Ngành Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang thắng lớn: Kết quả của tốc độ tăng trưởng
18/02/21 10:01AM
Năm 2020, tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang đạt 6,7%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây; giá trị sản xuất đạt 36.500 tỷ đồng...
1.jpg

Năm 2020, tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang đạt 6,7%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây; giá trị sản xuất đạt 36.500 tỷ đồng.

Trong ảnh: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng lãnh đạo tỉnh Bắc Giang thăm vườn cam ngọt của hộ ông Lưu Văn Sáng, thôn Trại Ba, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn, ngày 3/1/2021.

Phóng viên Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi với ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang, để hiểu rõ hơn về thắng lợi này.

Năm 2020 là năm gặp nhiều khó khăn nhưng tốc độ tăng trưởng nông nghiệp của Bắc Giang đạt khá cao. Xin ông cho biết thêm về kết quả này?

Có thể nói, năm 2020 là năm cực kỳ khó khăn. Có ba nguyên nhân chính, đó là: thời tiết bất lợi; đại dịch Covid-19; dịch bệnh trên đàn vật nuôi, dịch tai xanh lúc nào cũng có nguy cơ bùng phát trở lại. Rồi dịch cúm gia cầm, tả lợn châu Phi,... 

Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp và PTNT  Bắc Giang vẫn đại thắng. Thứ nhất, được mùa, tất cả các loại cây trồng đều được mùa, vải thiều 165.000 tấn; cam, bưởi tăng 3-5%... Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nhưng tỉnh đã tái đàn đạt trên 1 triệu con; đàn gia cầm trên 18 triệu con, tăng 3%; vụ chiêm, vụ mùa đều được mùa; thủy sản cũng tăng 5%. 

Thứ hai,  được giá. Đây là thắng lợi kép, người dân rất phấn khởi vì có thu nhập. Điển hình như vải thiều, doanh thu đạt 6.830 tỷ đồng; giá lợn cao từ đầu năm 2020 đến nay; giá hoa quả rất thuận lợi.

Thứ ba, về hiệu quả sản xuất, năm 2020 là năm đầu tiên Bắc Giang đạt 120 triệu đồng/ha, trong khi mục tiêu đặt ra là 110 triệu đồng/ha. Qua đây cho thấy hiệu quả canh tác trên 1ha cao hơn so với mặt bằng chung cả nước.

Thứ tư, chất lượng nông sản được nâng lên, đặc biệt là việc áp dụng khoa học kỹ thuật trở thành xu thế phát triển, diện tích nông dân áp dụng quy trình sản xuất  VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, an toàn sinh học tăng.

Chưa bao giờ vải thiều xuất đi được Nhật Bản như năm 2020, khi chuyên gia Nhật test rất kỹ, các tiêu chí đều đạt, đưa sang Nhật được đồng ý ngay. Hay Bắc Giang trồng na trái vụ, giá bán tăng gần gấp đôi.

Dịch tả lợn châu Phi như thế mà Bắc Giang vẫn duy trì, tái đàn tốt, đấy chính là áp dụng quy trình sản xuất an toàn.

Áp dụng khoa học kỹ thuật đặc biệt quan trọng, tạo ra nông sản có chất lượng, từ đó mở rộng thị trường. Tin vui nữa là trái bưởi ở Bắc Giang đã xuất  sang Nga, cho thấy bức tranh nông nghiệp rất là sáng. Từ đó tạo ra niềm tin cho người dân, áp dụng khoa học kỹ thuật là cho chính họ, mang lại nhiều tiền cho họ.

Thứ năm, khai thác tối đa lợi thế của địa phương. Bắc Giang đi bằng hai chân. Thứ nhất là chân sản phẩm chủ lực lớn, thứ hai là các nông sản đặc sản của địa phương  - sản phẩm OCOP, Bắc Giang rất coi trọng việc này. Đây là quá trình tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, từ hộ nhỏ lẻ sang HTX, doanh nghiệp. Theo đánh giá, 75% chủ thể tham gia OCOP là HTX nông nghiệp, tạo ra một phong trào khởi nghiệp, phương thức sản xuất theo hướng liên kết. Sau hơn 2 năm, Bắc Giang có 95 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.

Các sản phẩm OCOP góp phần nâng tầm nông sản, từ nông sản xuất nhỏ lẻ, manh mún được tổ chức lại; sản phẩm OCOP có tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, có bao bì, nhãn mác, gắn OCOP với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, mở rộng thị trường. Cùng với đó, tỉnh xây dựng các điểm bán hàng để bán các sản phẩm, tạo thành thói quen tiêu thụ nông sản có địa chỉ, có nguồn gốc đó là OCOP.

Từ nông nghiệp tạo ra nguồn thu, tạo ra nội lực để xây dựng NTM. Năm 2020 là năm đại thắng trong xây dựng NTM, toàn tỉnh có 127 xã đạt chuẩn NTM, 8 xã đạt NTM nâng cao, 72 thôn NTM kiểu mẫu. NTM Bắc Giang đang làm liên tục, một là làm NTM, hai là làm NTM nâng cao, ba là thôn kiểu mẫu để tạo ta một quá trình liên tục nâng cao tiêu chí, chỉ có điểm khởi đầu không có điểm kết thúc.

Để đạt được kết quả nói trên, Sở Nông nghiệp và PTNT đã triển khai những giải pháp gì, thưa ông?

Tất cả kết quả nói trên không phải tự dưng mà có, phải là sự chỉ đạo, chỉ đạo việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tất cả quá trình đó là quá trình chỉ đạo của cơ quan chuyên môn, các quy trình tốt, quy trình an toàn, có định hướng. Chương trình OCOP đều có định hướng, tất cả kết quả đạt được đó là sự chịu khó của nông dân nhưng cũng là sự đồng hành của các cấp chính quyền, đặc biệt là cơ quan chuyên môn trong việc hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến và áp dụng.

Bên cạnh đó, phải có chính sách tác động phù hợp. Ví dụ, khi có dịch, Bắc Giang xây dựng kế hoạch tái đàn lợn rất sớm, có chính sách hỗ trợ tái đàn. Tỉnh có chính sách chi tiết, kịch bản chi tiết cho tiêu thụ vải thiều; hỗ trợ các vùng vải xuất khẩu đi Nhật; hỗ trợ khi làm sản phẩm OCOP...

Các chính sách đồng bộ và hợp lý đã phát huy được hiệu quả. Cùng với đó, có chính sách xúc tiến thương mại song hành với nhau, chưa bao giờ Bắc Giang tổ chức xúc tiến thương mại vải thiều trực tuyến, cực kỳ sáng tạo, rất thành công. Cơ chế, chính sách phù hợp, điều chỉnh theo đúng tình hình. Với cách làm quyết liệt, hợp lý, tạo ra sự đồng bộ trong sản xuất, trong xúc tiến thương mại, tiêu thụ làm sao cho vừa được mùa, vừa được giá.

Để duy trì mức tăng trưởng như hiện nay, thời gian tới, Sở sẽ đề ra những giải pháp gì, thưa ông?

Năm 2021dự báo còn khó khăn hơn năm 2020. Thông thường, theo quy luật, năm nay tăng trưởng cao rồi sang năm rất dễ tăng trưởng chậm lại.

Muốn nông nghiệp Bắc Giang phát triển bền vững, phải đồng hành và đồng bộ ở tất cả các lĩnh vực, không tập trung quá ở một lĩnh vực nào. Nghĩa là ở tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, từng cây, từng con đều phải có kế hoạch cụ thể, để làm sao từng cây, từng con phải có tăng trưởng.

Bây giờ, không chỉ chú trọng vào một loại sản phẩm, tất cả các lĩnh vực phải phải tăng trưởng cân bằng mới phát triển bền vững được.

Đầu tiên, phải có kế hoạch chi tiết cho từng ngành hàng, từng sản phẩm tạo ra tăng trưởng chung. Thứ hai, không còn băn khoăn gì về ứng dụng khoa học công nghệ, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt là nông sản an toàn theo hướng VietGAP,  GlobalGAP, hữu cơ vì hiện nay dư địa còn rất lớn.

Thứ ba, về tổ chức sản xuất, vẫn phải theo chuỗi liên kết. Bắc Giang vừa trình chính sách để phát triển chuỗi liên kết, rõ ràng sản xuất đơn lẻ ngày càng kém hiệu quả, phải liên kết lại bằng cách tổ chức sản xuất với HTX, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, gắn kết các mắt xích, các khâu thành chuỗi.

Thứ tư, Chương trình OCOP  phải đẩy mạnh để khai thác hiệu quả tiềm năng. Hiện, 95 sản phẩm là nhiều, nhưng Bắc Giang có mấy trăm xã, cứ mỗi làng, mỗi xã một sản phẩm. Tóm lại, phải khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế đưa vào OCOP, nâng hạng, nâng sao. Khi làm tốt rồi, đặc biệt vẫn phải tiếp tục làm công tác xúc tiến, cùng với đó làm sao bao bì, mẫu mã, tem nhãn phải bắt mắt để thu hút người tiêu dùng.

Trân trọng cảm ơn ông đã tham gia cuộc trao đổi!

                                                                                                                            Nguồn: KTNT