Làm nông trên phố: Trồng rau sạch trên nước
05/01/17 09:55AM
Thủy canh là kỹ thuật trồng rau (cây) hiện đại trong môi trường dinh dưỡng nước thay cho đất. Ở TP.HCM, chị Võ Thị Thu Hà là một trong số những người tiên phong trồng rau sạch bằng phương pháp độc đáo này.
Chị Hà với vườn rau sạch thủy canh - Ảnh: N.T.Tâm
Chị Hà với vườn rau sạch thủy canh - Ảnh: N.T.Tâm
Căn nhà của chị Hà (ở đường 27, KP.5, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức) luôn tất bật nhân viên bưng những khay rau con để giao cho khách. Chị Hà đưa chúng tôi lên sân thượng, nơi chị chia thành hai tầng để trồng rau xanh trưng bày cho khách tham quan. Ngoài ra, chị còn có vườn ươm ở đường Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh) với diện tích khoảng 200 m2. Nói về cơ duyên trồng rau thủy canh, chị Hà cho biết: “Tôi học công nghệ sinh học và sau đó làm việc ở Đà Lạt trong lĩnh vực này; còn chồng có thời gian nghiên cứu tiến sĩ ở Đại học Tokyo, Nhật Bản, cũng về công nghệ sinh học. Người Nhật rất giỏi về thủy canh nên chồng tôi có tìm hiểu, học hỏi cách làm vườn hiện đại này về áp dụng”. Lúc đầu, gia đình chị trồng rau thủy canh chủ yếu tự cung tự cấp chứ không có ý định buôn bán. Hai năm sau, năm 2008, chị nghỉ hẳn việc ở cơ quan nhà nước, bước chân vào con đường kinh doanh bằng việc thành lập Công ty CP Sài Gòn Thủy Canh vì thấy nhu cầu tự trồng rau sạch tại nhà của người dân đô thị rất lớn.


Ngoài rau thủy canh, chị Hà cho biết đang nghiên cứu cách trồng rau trong bếp. “Các chị nội trợ thường bật đèn để nấu bữa ăn, chúng tôi sẽ lắp đặt chậu trồng rau, chủ yếu là hành ngò, rau thơm ở dưới bóng đèn. Các bà, các chị chỉ cần tiện tay là hái được rau sạch, hơn nữa còn làm xanh mát được không gian bếp “, chị Hà chia sẻ.

“Trồng rau sạch thủy canh quan trọng nhất là dung dịch nước phải đầy đủ khoáng chất, đa lượng, trung lượng, vi lượng. Đây là những thành phần có trong đất, được vợ chồng chúng tôi nghiên cứu pha chế đưa vào dung dịch để đủ hàm lượng cung cấp cho cây xanh có thể phát triển được mà không cần đất. Điểm quan trọng thứ hai là giá thể. Giá thể có nhiều loại nhưng riêng tôi sử dụng mùn dừa để giữ thân cây có thể đứng được trong chậu và thẩm thấu được dung dịch để cung cấp cho cây”, chị Hà giải thích.
Máng nhựa chị thiết kế và đặt sản xuất theo mẫu riêng. Tuy nhiên, phần việc còn lại là “chăm sóc rau”, đối với khách hàng cũng rất quan trọng. Khách hàng phải chăm sóc theo đúng kỹ thuật hướng dẫn của công ty, như mỗi tuần bổ sung dung dịch khoáng chất một lần, pha dung dịch đúng tiêu chuẩn và hằng ngày phải kiểm tra xem nước có cạn đi hay không để kịp bổ sung, bắt sâu bọ để tránh lây lan qua cây khác... “Khi khách đặt hàng, công ty sẽ cho nhân viên kỹ thuật tới lắp đặt giàn, máng nhựa và hướng dẫn cách chăm sóc vườn rau”, chị Hà nói.
Làm nông trên phố: Trồng rau sạch trên nước - ảnh 1
Dưới máng rau là hồ nuôi cá - Ảnh: N.T.Tâm

Kỹ thuật làm vườn thủy canh phù hợp với những cây rau ăn lá có bộ rễ nhỏ như rau thơm, xà lách, cải, rau dền, rau muống... Các loại dây hay cây khác như khổ qua, dưa chuột, ớt... cũng có thể sống tốt ở môi trường này.
Trong vườn nhà chị Hà, chúng tôi thấy chị còn nuôi cá điêu hồng ở hồ nước đặt dưới các máng nhựa trồng rau. Theo lý giải của chị, dung dịch thủy canh bơm từ bồn lên máng và thông qua các lỗ nhỏ thoát nước phía dưới, nước chảy vào hồ cá, sau đó nước từ hồ cá có thể được bơm lên để tưới cây theo một vòng hồi lưu khép kín. “Với hai hồ nhỏ nuôi cá điêu hồng, gia đình chúng tôi cũng tiết kiệm được tiền đi chợ mua cá, hơn nữa đây hoàn toàn là thực phẩm sạch”, chị Hà kể.
Làm nông trên phố: Trồng rau sạch trên nước - ảnh 2
Nước tưới rau chảy xuống hồ và hồi lưu lại máng - Ảnh: N.T.Tâm
Tùy vào gia đình có bao nhiêu người, Sài Gòn Thủy Canh sẽ tư vấn lắp bao nhiêu giàn. Một giàn 2 m có 10 máng, 1 máng có 10 chậu rau, như vậy 1 giàn sẽ có 100 chậu rau đủ cho gia đình 3 - 4 người sử dụng thường xuyên. Giá một giàn 6,8 triệu đồng, bao gồm công lắp ráp, cây giống, dung dịch dinh dưỡng ban đầu. Sau lứa rau đầu tiên, khách có nhu cầu sẽ mua dung dịch thủy canh hoặc đổi giỏ cũ lấy giỏ rau mới (3.000 đồng/giỏ), còn 1 gói dung dịch thủy canh giá 40.000 đồng đủ tưới một tuần cho một giàn rau. Lứa rau đầu tiên sau khoảng 3 tuần là bắt đầu thu hoạch dần.
Làm nông trên phố: Trồng rau sạch trên nước - ảnh 3
Một góc vườn rau nhà chị Hà - Ảnh: N.T.Tâm
Làm nông trên phố: Trồng rau sạch trên nước - ảnh 4
Chậu rau trong bếp nhà chị Hà - Ảnh: N.T.Tâm
Chị Hà đang chăm sóc rau ở vườn nhà - Ảnh: N.T.Tâm

N.Trần Tâm

(Theo Thanh Niên)