Kỹ thuật nuôi ong lấy mật siêu dễ, siêu lợi nhuận
22/08/17 04:40PM
Kỹ thuật nuôi ong lấy mật bắt đầu từ việc phải tìm được nguồn giống tốt và đòi hỏi phải có sự đầu tư.

Nuôi ong lấy mật hiện tại đang là một nghành chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao phù hợp với nhiều hộ gia đình không đòi hỏi nhiều nhân lực, đầu tư không cao mà cho nguồn thu nhập ổn định. Yếu tố quyết đinh để nuôi ong lấy mật cho hiệu quả cao là nguồn ong giống, hiện tại ở nước ta có hai loại ong giống chính là ong nội và ong ý. Ong nội là loại giống ong có nguồn gốc trong nước sản lượng mật thấp nhưng ít dịch bệnh và dễ nuôi còn giống ong ý là giống ong ngoại nhập cho sản lượng mật cao phù hợp với nuôi ong số lượng lớn. Dưới đây là đề cập tới tổ chức nuôi và khai thác loài ong nuôi trong thùng. Điển hình là loài ong Ý.

Kỹ thuật nuôi ong lấy mật siêu dễ, siêu lợi nhuận - ảnh 1

Nuôi ong lấy mật hiện tại đang là một nghành chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Internet

Một đàn ong cơ bản là một đàn ong có đầy đủ thế hệ ong thợ và các thế hệ trứng và ấu trùng  ong. Số quân phải phủ kín xà cầu vào buổi sáng. Dựa trên tỷ lệ trứng và ấu trùng, nhộng ta có thể đánh giá được chất lượng đàn ong. Theo số ngày tuổi của trứng, ấu trùng và nhộng của ong thợ thì tỷ lệ đó là: 1 phần trứng – 2 phần trùng - 4 phần nhộng. Đây là thế bền vững của một đàn ong. Nếu ta làm mất cân đối của một trong các tỉ lệ này thì đàng ong sẽ cố gắng sinh sản để trở lại thế cân bằng sinh học. 

Kỹ thuật tạo ong chúa và nhân đàn

Trong quá trình nuôi chúng ta cần thường xuyên kiểm tra duy trì những ong chúa tốt cho mỗi đàn. Theo định kỳ 6 – 9 tháng thay chúa 1 lần. Khi phát hiện ong chúa già năng suất đẻ thấp chúng ta thay thế ong chúa bằng cách kích thích đàn ong tạo ong chúa dùng mũ chúa giả để dụ ong chúa đẻ trứng hoặc di chuyển các ong chúa tốt từ tổ khách sang. Ong chúa tốt có kích thước lớn, đẻ nhiều trứng, tỷ lệ trứng thụ tinh cao.

Tạo ong chúa mới để thay ong chúa đã già, sức đẻ kém hoặc để chủ động chia đàn. Việc tạo ong chúa nên tiến hành vào thời gian dồi dào mật và phấn hoa tự nhiên. Nên chọn đàn lấy ấu trùng (đàn mẹ) và đàn nuôi dưỡng có đặc tính tốt như: đông quân, năng suất mật cao, ít bệnh tật, đàn ong hiền lành. . .

Những gia đình có ít đàn ong, có thể tạo ong chúa bằng các phương pháp:

Sử dụng mũ ong chúa chia đàn tự nhiên: Chọn đàn ong phát triển mạnh, cho ăn 2 – 3 tối bằng nước đường (tỷ lệ 1: 1), chi viện thêm cầu có nhộng già, rút bớt cầu cũ để ong tập trung hơn. Làm vậy đàn ong sẽ xây thêm mũ chúa sớm hơn để chuẩn bị chia đàn. Chọn mũ chúa to, dài, thẳng, đẹp để làm giống. Khi mũ chúa già, dùng dao sắc cắt trên gốc mũ chúa 1,5cm rồi đem gắn vào đàn ong cần thay chúa.

Tạo ong chúa bằng phương pháp cấp tạo: Chọn đàn ong phát triển mạnh để làm giống. Lấy cầu có trứng của ong chúa mới đẻ dùng dao cắt dích dắc để ong xây các mũ chúa ở chỗ có ấu trùng tuổi nhỏ. Nên chọn những bánh tổ còn mới để ong dễ tiếp thu hơn.

Tạo ong chúa di trùng: Tách chúa khỏi đàn mạnh. không bị bệnh. Sau 2 giờ di ấu trùng 1 ngày tuổi vào các chén sáp gắn trên các thang của cầu tạo chúa cho vào đàn đã bắt chúa. Cho đàn ong ăn thêm 3 – 4 tối. Sau 2 ngày vặt bỏ các mũ cấp tạo. Sau 9 – 10 ngày tách mũ chúa sử dụng.

Gắn các mũ chúa vào đàn ong mới chia hoặc đàn ong có chúa già cần thay, khoảng 10 – 12 ngày sau, chúa mới sẽ đẻ trứng. Nếu chúa tơ bị mất, cần giới thiệu mũ chúa khác hoặc nhập đàn lại.

Xử lý hiện tượng chia đàn tự nhiên

Trong trường hợp đàn ong ít quân khắc phục việc chia đàn bằng cách thay ong chúa cũ bằng ong chúa mới vào lúc nguồn hoa phong phú, cho thêm tầng chân, quay mật hoặc chuyển cầu mật cho đàn khác, nới rộng khoảng cách cầu và bỏ vật chống rét ra ngoài, vặt các mũ chúa và cắt bỏ lỗ tổ ong đực.

Trong trường hợp đàn ong mạnh thì chủ động chia đàn: cần cho ăn đủ, chọn những mũ chúa thẳng dài ở vị trí trống như ở 2 góc và dưới bánh tổ để sử dụng sau khi ong chia đàn mới.

Đàn ong chia đàn tự nhiên thường ăn no mật và phần đông ong thợ trẻ đang độ tuổi tiết sáp, xây tầng nhanh, nên ngay sau khi ổn định có thể cho đàn ong đó xây tầng chân. Đàn ong gốc chỉ giữ lại 1 mũ ong chúa tốt nhất để thay chúa còn lại cắt bỏ tất cả các mũ chúa đi.

Thùng nuôi ong và các khung cầu di động

Hiện nay để nuôi ong Ý người ta thường dùng kiểu thùng Langtros, thùng có kích thước bên trong là 47cm x 43 cm x 25 cm. Thùng phải có hai cửa sổ có thể đóng mở hai đầu để tiện cho việc di chuyển, có lỗ to và sàn bay để ong ra vào, có nắp đậy để chống nắng mưa. Và chân (thường làm bằng sắt) để kê cao thùng ong chống địch hại như: kiến, cóc…

Khung cầu có kích thước: xà trên là một cây 2 x 3 x 49 cm và một khung bên dưới có hai cây 1 x 3 x 23 cm, một cây 1 x 1 x 41 cm. Bánh tổ: người ta thường dùng hai tấm sáp có kích thước 20 x 40 cm đã được dập thành đáy của lỗ tổ ong. Gắn tấm nền sáu vào khung cầu bằng 3 đường dây ràng bằng thép không rỉ. Ong sẽ từ đây xây thành bánh tổ ong.

Chăm sóc và phòng trị bệnh cho ong:

Trong tự nhiên thức ăn chính của ong mật là mật và phấn hoa tự nhiên do vậy chúng ta lên tìm những điểm đặt ong gần với những nguồn hoa tự nhiên phong phú (hoa nhãn hưng yên) từ đó giúp đàn ong có nguồn thức ăn ổn định giúp đàn ong khỏe mạnh cho lượng mật nhiều hơn, chất lượng tốt hơn như mật ong nhãn. Vào những mùa không có nguồn hoa hoặc những ngày mưa, rét đàn ong không thể bay đi kiếm mật được chúng ta phải cho ong ăn nước đường và các loại vitamin, phấn hoa để ong không bị đói dẫn đến bốc đàn, chết. Chúng ta có thể pha trộn thức ăn cho ong theo tỷ lệ tham khảo như sau: Phấn hoa tự nhiên: 10kg; bột đậu nành (đậu tương): 25kg; đường: 40kg; bột vi lượng ( các vitamin và khoáng chất): gói 50gr; sữa chua: 1kg; nước: 20 lít.

Trộn đều hỗn hợp trên đắp lên khung cầu ong ước lượng sao cho tầm 2 ngày ong phải ăn hết. Ngoài ra chúng ta cũng cần che chắn thùng ong cẩn thận đảm bảo cho ong không bị ướt, rét.

Minh Châu
Theo vietQ