Người dân xứ Nghệ biến đồi trọc thành đồi chè trăm triệu
16/08/18 09:13AM
Sau hơn 17 năm, cây chè đã giúp người dân xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An thoát nghèo, giải quyết việc làm cho hàng trăm người.
    

Xã Hùng Sơn nằm ở tả ngạn sông Lam, là xã nghèo của huyện Anh Sơn. Ông Võ Văn Hiền - Chủ tịch xã cho biết, xã có diện tích đồi lớn, trước đây bỏ hoang nhiều, bà con sống chủ yếu nhờ vào nương, rẫy, trồng mỳ (sắn), nhiều giai đoạn giáp hạt đều thiếu đói.

Trăn trở tìm cách thoát nghèo cho người dân, lãnh đạo địa phương thử đưa nhiều cây ăn quả về làm kinh tế. Tuy nhiên, tính chất đất ở vùng này không hợp, lại chịu ảnh hưởng bởi gió Lào, nắng nóng nhiều. Cây cam đưa về trồng cho ít quả lại xốp, không ngọt. Cây vải thiều, nhãn Hưng Yên cũng được trồng thử nhưng quả ít, nhãn trơ cùi, vải chua. Năm 1999, cây tiêu được tiếp tục đưa về thử nghiệm, nhưng một gốc tiêu chỉ được khoảng 5-6 lạng hạt, sản lượng quá ít.

polyad

Màu xanh cây chè phủ lên những ngọn đồi trọc trước đây. Ảnh: Bizmedia.

Năm 2001, cán bộ xã đưa cây chè về trồng tại đây. Ban đầu, xã tổ chức đưa trên 120 hộ đi thăm Tổng đội Thanh niên xung phong trồng chè ngay trên địa bàn tỉnh để học cách trồng, xem mô hình. Sau đó, có 3 hộ trồng thử, 7 Đảng viên trong xã cũng trồng chè để làm gương. Xã tiếp tục đưa các hộ trồng đi thăm mô hình chè ở Phú Thọ, Thái Nguyên để học hỏi kinh nghiệm.

"Mảnh đất này vốn chịu ảnh hưởng bởi gió Lào, nắng nóng nhiều. Có những năm nắng liên tục 1-2 tháng, khô hạn, nhưng cây chè vẫn trụ được" ông Hiền cho biết.

Xã làm việc với Công ty Chè Nghệ An trên địa bàn để công ty thu mua cho bà con với giá hai cân chè búp bằng một cân lúa. Nhờ công ty thu mua ổn định, có đầu ra nên bà con tin tưởng trồng chè nhiều hơn. Năm 2002, xã có thêm 60 hộ trồng chè.

Sau hơn 10 năm, cây chè vẫn trụ vững tại mảnh đất cằn cỗi này, thậm chí giúp thay đổi đời sống người dân, giải quyết việc làm, giúp các gia đình nuôi con em trong xã ăn học đầy đủ. Tháng 11/2015, xã được công nhận nông thôn mới, 100% các hộ có phương tiện nghe nhìn. Màu xanh của cây chè phủ lên gần 500ha đồi núi trọc mà nhiều loại cây trồng trước không lên nổi.

polyad

Ông Hiền cho biết, chỉ có cây chè sống được qua nhiều tháng nắng hạn tại Hùng Sơn. Ảnh: Bizmedia.

Anh Võ Văn Sáng, người trồng chè xóm 5, xã Hùng Sơn cho biết, năm 2001, bên Ủy ban có chương trình đưa cây chè về, gia đình anh là một trong 3 hộ đầu tiên trồng thí điểm. Thời điểm đầu trồng kỹ thuật chưa hiểu, kinh tế gia đình vẫn còn khó khăn. Dần dần, chè được thu mua, có đầu ra, nhờ 4,5ha chè, đời sống gia đình anh đã khấm khá hơn.

Những năm trước, người dân thu hái chè bằng máy, nhưng máy móc khiến búp chè bị dập, ảnh hưởng đến chất lượng. Bên cạnh đó, một số hộ lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật để búp lên nhanh nên bị nhà máy từ chối thu mua, khiến đầu ra của chè bị ảnh hưởng. 

Nắm bắt được điều đó, xã chủ trương chuyển đổi sang canh tác chè theo tiêu chuẩn VietGap. Năm 2016, gia đình anh Sáng lại tiên phong chuyển đổi sang mô hình sản xuất chè sạch VietGap. Anh được hướng dẫn dùng phân hữu cơ, hái bằng tay, dùng các phương pháp phòng trừ sâu, rầy trên cây chè tự nhiên.

Năm đó, gia đình anh cũng mạnh dạn đầu tư 400 triệu đồng mua hệ thống máy sao chè, đóng gói chè, cho ra thương hiệu chè sạch Minh Sáng và dòng chè hộp, chè hút chân không, chè rời. Thu nhập lúc này cao hơn 5-6 lần so với trồng chè thường trước kia.

polyad

Sản phẩm chè VietGAP Minh Sáng của xã Hùng Sơn. Ảnh: Bizmedia.

Hiện, cả xã Hùng Sơn có khoảng 700 hộ trồng chè trong tổng số 900 hộ. Diện tích trồng toàn xã lên đến gần 500ha. Trong đó, 130ha đã được chứng nhận VietGap. Mỗi ha trồng chè cho năng suất trung bình 30-40 tấn mỗi năm. Thời điểm này, giá chè vẫn ở mức 4,6 triệu đồng một tấn chè búp tươi mang lại thu nhập 100-120 triệu đồng một ha mỗi năm cho người trồng.

Chủ tịch xã cho biết, để nâng cao chất lượng và thương hiệu chè địa phương, người trồng cân tuân thủ quy trình trồng sạch, theo tiêu chuẩn VietGap, hướng tới xây dựng vùng chè chất lượng cao, xây dựng làng nghề làm chè.

Hương Giang

Theo Vnexpress