Mô hình nuôi trồng đặc sản và sản phẩm chủ lực: Hướng làm giàu cho nông dân
11/05/22 10:41AM
Các mô hình nuôi trồng cây, con đặc sản và các sản phẩm chủ lực cho thấy, nông sản dễ dàng tìm đầu ra, nông dân dễ làm giàu và luôn có thu nhập ổn định ở mức cao...
nn1.jpg
Mô hình nuôi cua, chạch đồng hứa hẹn cho thu nhập cao tại xã Quang Lãng (huyện Phú Xuyên).

 

Hà Nội: Nuôi trồng đặc sản, mở hướng phát triển mới giúp nông dân làm giàu

Các mô hình nuôi trồng cây, con đặc sản cho thấy, nông sản dễ dàng tìm đầu ra, nông dân dễ làm giàu và luôn có thu nhập ổn định ở mức cao...

Cua và chạch đồng có giá trị dinh dưỡng cao, là món ăn dân dã. Hiện nay, do việc đánh bắt quá mức và không có ý thức bảo vệ, tái tạo nên cua, chạch đồng trong tự nhiên rất ít. Nắm bắt nhu cầu tiêu thụ của thị trường ngày càng lớn và giá thành ngày một tăng cao, Ban giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Phú Lãng, xã Quang Lãng (huyện Phú Xuyên) đầu tư gần 1 tỷ đồng phát triển mô hình nuôi cua, chạch đồng trên diện tích 2,2 mẫu cấy lúa kém hiệu quả.

Để triển khai mô hình, Hợp tác xã cải tạo bùn chân ruộng, gia cố các bờ ruộng, ngăn các bờ ruộng với bên ngoài bằng các tấm tôn sắt cao 1m. Sau đó, bơm nước, thả thêm bèo tây để tạo môi trường sống cho cua, chạch. Để tạo thêm nguồn thức ăn cho cua, chạch, Hợp tác xã xây dựng thí điểm 500m2 chuồng trại nuôi giun quế. Với lợi thế là địa phương nông nghiệp nên nguồn thức ăn để nuôi giun quế rất dồi dào, dễ thu mua như các phế phẩm nông nghiệp, phân trâu bò. Hiện nay, Hợp tác xã cũng đã bắt đầu thả giun giống trong các chuồng nuôi.

Chị Nguyễn Hiền Thảo, thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Phú Lãng cho hay, cua đồng giờ trở thành đặc sản đồng quê và là loài sinh sản gần như quanh năm, tập trung từ tháng 4 đến tháng 8. Cua phát triển mạnh nhất vào những tháng hè, chỉ từ 2 đến 3 tháng nuôi là có thể bán cua thịt. Giá bán cua luôn ổn định, đầu ra cũng rất thuận lợi.

Còn tại thị xã Sơn Tây, nhiều người dân ở đây đã biến những đồi ngô đồi sắn thành vùng trồng sâm Bố Chính quy mô lớn. Một trong những người đi tiên phong trồng sâm Bố Chính tại khu vực phải kể tới bà Uông Tuyết Nhung, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm (xã Thanh Mỹ) với quy mô 5ha.

Mô hình trồng sâm Bố Chính được hợp tác xã trồng theo quy trình hữu cơ, có ứng dụng một phần công nghệ cao ở những công đoạn tưới nước, ươm giống. Theo bà Nhung, thời vụ trồng sâm bắt đầu vào mùa xuân, đến tháng thứ 9 được thu hoa, đến mùa xuân năm sau được thu củ. Cả lá, hoa và củ sâm Bố Chính đều có thể chế biến thành thực phẩm chức năng, bồi bổ sức khỏe. Theo ước tính, khi thu hoạch trọn 1 vụ, mỗi ha sâm Bố Chính cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm. Không chỉ có vậy, cánh đồng sâm rực rỡ sắc màu còn tôn lên vẻ đẹp của làng quê, có thể hình thành du lịch sinh thái.

Còn tại huyện Ba Vì, sim vốn là cây mọc hoang ở vùng đồi gò, nhưng hoa, và quả sim lại là đặc sản, được nhiều người tìm mua. Nhận thấy lợi ích của loại cây đặc sản này, anh Kiều Văn Lợi ở thôn Bơn, xã Vân Hòa (huyện Ba Vì) đào những gốc sim mọc hoang trên đồi về trồng. Từ năm 2020, những gốc sim ban đầu đã cho thu hoạch quả, bán với giá 40 nghìn đồng/kg, mỗi vụ gia đình anh thu nhập hàng chục triệu đồng. "Trồng sim không khó, vì ít sâu bệnh, ít công chăm sóc, sản phẩm lại khan hiếm nên bán rất dễ dàng", anh Lợi cho biết.

Nói về những mô hình trồng cây, nuôi con đặc sản ông Nguyễn Trọng Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho hay, việc nuôi trồng các loại nông sản đặc sản đang mở ra hướng phát triển mới cho nông dân, bởi trong khi các loại cây trồng mang tính hàng hóa, bán đại trà dễ rơi vào tình trạng "được mùa - mất giá" thì phân khúc đặc sản luôn giữ giá ổn định, không lo khâu tiêu thụ. Thời gian tới, trên cơ sở cách làm hay, hiệu quả từ thực tiễn, địa phương sẽ có đánh giá và hỗ trợ nhân rộng mô hình nuôi trồng cây, con đặc sản.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, để nâng cao hiệu quả sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi đặc sản, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã phối hợp với các địa phương chọn một số loại đặc sản tiêu biểu, xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nông thôn mới trên địa bàn. Mặt khác, Sở NN&PTNT tích cực hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho một số đặc sản có tiếng; phát triển thương hiệu cho một số vật nuôi là đặc sản địa phương; đưa vào chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; đồng thời nghiên cứu thị trường, dự báo sản lượng bảo đảm ổn định sản xuất.

Thanh Hóa: Phát triển các thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Tỉnh Thanh Hóa đã xác định 12 sản phẩm nông nghiệp chủ lực (SPNNCL). Trong đó, có 6 sản phẩm nằm trong danh mục SPNNCL quốc gia, 6 SPNNCL của tỉnh. Để đạt mục tiêu đưa các SPNNCL ra thị trường trong nước và quốc tế, xây dựng và phát triển các thương hiệu cho các SPNNCL, những năm qua, ngành nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương đã chú trọng thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các SPNNCL.

177d0203811t76349l0.jpg
Sản phẩm rau, quả được sản xuất theo hướng công nghệ cao tại xã Nga Thành (Nga Sơn).

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, ngành nông nghiệp, cùng các huyện, thị xã, thành phố đã và đang xây dựng, thực hiện các giải pháp phát triển theo từng lĩnh vực, từng sản phẩm cụ thể. Đơn cử như sản phẩm thịt lợn, với tổng đàn khoảng 1,2 triệu con, Thanh Hóa là tỉnh có tổng đàn lợn nhiều đứng thứ 4 của cả nước, giá trị sản xuất thịt lợn chiếm 35,8% tổng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi của tỉnh. Vì vậy, đây được xác định là 1 trong 6 sản phẩm nằm trong danh mục SPNNCL quốc gia. Thanh Hóa kỳ vọng đến năm 2025, sẽ có 65% sản lượng thịt lợn sản xuất ra cung cấp cho thị trường trong tỉnh, đáp ứng cơ bản nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh, 35% sản lượng thịt lợn cung cấp ra tỉnh ngoài; có 2 sản phẩm thịt lợn được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3 - 4 sao.

Để đạt được lộ trình phát triển này, thời gian qua, các sở, ngành, địa phương đã và đang thực hiện các giải pháp tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm thịt lợn, như: chuyển dần chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại, ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi khép kín từ con giống, thức ăn, chế biến, đến tiêu thụ sản phẩm, bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu. Thu hút kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhà máy giết mổ và các cơ sở chế biến thịt gia súc, gia cầm có công nghệ, thiết bị hiện đại và khép kín, như: dây chuyền giết mổ, làm chín, đóng gói chân không thịt gà; dây chuyền giết mổ thịt lợn mảnh; hệ thống kho lạnh cấp đông đảm bảo yêu cầu công nghệ; trang thiết bị kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Với diện tích gieo trồng hàng năm đạt 50.600 ha, sản lượng đạt 580.700 tấn/năm, giá trị sản xuất ước đạt 2.100 tỷ đồng/năm, chiếm 15% giá trị sản xuất ngành trồng trọt, rau, quả là sản phẩm có tiềm năng và khả năng cạnh tranh lớn đối với thị trường trong nước và xuất khẩu. Do đó, ngành nông nghiệp đã định hướng cho các địa phương nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm thông qua việc tập trung thực hiện các giải pháp, như: du nhập, tuyển chọn được giống rau, quả mới vào sản xuất; ứng dụng thành công công nghệ nhà kính, nhà màng để sản xuất rau, quả an toàn theo quy trình VietGAP.

Đẩy mạnh việc đưa các giống cây trồng mới có năng suất và chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất. Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến rau, quả gắn với phát triển vùng nguyên liệu. Nhân rộng và phát triển các chuỗi liên kết giữa các HTX, doanh nghiệp, các cửa hàng tiêu thụ rau, quả an toàn và các nhà máy chế biến. Xây dựng phần mềm, cơ sở dữ liệu, website kết nối người sản xuất đến người tiêu dùng theo hướng thương mại điện tử. Đưa các sản phẩm rau, quả tham gia các hội chợ, triển lãm kết nối cung cầu, giới thiệu sản phẩm.

Hiện toàn tỉnh đã xây dựng được 97 vùng sản xuất rau, quả tập trung; diện tích rau được sản xuất theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh đạt 8.560 ha, chiếm 17% diện tích rau, quả của toàn tỉnh. Toàn tỉnh đã thu hút được 25 doanh nghiệp chế biến rau, quả, với tổng công suất gần 110.000 tấn/năm; xây dựng 219 chuỗi cung ứng rau, quả an toàn. Đã có khoảng 30% rau an toàn cung cấp cho các thành phố lớn phía Bắc và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Với việc chú trọng thực hiện hiệu quả các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, kỳ vọng các SPNNCL của tỉnh sẽ hội nhập cùng sản xuất nông nghiệp trong nước và quốc tế.

Bắc Ninh: Nâng cao năng lực cạnh tranh của các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đáp ứng yêu cầu thị trường

UBND tỉnh vừa có văn bản số 265/KH-UBND về kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản năm 2022 trên địa bàn tỉnh.

8.jpg
Số cơ sở nuôi trồng thủy sản đạt chứng nhận VietGAP tăng 10% là một trong các chỉ số quan trọng để thực hiện kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản năm 2022.

Mục tiêu của kế hoạch nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản; nâng cao năng lực cạnh tranh của các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các địa phương về an toàn thực phẩm; xây dựng chuỗi sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, hạn chế ngộ độc thực phẩm xảy ra.

Một số chỉ tiêu quan trọng cần đạt để thực hiện kế hoạch gồm: Diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn tương tự tăng 10%/năm so với năm 2021; có 50 sản phẩm tham gia chương trình OCOP; 95% cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản đạt yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm; tỷ lệ các cơ sở nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn tăng lên 90%; thí điểm đề án kiểm soát nguồn gốc thực phẩm tại 8 chợ của 8 huyện/thành phố; phấn đấu hết năm 2022, trên địa bàn toàn tỉnh xác nhận mới 20 - 30 chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn; 100% các thông tin phản ánh về mất an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản được xác minh, xử lý kịp thời; tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án “Xây dựng mô hình chuỗi sản xuất và cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh” năm 2022.

UBND tỉnh giao Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh chủ trì, phối hợp các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung kế hoạch đảm bảo ATTP nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ATTP, hướng dẫn đảm bảo ATTP từ khâu sơ chế, chế biến, hướng dẫn, lưu thông thực phẩm. Tổ chức tập huấn, phổ biến, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP cho người quản lý, người trực tiếp sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản trong tỉnh./.

Theo: KTNT