Mô hình nông nghiệp thông minh cần được nhân rộng hơn nữa
18/11/20 03:47PM
Mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu đã đạt được 2 mục tiêu quan trọng là thay đổi nhận thức và nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân.

Đó là ý kiến đánh giá của ngành nông nghiệp huyện Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam) sau 4 vụ thực hiện mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu (CSA) thuộc Hợp phần 3 của Dự án WB7 trên địa bàn.

Canh tác theo mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu giúp cho người dân tăng được hiệu quả kinh tế. Ảnh: L.K.

Canh tác theo mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu giúp cho người dân tăng được hiệu quả kinh tế. Ảnh: L.K.

Theo Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp huyện Quế Sơn, nhiều năm trở lại đây, việc trồng trọt của người dân trên trong huyện thường theo thói quen, bón phân, phun thuốc tràn lan, không tiết kiệm nước tưới đã làm tăng chi phí đầu tư, giảm hiệu quả kinh tế, ô nhiễm môi trường, dẫn đến phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, gây nên hiện tượng biến đổi khí hậu ảnh hưởng sức khỏe người nông dân và cộng đồng.

Do đó, việc canh tác nông nghiệp thông minh theo mô hình CSA cơ bản giải quyết được những tồn tại trong tập quán canh tác tại địa phương, đảm bảo sản xuất bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Trong năm 2019 và 2020 với 4 vụ sản xuất, được sự hỗ trợ kinh phí của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Quế Sơn đã tổ chức sản xuất 11 mô hình CSA nhân rộng chính với diện tích 555ha và nhân rộng đại trà 776ha trên cây lúa; 47ha mô hình CSA nhân rộng chính và 671ha nhân rộng đại trà trên cây màu tại các xã Quế Mỹ, Hương An, Quế Phú, Quế Xuân 1 và Quế Xuân 2.

Kết quả thực hiện mô hình cho thấy, đối với cây lúa trong mô hình áp dụng phương thức sạ hàng với giống chất lượng đã giảm được lượng giống khoảng 30kg/ha/vụ so với ruộng ngoài mô hình. Cây lúa phát triển khỏe, giảm chi phí, giảm công chăm sóc và hạn chế sâu bệnh hại.

Ngoài ra, ruộng lúa mô hình CSA giảm 2,5 lần phun thuốc BVTV mỗi vụ; lượng nước trong mô hình được cắt giảm 2,7 lần so với ruộng đối chứng. Việc tăng cường bón phân hữu cơ trong mô hình cũng giảm được 29,5 kg urê/ha so với ruộng ngoài mô hình. Hiệu quả đem lại trên mô hình CSA tăng 7 triệu đồng/ha/vụ so với canh tác theo tập quán cũ.

Với cây màu (chủ yếu là cây lạc), thông qua hướng dẫn nông dân tham gia mô hình áp dụng IPM sử dụng giống mới, dùng phân hữu cơ, bón phân cân đối nên tính hình và mức độ xuất hiện sâu bệnh ít nghiêm trọng hơn, vì vậy giảm được 2 lần phun thuốc. Năng suất trung bình của mô hình CSA cao hơn 3,3 tạ/ha, lợi nhuận đem lại cao hơn 10,3 triệu đồng/ha so với ruộng ngoài mô hình.

Ông Lưu Văn Thành, Phó phòng Nông nghiệp huyện Quế Sơn cho biết, qua các mô hình CSA trên cây lúa và cây màu ở địa phương cho thấy đã đem lại hiệu quả rất thiết thực,giúp nâng cao được năng suất trên 1 đơn vị diện tích.

“Mục tiêu của việc thực hiện mô hình này rất nhiều nhưng cơ bản đã đạt được 2 mục tiêu quan trọng đó là nâng cao được nhận thức của người dân, biết áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào canh tác và thứ 2 là tăng hiệu quả sản xuất, cải thiện thu nhập cho người dân”, ông Thành nói.

Cũng theo ông Thành, thực trạng từ trước tới nay ở địa phương là mỗi lần kết thúc sự hỗ trợ của dự án thì người dân không thực hiện mô hình nữa. Do vậy, trước hiệu quả nhận thấy được từ mô hình này, trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục vận động, tuyên truyền cho bà con tiếp tục áp dụng mô hình vào sản xuất. Có như vậy, phương pháp canh tác CSA mới ngày càng được nhân rộng ra đại trà, góp phần tăng hiệu quả kinh tế cho người nông dân.