Nghề 'thổi' trâu ngoại cho da căng, béo múp
17/09/20 10:52AM
Chủ tịch xã Thổ Bình bảo trâu ngoại có khung xương to nên chỉ cần 'thổi' trong 3 tháng đã béo, lãi khá. Anh Lâm là người mở nghề làm giàu cho dân cả vùng.
Khung dáng to lớn của trâu ngoại. Ảnh: Thúy Vi.

Khung dáng to lớn của trâu ngoại. Ảnh: Thúy Vi.

Lớn nhanh như thổi…

Đứng bên cạnh giống trâu bản địa mới thấy những con trâu ngoại nhìn trội hẳn lên với khung dáng to lớn, mình mẩy căng tròn, nổi bật hơn cả là cặp sừng cong dài và sần sùi.

Lý giải về điều khác biệt này, anh anh Đặng Văn Lâm (thôn Nà Cọn, xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) bảo: “Nhận dạng giống trâu này dễ nhất là sừng dài và xù xì hơn trâu ta bởi chúng ở rừng nhiệt đới, có nhiều ký sinh trùng bám vào sừng gây nên những đường hõm sâu dài.”

Trong số hơn 30 con trâu đang được vỗ béo của nhà anh Lâm có 5 con là giống trâu ngoại nhập từ Lào và Thái Lan, đó là chưa kể đến hồi đầu tháng 7 năm nay, gia đình vừa xuất đi 3 con trâu ngoại, to nhất nặng tới 8,5 tạ.

Trái ngược với hình dáng khổng lồ bên ngoài, tính cách của trâu ngoại lại hiền lành, không phá phách, không lạ người. Có lần trâu ngoại đứt mũi xổng khỏi chuồng nhưng không đi đâu xa, chỉ quanh quẩn trong vườn, khác hẳn với trâu ta thường khá hung hăng. Chi phí xây dựng chuồng trại nuôi trâu ngoại vì thế khá đơn giản và không cần đầu tư quá nhiều.

Toàn bộ số trâu ngoại vỗ béo này đều là trâu đực. Nhờ khung xương to vượt trội chúng tăng trọng nhanh hơn hẳn giống trâu địa phương. Một con trâu nhập nếu lựa chọn được giống tốt, kết hợp áp dụng các phương pháp vỗ béo hợp lý thì mỗi ngày có thể tăng trọng từ 1 - 2kg, quả không ngoa là “lớn nhanh như thổi”.

Năm 2018, anh Lâm nhận lứa trâu ngoại đầu tiên từ Myanmar. Khi nhập vào cân nặng khoảng 4,5 - 5 tạ/con và sau 3 tháng xuất chuồng với trọng lượng đạt 5,5 - 7 tạ/con. Trung bình mỗi tháng trâu tăng từ 35 - 65 kg/con. Với giá bán ổn định 70.000 đồng/kg trâu hơi, tổng thu nhập từ mỗi con trâu sau 3 tháng dao động từ 7 - 14 triệu đồng.

Là hộ nuôi trâu ngoại đầu tiên trên địa bàn xã Thổ Bình, anh cũng phải lo lắng nhiều hơn, gần như ở với trâu cả ngày để theo dõi, chăm sóc cẩn thận. Đến khi xuất chuồng trâu nặng hơn hàng chục kg so với ban đầu, cả gia đình không ai không khỏi bất ngờ, vui sướng.

Đã thế, trong quá trình nuôi, các thương lái đến mua trâu nhà anh Lâm đều “soi” chúng rất kỹ, ngỏ ý muốn mua vì sẽ rất hời khi mổ thịt. Nhiều người trả giá cao nhưng anh không bán vì đã ký cam kết với công ty đối tác ngay từ đầu.

Anh Lâm bên con trâu ngoại mới nhập. Ảnh: Thúy Vi.

Anh Lâm bên con trâu ngoại mới nhập. Ảnh: Thúy Vi.

Giản dị nết ăn

Theo tìm hiểu, mô hình nuôi trâu vỗ béo của anh Đặng Văn Lâm còn có sự kết hợp với vợ chồng em trai là anh Đặng Văn Huy từ 4 năm trước. Gia đình được hỗ trợ nguồn vốn vay 400 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và mở rộng quy mô diện tích chuồng hơn 1.000 m2. Trung bình mỗi năm các anh xuất bán 5 - 6 lứa, tổng thu đạt trên 1 tỷ đồng.

Tuyên Quang nổi tiếng về giống “trâu ngố” to lớn nhưng do không được quan tâm, giữ giống nên ngày càng cạn kiệt, nhỏ đi.

Kể về lý do nuôi trâu ngoại, anh Đặng Văn Lâm chia sẻ: Qua các thông tin trên báo đài, tôi biết tới giống trâu ngoại có thân hình to lớn, vỗ béo nhanh và giá bán lại tốt nên đã tìm đầu mối. Năm 2018, tôi ký hợp đồng liên kết Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Thành (Yên Sơn). Hợp tác xã này cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm, giá mua vào và bán ra được thống nhất là 70.000 đồng/kg.

Cận cảnh sừng trâu ngoại. Ảnh: Thúy Vi.

Cận cảnh sừng trâu ngoại. Ảnh: Thúy Vi.

Sỡ dĩ trâu ngoại có thể đạt được trọng lượng nặng như vậy là do bộ khung xương to lớn, sức đề kháng tốt, chịu đựng được điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Trong suốt quá trình nuôi, anh Lâm chỉ tiêm phòng đầu vào và hầu như không có dịch bệnh gì khác.

Mỗi con trọng lượng khác nhau nên phải nuôi tách riêng để cho ăn theo đúng chế độ. Thức ăn nuôi trâu ngoại cũng không có nhiều khác biệt nhưng chúng ăn khỏe hơn gấp rưỡi so với giống bản địa. Lúc mới nhập vào cho ăn vừa phải và tăng dần theo thời gian để xuất chuồng đạt cân nặng.

Gia đình anh đã tận dụng hết diện tích đất cho trâu trong đó 1ha để trồng cỏ voi quanh năm, 1ha dành để trồng 2 vụ lúa và 1 vụ ngô. Để chúng phát triển tốt ngoài nguồn cây cỏ tươi, anh Lâm còn tìm cách đa dạng thêm nguồn thức ăn.

Tôi ngó quanh nhà anh Lâm, có nhiều bao ủ lớn, thơm mùi như men rượu. Anh Lâm giải thích đó là bao ủ chua thức ăn từ các loại cây xanh như cỏ, ngô, mía với một lượng muối vừa phải, đặc biệt sử dụng ngô nguyên bắp để ủ.

Nguồn thức ăn này có thể dự trữ quanh năm và sử dụng vào những ngày mưa gió, cung cấp nhiều năng lượng cho trâu giúp chúng ăn nhiều hơn và béo nhanh hơn mà không cần sử dụng đến thức ăn công nghiệp hay hoóc môn tăng trưởng.

Trâu ngoại có tính cách rất hiền. Ảnh: Thúy Vi.

Trâu ngoại có tính cách rất hiền. Ảnh: Thúy Vi.

Ước mơ làm lớn

“Đầu xuôi đuôi lọt”, anh Lâm mạnh dạn tiếp tục nhập các lứa trâu tiếp theo để nuôi. Tính ra, mỗi năm trung bình có thể “thổi” tới 4 - 5 lứa trâu ngoại vì có những con 2 tháng đã có thể xuất chuồng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay anh chỉ mới nuôi đến lứa thứ 3 do nguồn giống hạn chế, chưa đảm bảo, đồng đều.

“Giống trâu ngoại muốn nuôi nhanh lớn, việc kiểm định đầu vào phải thực hiện kỹ lưỡng. Để đạt trọng lượng tối đa, trâu không được ủ bệnh, khỏe mạnh và ăn tốt. Hiện tôi đang cố gắng tìm kiếm thêm các đầu mối khác để nhập thêm”, anh Đặng Văn Lâm chia sẻ.

Anh và một số hộ dân khác đang làm thủ tục thành lập Hợp tác xã để liên kết, hỗ trợ và mở rộng đất chăn nuôi trâu vỗ béo. Diện tích dự kiến khoảng 1ha với số vốn 3 tỷ đồng. Trang trại sẽ duy trì nuôi cả trâu ngoại và trâu bản địa. Từ đó, cung ứng giống tốt hơn cho 30 hộ dân khác trên địa bàn xã chăn nuôi vỗ béo.

Với quy mô như thế không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giải quyết được trăn trở bấy lâu nay của anh về việc xử lý chất thải bằng việc nuôi giun quế làm thức ăn cho cá, gia cầm. Dù đã có vốn nhưng hiện gia đình anh đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đất để mở rộng quy mô bởi Thổ Bình là địa phương có diện tích rừng lớn nên đất nông nghiệp khá hạn hẹp.

Anh Lâm cho trâu ăn. Ảnh: Thúy Vi.Anh Lâm cho trâu ăn. Ảnh: Thúy Vi.

Ông Vi Văn Sự - Chủ tịch UBND xã Thổ Bình bảo với tôi rằng mô hình nuôi trâu ngoại, được công ty cung ứng giống, bao tiêu sản phẩm sẽ giúp người dân bớt đi nỗi lo rớt giá. Mô hình này sắp tới sẽ tiếp tục được nhân rộng hơn nữa bởi nó tận dụng không bỏ sót bất kỳ thứ chính phẩm, phụ phẩm gì ở trên đồng, tạo nên một vòng tròn kinh tế khép kín, hoàn hảo. Các loại cây cỏ, ngô, rau màu vụ đông đều được sử dụng để ủ thức ăn, phân trâu có thể mua bán cho người dân bón ruộng, nuôi giun quế… Để giải quyết vấn đề xã chỉ có 5% đất đai để sử dụng cho nông nghiệp thì mở rộng bằng cách liên kết, rủ các hộ có nhiều đất đai tham gia, nhập cuộc.