh chóng phụ vụ sản xuất. Nếu không chậm áp dụng vào thực tiễn ngày nào, thiệt hại cho nông nghiệp ngày ấy. 

TÚ ANH
Theo