Nhiều địa phương hối hả gia tăng sản xuất sau Tết Nguyên đán
02/02/23 03:40PM
Sau Tết Nguyên đán các địa phương đều bắt tay vào gia tăng sản xuất đáp ứng mùa vụ và mở rộng phương thức chăn nuôi, gieo cấy theo hướng trang trại và vùng chuyên canh quy mô lớn.

Sau Tết Nguyên đán, gia đình anh Nguyễn Văn Sâm, xã Tử Du (Lập Thạch) đã nhập hàng nghìn con gà giống để chuẩn bị tái đàn, khôi phục chăn nuôi.

Vĩnh Phúc: Chủ động tái đàn vật nuôi sau Tết Nguyên đán

Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, một lượng lớn gia súc, gia cầm của tỉnh được giết mổ để phục vụ nhu cầu thực phẩm của người tiêu dùng. Hiện tại, nhiều trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh tái đàn theo hướng có kiểm soát, an toàn và chất lượng nhằm khôi phục sản xuất, bảo đảm nguồn cung cho thị trường sau Tết.

Đến gia đình anh Nguyễn Văn Sâm, xã Tử Du (Lập Thạch), chúng tôi thấy khu vực chăn nuôi của gia đình anh đã được vệ sinh sạch sẽ, khử trùng cẩn thận. Anh Sâm cho biết: "Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, gia đình đã xuất bán hơn 50% tổng đàn gà. Với giá bán từ 55 - 60 nghìn đồng/kg, gia đình thu lãi hơn 100 triệu đồng.

Ngay sau khi xuất bán, tôi đã tiến hành loại bỏ chất thải, rắc vôi bột và phun khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường xung quanh bằng chế phẩm Cloramin B. Sau đó, sẽ phơi chuồng khoảng 20 ngày rồi mới tái đàn trở lại.

Đối với gà giống, gia đình đã đặt mua ở lò ấp có uy tín, với số lượng khoảng 2.000 con. Tuy nhiên, hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi vẫn đang ở mức cao nên gia đình sẽ không tăng đàn ồ ạt mà nắm bắt thời điểm để phát triển chăn nuôi hợp lý".

Gia đình anh Lưu Văn Tranh, xã Minh Quang (Tam Đảo) là một trong những hộ có nhiều năm kinh nghiệm chăn nuôi lợn. Để phục vụ nhu cầu thị trường Tết Nguyên đán vừa qua, gia đình anh đã xuất bán hơn 100 con lợn thương phẩm. Mặc dù giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao, song, lợn bán được giá, gia đình anh vẫn thu lãi gần 100 triệu đồng. Ngay sau khi xuất bán, anh Tranh đã lên kế hoạch và chuẩn bị cho việc tái đàn, ổn định quy mô chăn nuôi sau Tết.

Anh Tranh cho biết: Những tháng đầu năm, thời tiết giao mùa, nhiệt độ thay đổi thất thường, đàn gia súc, gia cầm bị giảm sức đề kháng nên rất dễ phát sinh dịch bệnh. Vì vậy, bên cạnh việc tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh; vệ sinh, khử trùng chuồng trại chăn nuôi; lựa chọn con giống đảm bảo chất lượng, tôi còn chú trọng nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi, cung cấp thức ăn, nước uống sạch, bổ sung vitamin, khoáng chất và sử dụng bóng đèn để sưởi ấm cho đàn vật nuôi.

Để hỗ trợ các hộ chăn nuôi tái đàn đạt hiệu quả cao, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; xây dựng kế hoạch triển khai Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi; chuẩn bị đầy đủ vắc xin, hóa chất, vật tư phục vụ công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm năm 2023.

Đồng thời, định hướng mở rộng phương thức chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại quy mô lớn; ứng dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường; tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong sản xuất nông nghiệp để phối trộn làm thức ăn, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả trong chăn nuôi.

Sở yêu cầu các địa phương tích cực rà soát, thống kê số lượng, đánh giá cơ cấu đàn gia súc, gia cầm để làm cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi phù hợp, tránh tái đàn tự phát, ồ ạt, không theo định hướng, không sát với nhu cầu thị trường. Tích cực hướng dẫn người dân áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh sau khi xuất bán gia súc, gia cầm.

Trong trường hợp nhập giống gia súc, gia cầm từ ngoài tỉnh, cần kiểm tra kỹ nguồn gốc xuất xứ, không nhập con giống không rõ nguồn gốc hay con giống ở vùng có dịch để tránh thiệt hại và ảnh hưởng tới an toàn dịch bệnh trên địa bàn. Cung cấp thức ăn, nước uống sạch sẽ, khẩu phần ăn bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng.

Vào những thời điểm thời tiết thay đổi đột ngột cần bổ sung vitamin, men tiêu hóa... để nâng cao sức đề kháng cho gia súc, gia cầm. Đối với gia súc, gia cầm còn nhỏ cần chú ý thắp thêm bóng hồng ngoại; bổ sung thêm chất độn chuồng như trấu, mùn cưa, rơm rạ để giữ ấm.

Hà Nội: Tập trung gieo cấy vụ lúa xuân

Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội cho biết, cuối tháng 1, bốn doanh nghiệp thủy lợi thành phố vận hành 154 trạm bơm với 325 tổ máy, tổng lưu lượng 474.000m3/h; tăng 50 trạm bơm và 73 tổ máy so với ngày 27-1. Tính đến 7h ngày 28-1, các doanh nghiệp thủy lợi thành phố đã cấp đủ nước cho 35.147ha, đạt 43,33% tổng diện tích gieo cấy lúa vụ xuân. Huyện có tỷ lệ cao diện tích được cấp đủ nước, gồm: Ứng Hòa với 83,58%, Phú Xuyên 82,76%, Thường Tín 69,36%, Mỹ Đức 66,63%...

Tranh thủ thời tiết thuận lợi sau Tết Nguyên đán, nông dân Thủ đô gieo cấy được gần 2.000ha lúa xuân.

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân Thủ đô xuống đồng lấy nước, làm đất được 21.636ha, gieo cấy được 1.927ha lúa xuân. Địa phương có nhiều diện tích đã gieo cấy, gồm: Huyện Ứng Hòa với 673ha, huyện Ba Vì 525ha, thị xã Sơn Tây 334,98ha...

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT và thành phố Hà Nội, ngày 28-1, các doanh nghiệp thủy lợi thành phố tập trung sửa chữa hư hỏng, vận hành thử công trình, sẵn sàng tiếp nguồn nước điều tiết hồ thủy điện đợt 2, bắt đầu từ 0h ngày 1 đến 24h ngày 8/2 tới đây.

Thanh Hóa: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo bản đồ nông hóa

Ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thiện bản đồ nông hóa giai đoạn 1 cho 9 huyện với tổng diện tích được xác lập 102.814ha đất nông nghiệp. Với hơn 8 tháng tiến hành điều tra, khảo sát và phân tích chất đất, thổ nhưỡng của các chuyên gia đến từ các cơ quan Trung ương là Viện Môi trường nông nghiệp và Viện Thổ nhưỡng nông hóa, hồ sơ về kết quả phân tích từng cánh đồng đã xác lập, đưa lên mạng Internet có tên miền riêng để các địa phương và người dân có thể tra cứu. Nhiều diện tích còn thiếu những chất dinh dưỡng vi lượng cụ thể cũng được thông báo để nông dân và chính quyền địa phương có kế hoạch dùng phân bón bổ sung một cách khoa học nhất.

Mô hình trồng nho theo hướng công nghệ cao tại xã Xuân Du, Như Thanh. (Ảnh: Lê Đồng)

Theo đó, 166 xã đã được khuyến khích và định hướng trồng những nhóm cây trồng phù hợp. Từ đó, các phương án về chuyển đổi cơ cấu cây trồng được đề xuất cho từng địa phương. Nhiều giải pháp khoa học để nâng cao độ phì nhiêu của những vùng đất nông nghiệp cụ thể cũng được đưa ra...

Kết quả phân tích nông hóa thổ nhưỡng tuy mới hoàn thành giai đoạn 1, chưa đầy đủ diện tích đất nông nghiệp của tỉnh, nhưng đã được coi là bước ngoặt cho phát triển ngành trồng trọt hiện đại. Từng nhóm cây trồng trên từng cánh đồng sẽ được khuyến cáo trồng để thích hợp nhất với chất đất ở địa phương, tạo sự phát triển tốt nhất.

Từ các cơ sở khoa học được xác lập, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã có những định hướng bước đầu để hình thành các vùng chuyên canh cây trồng trong thời gian tới. Trên cơ sở tổng hợp đến cấp huyện, cây lúa vẫn được ưu tiên đầu tiên ở khắp các địa phương với tổng diện tích định hướng cho 9 huyện là gần 37.300 ha. Trong đó, diện tích lúa lớn nhất là huyện Yên Định hơn 9.675ha, huyện Thạch Thành hơn 5.932ha, huyện Hà Trung gần 5.100 ha, huyện Cẩm Thủy hơn 4.600ha. Các huyện miền núi khác như Như Thanh, Như Xuân, Thường Xuân, Bá Thước tuy không nhiều diện tích đất trồng trọt nhưng cũng được định hướng ưu tiên phát triển từ hơn 2.200 đến gần 2.700 ha lúa ở mỗi địa phương, riêng huyện Lang Chánh được định hướng phát triển diện tích lúa ít nhất với hơn 1.700 ha.

Theo các kết quả phân tích để phát triển cây trồng tối ưu, Thạch Thành sẽ là “thủ phủ” cây ăn quả xứ Thanh với diện tích được định hướng phát triển thành vùng chuyên canh cây có múi như bưởi, cam, quýt lên đến hơn 1.150ha. Các loại cây ăn quả khác như dứa, xoài, ổi, nhãn, vải, na, chuối, thanh long... cũng được định hướng phát triển tại huyện miền núi thấp này hơn 1.863 ha. Vùng bán sơn địa Hà Trung được định hướng thành những vùng chuyên canh dứa gai tập trung và lớn nhất tỉnh với tổng diện tích phù hợp lên gần 1.000 ha. Cây dược liệu với nhiều tiềm năng cũng được đề xuất bố trí vào cơ cấu cây trồng nhiều huyện miền núi, trong đó huyện Lang Chánh gần 130 ha, huyện Bá Thước hơn 100 ha; các huyện Thạch Thành, Hà Trung, Thường Xuân đều có hàng chục ha phù hợp với canh tác cây dược liệu được khuyến cáo phát triển. Một cây trồng mới nhưng được định hướng phát triển trên địa bàn cả 9 huyện vùng xác lập bản đồ nông hóa lần này là gai xanh, nhiều nhất là huyện Như Xuân với khoảng 1.130 ha, tiếp đến là các huyện: Cẩm Thủy hơn 1.000 ha, Bá Thước hơn 500 ha, Lang Chánh gần 450 ha, Thường Xuân hơn 410 ha...

Tại huyện miền núi Cẩm Thủy với gần 13.700ha đất nông nghiệp, cây ăn quả có múi được định hướng phát triển tại nhiều vị trí thuộc các xã Cẩm Châu, Cẩm Liên, Cẩm Long, Cẩm Lương, Cẩm phú, Cẩm Ngọc, Cẩm Quý và thị trấn Phong Sơn. Cây ngô sẽ phát triển tối ưu trên nhiều khu đồng, bãi của thị trấn Phong Sơn và nhiều xã: Cẩm Phú, Cẩm Quý, Cẩm Lương, Cẩm Giang, Cẩm Bình... Cây lúa, cây gai xanh, cây mía vẫn có sự phù hợp tối ưu ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Hàng chục nhóm cây trồng cụ thể khác cũng được “định danh” trên từng khu đồng, gò bãi, làm cơ sở quan trọng để huyện và các xã có hướng lựa chọn cây trồng phù hợp nhất, góp phần thành công trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các vùng thâm canh trong trồng trọt...

Với hơn 6.000 mẫu đất được lấy trên các cánh đồng của 9 huyện để phân tích, đưa ra kết quả các chỉ số chất vi lượng, từ đó xác định được những loại phân bón cần tăng cường hay hạn chế để cân đối dinh dưỡng. Dự án xây dựng bản đồ nông hóa phục vụ thâm canh cây trồng đã giải quyết được một vấn đề mà trước đây ngành nông nghiệp tỉnh nhà chưa làm được là xác lập được bản đồ thích hợp của đất đai với từng nhóm cây trồng. Không những chi tiết đến từng xã, từng cánh đồng, mà các thông tin có tính khoa học này còn được bản đồ hóa, số hóa trên không gian mạng để dễ dàng tra cứu./.

 

                                                                                                    Theo: KTNT