Làm giàu từ nuôi gà thương phẩm
23/05/17 09:52AM
Ông Lê Văn Trinh, cựu thanh niên xung phong H.Tây Hòa (Phú Yên) đã làm giàu bằng mô hình nuôi gà thương phẩm. Hiện trại gà của ông có quy mô hơn 10.000 con, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ông Trinh đang chăm sóc đàn gà thương phẩm /// Ảnh: Thiên Lý
Ông Trinh đang chăm sóc đàn gà thương phẩm
Ông Trinh (42 tuổi, ở thôn Phú Thuận, xã Hòa Mỹ Đông,) kể, sau khi rời đội thanh niên xung phong về quê lập nghiệp, gia cảnh của ông rất khó khăn, thiếu thốn. Năm 2007, cùng với số vốn ít ỏi của vợ chồng và được sự giúp đỡ của Hội Nông dân xã Hòa Mỹ Đông, ông Trinh vay 5 triệu đồng từ Ngân hàng NN-PTNT để làm chuồng trại nuôi gà. Về sau, ông bàn với vợ mạnh dạn vay thêm 50 triệu đồng để đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, phục vụ cho việc sản xuất gà thương phẩm theo quy trình khép kín.
Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi, tận dụng diện tích đất rộng để làm trang trại, từ 20 con gà mái giống ban đầu, đến nay vợ chồng ông Trinh đã có đến 10.000 con gà, trong đó có 1.000 gà mái giống. Từ chỗ chỉ có vài trăm mét vuông, đến nay khu chuồng chăn nuôi gà của ông Trinh đã mở rộng lên 3.000 m2. Trừ chi phí đầu tư, mỗi năm, gia đình ông thu nhập trung bình từ 300 triệu đồng trở lên.
Ông Trinh chia sẻ: “Lúc mới lập gia đình, kinh tế nhiều khó khăn, tài sản của hai vợ chồng chỉ có 600 m2 đất lúa. Đất ít, canh tác bấp bênh, thu nhập không đủ để trang trải cuộc sống. Sau nhiều đêm trằn trọc, suy nghĩ, tôi quyết định nuôi gà thương phẩm. Sau vài đợt xuất bán, thấy nguồn thu từ mô hình nuôi gà thương phẩm cao hơn so với việc làm nông nên tôi càng cố gắng”.
Theo ông Trinh, yếu tố quyết định giúp gia đình ông thành công trong việc chăn nuôi gà thương phẩm chính là áp dụng công nghệ nuôi khoa học. Hiện khu chuồng trại nuôi gà được ông xây dựng thoáng mát đúng quy cách, có lót đệm sinh học để hạn chế ô nhiễm môi trường. Không những thế, cách làm này còn giúp giảm thiểu đáng kể mùi hôi từ chất thải, giảm nồng độ khí H2S, NH3... thải ra môi trường xung quanh; đồng thời tăng cường phân hủy phân, nước tiểu thành phân hữu cơ vi sinh, tăng quá trình tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng từ thức ăn, góp phần phòng bệnh cho đàn gà. Bên cạnh đó, việc sử dụng đệm lót còn giảm công lao động, nhất là trong khâu dọn chuồng; giảm chi phí điện để sưởi ấm hoặc làm mát; giảm nước để vệ sinh chuồng trại và thức ăn, góp phần tăng hiệu quả chăn nuôi.
Nhận thấy nhu cầu thị trường ngày càng lớn, mới đây, vợ chồng ông Trinh tiếp tục đầu tư thêm 3 tủ ấp trứng, mỗi tủ trị giá 25 triệu đồng với công suất 3.200 quả trứng/lần. Bên cạnh đó, ông còn đầu tư máy nhổ lông gà, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ gà làm sẵn của người dân, nhất là những dịp lễ, tết, cưới hỏi. Mỗi ngày, cơ sở của ông cung ứng trung bình khoảng 50 con gà làm sẵn cho khách hàng. Nói về dự định trong tương lai, ông Trinh chia sẻ: “Thời gian tới, vợ chồng tôi dự định mở rộng quy mô sản xuất nhưng đang gặp khó về mặt bằng. Hy vọng, xã quan tâm tạo điều kiện cho chúng tôi thuê đất để có thể mở rộng trang trại, tạo việc làm cho lao động địa phương”.
Theo ông Lê Tuấn Nhã, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Mỹ Đông, ông Trinh là một cựu thanh niên xung phong cần cù, chịu khó làm ăn. Nhiều năm liền, ông là hộ sản xuất kinh doanh giỏi của xã. Năm 2016, ông vinh dự được huyện, tỉnh tuyên dương về thành tích này.

Thiên Lý - Đức Huy

(Theo Thanh niên)