Ngành nông nghiệp Nghệ An tăng cao nhất vùng Bắc Trung bộ
12/01/22 04:02PM
Năm 2021 đầy khó khăn, tổng sản phẩm toàn ngành nông nghiệp Nghệ An vẫn tăng 5,59%, cao nhất vùng Bắc Trung bộ; năng suất, sản lượng lúa cao nhất từ trước tới nay...

Nông nghiệp tăng cao nhất Bắc Trung bộ

2021 là năm sản xuất nông nghiệp Nghệ An gặp nhiều khó khăn. Thời tiết đầu năm rét đậm, rét hại kéo dài, giữa năm nắng nóng, hạn hán nghiêm trọng, những tháng cuối năm mưa to gây ngập úng nhiều vùng làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, nhất là sản xuất vụ đông.

Một số dịch bệnh trong chăn nuôi như dịch tả lợn Châu Phi, bệnh viêm da nổi cục ở đàn bò diễn biến phức tạp. Trong trồng trọt, bệnh khảm lá sắn bùng phát nhiều nơi. Dịch bệnh Covid-19 bùng phát, lây lan trên phạm vi cả nước, trong đó có Nghệ An đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp ở tất cả các vùng, miền trong tỉnh.

Vụ xuân 2021 của Nghệ An thắng lợi lớn. Ảnh: Việt Khánh.

Vụ xuân 2021 của Nghệ An thắng lợi lớn. Ảnh: Việt Khánh.

Đặc biệt năm 2021, giá cả các loại vật tư nông nghiệp như phân bón, giống, thuốc trừ sâu bệnh đầu năm tăng 30 – 40%, giữa và cuối năm tăng lên 60 – 70%; giá điện, xăng dầu, vận tải… cũng đồng loạt tăng giá.

Trong bối cảnh đó, các cấp từ tỉnh, huyện, thành thị đến các phường, xã, thôn, xóm, làng, bản của Nghệ An vẫn không buông lỏng chỉ đạo sản xuất. Còn bà con nông dân dù khó khăn đến mấy, vẫn bám đồng ruộng để sản xuất tốt, đó là truyền thống lao động cần cù, chịu khó vốn có của người nông dân xứ Nghệ.

Kiên trì, vượt khó, cố gắng vươn lên đã đem lại kết quả khá toàn diện, đáng phấn khởi, thực sự là một năm nông nghiệp Nghệ An tỏa sáng nhất từ trước lại nay. 

Sản xuất vụ đông xuân 2020 – 2021, vụ hè thu 2021 được mùa toàn diện, sản lượng khai thác gỗ trồng và đánh bắt, nuôi trồng thủy sản tăng mạnh, nên giá trị sản xuất (tính theo giá so sánh năm 2010) đạt 38.212 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp của toàn ngành tăng khá, đạt 5,59% (so với kế hoạch đề ra của tỉnh là 4,5 – 5% và mức tăng bình quân chung cả nước năm 2021 là 2,94%), tăng cao nhất vùng Bắc Trung Bộ, trong đó nông nghiệp tăng 5,72%, lâm nghiệp tăng 7,85%, ngư nghiệp tăng 5,72%.

Năng suất lúa cao nhất từ trước tới nay

Sản xuất nông nghiệp ở Nghệ An trong năm 2021 có nhiều khởi sắc, nhiều điểm sáng. Nhưng, nổi bật nhất, đó là:

- Về sản xuất lương thực: Điển hình nhất là giảm diện tích gieo cấy lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng mía và một số cây hoa màu khác… do nguồn nước tưới không chủ động từ 180.214 ha lúa cả năm 2020 xuống còn 178.940 ha lúa năm 2021, giảm 1.274 ha, bằng 7,06%.

Năm 2021, năng suất, sản lượng lúa của Nghệ An cao nhất từ trước tới nay. Ảnh: Việt Khánh.

Năm 2021, năng suất, sản lượng lúa của Nghệ An cao nhất từ trước tới nay. Ảnh: Việt Khánh.

Giảm diện tích gieo cấy các giống lúa chất lượng kém, chủ yếu là lúa lai, tăng diện tích gieo cấy các giống lúa chất lượng cao như: AC5, QJ1, BTE1, Vật tư NA6, Bắc thơm 7, Hương thơm 1… từ 53.000 ha năm 2020, tăng lên 80.000 ha năm 2021 (tăng 50,94%).

Do được đầu tư thâm canh và phòng chống sâu bệnh tốt, nên năng suất lúa bình quân cả năm đã đạt được 58,07 tạ/ha, cao nhất từ trước lại nay, cao hơn năm 2020 là 4 tạ/ha, bằng 7,39%. Tổng sản lượng lúa cả năm 2021 đạt 1.039.162 tấn, cao nhất từ xưa lại nay, cao hơn năm 2020 là 64.796 tấn, bằng 6,65%.

Cho dù diện tích lúa cả năm giảm, nhưng năm 2021 là năm sản xuất lúa ở Nghệ An được mùa lớn về năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm. 

Đối với các loại cây công nghiệp và cây thực phẩm ngắn ngày như sắn, vừng, lạc, mía đường, đậu đỗ…, cây nào cũng có diện tích, năng suất và sản lượng đều tăng hơn năm 2020. Trong số đó, điển hình nhất là cây mía nguyên liệu, diện tích được trồng trong năm 2021 đạt 24.000 ha, tăng hơn năm 2020 là 3.794 ha, bằng 18,77%.

Năng suất mía đạt bình quân 630 tạ/ha, cao hơn năng suất mía năm 2020 là 39,98 tạ/ha, bằng 6,77%, sản lượng mía đạt 1.512.000 tấn, tăng hơn năm 2020 là 319.000 tấn, bằng 26,73%.

Riêng các loại cây ăn quả như cam, chanh, dứa… năm nay diện tích không tăng hoặc tăng không đáng kể. Nhưng năng suất và sản lượng cây nào cũng tăng khá. Đặc biệt cây cam sau 3 năm diện tích, năng suất giảm mạnh do bị nhiễm bệnh greening và bệnh vàng lá, thối rễ do virus, đã được Sở NN-PTNT phối hợp với các địa phương và các cơ sở sản xuất tiến hành rà soát, phân loại để áp dụng các biện pháp tiêu hủy hơn 1.000 ha có số cây bị bệnh nhiều.

Đã chăm sóc tốt và phòng trừ sâu bệnh kịp thời cho diện tích cam còn lại là 5.200 ha. Trong số này, có 3.800 ha cam cho thu hoạch, năng suất đạt bình quân 170 tạ/ha, tăng hơn năm 2020 là 7,4 tạ/ha, sản lượng cam năm 2021 đạt 64.600 tấn, nhiều hơn năm 2020 là 4.828 tấn, bằng 8,07%.

Chăn nuôi, lâm nghiệp đều tăng mạnh

Về chăn nuôi, có thể nói là một năm đầy khó khăn do dịch bệnh, nhất là bệnh dịch tả lợn Châu Phi, bệnh tai xanh, bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò, giá cả thức ăn chăn nuôi tăng quá cao, giá thịt quá thấp, lại khó tiêu thụ…

Nhưng ngành chăn nuôi đã được UBND tỉnh, Sở NN-PTNT kịp thời tổ chức chỉ đạo bảo vệ, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh kịp thời nên đàn trâu, bò, lợn, gà, vịt vẫn phát triển khá và tăng đàn nhiều hơn năm 2020 từ 7 – 10%.

Nhiều loại dịch bệnh bùng phát trên chăn nuôi, song đã được Nghệ An khống chế tốt. Ảnh: TL.

Nhiều loại dịch bệnh bùng phát trên chăn nuôi, song đã được Nghệ An khống chế tốt. Ảnh: TL.

Đặc biệt, đàn lợn gặp nhiều khó khăn về dịch bệnh, giá cả thức ăn cao, giá bán quá thấp và khó tiêu thụ. Riêng năm 2021, toàn tỉnh đã xẩy ra 525 ổ dịch tả lợn Châu Phi tại 21 huyện, thành, thị trong tỉnh, đã tiêu hủy 35.539 con lợn của 10.435 hộ.

Tuy nhiên, tổng đàn lợn Nghệ An trong năm 2021 vẫn đạt hơn 1 triệu con, tăng hơn năm 2020 là 95.256 con, bằng 10,52% (không tính lợn con chưa tách mẹ). Kết quả này rất đáng được ghi nhận đối với người chăn nuôi Nghệ An trong năm 2021.

Về lâm nghiệp, năm 2021 cũng là năm có diện tích rừng trồng tập trung; khoanh nuôi, bảo vệ rừng; chăm sóc rừng; khai thác gỗ rừng trồng để chế biến và xuất khẩu… đạt kết quả khá, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, tăng cao so với năm 2020. Đặc biệt trong năm 2021, việc khai thác gỗ rừng trồng để phục vụ chế biến và xuất khẩu đạt tăng 9,15% so với năm 2020.

Ấn tượng nông thôn mới

Ngoài một số cây, con và sản phẩm nổi trội nhất trong năm 2021, thành công rất lớn nữa đó là Chương trình MTQG Xây dựng NTM ở Nghệ An trong năm 2021. Trong năm, toàn tỉnh đã huy động được nguồn kinh phí 12.445 tỉ đồng, trong số này vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ 1.159 tỉ đồng, chiếm 9,31%; còn lại là vốn được huy động từ nhiều nguồn khác nhau và của nhân dân tự đóng góp.

Toàn tỉnh đã xây dựng thêm được 317 km đường giao thông nông thôn, 96 km kênh mương tưới tiêu nội đồng, nâng cấp được 544 km đường điện, 704 nhà văn hóa thôn, bản, 319 chợ nông thôn, 396 trạm y tế xã đạt chuẩn và có 1.065/1.452 trường học đạt chuẩn quốc gia.

Nông nghiệp Nghệ An đã có sự chuyển biến mạnh mẽ theo hướng công nghệ cao. Ảnh: Việt Khánh.

Nông nghiệp Nghệ An đã có sự chuyển biến mạnh mẽ theo hướng công nghệ cao. Ảnh: Việt Khánh.

Hết năm 2021, số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) 20/20 xã theo kế hoạch; 24 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 1 huyện đạt chuẩn NTM (huyện Quỳnh Lưu). 

Lũy kế đến ngày 31/12/2021 có 300/411 xã NTM, đạt 72,99%, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đề ra. Số tiêu chí bình quân các xã đạt 16,8 tiêu chí/xã. Toàn tỉnh có 7/21 huyện, thành, thị đạt chuẩn NTM. Tỉ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh theo Tiêu chuẩn 4826/QĐ-BNN đạt 86/86% theo kế hoạch; tỉ lệ độ che phủ rừng đạt 58/58% chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

3 tồn tại, hạn chế

Sự phát triển của nông nghiệp Nghệ An trong năm 2021 được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đánh giá rất cao tại hội nghị Tổng kết thực hiện kế hoạch năm 2021 và triển khai nhiệm vụ phát triển nông nghiệp năm 2022 (diễn ra ngày 31/12/2021).

Cũng tại hội nghị này, ngành nông nghiệp Nghệ An vẫn thấy còn những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục để tiếp tục phát triển, đó là:

Thứ nhất, việc tổ chức chỉ đạo sản xuất vụ đông vừa qua chưa đủ mạnh, chưa có giải pháp thiết thực và cụ thể để ứng phó với đặc thù thời tiết nên các chỉ tiêu và diện tích, năng suất, sản lượng của các cây trồng, ngô, lạc, rau đậu… chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch.

Thứ hai, việc xây dựng các mô hình ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất được quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt. Nhưng sau đó việc nhân rộng và phát triển các mô hình còn rất hạn chế, cần sớm có biện pháp khắc phục.

Thứ ba, việc tích tụ ruộng đất để tổ chức sản xuất lớn, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn còn nhiều hạn chế. Tốn tại này kéo dài nhiều năm nay do còn nhiều vướng mắc, hạn chế trong chính sách đất đai, hạn điền hiện nay.