Nhờ trồng cây dược liệu quý, buôn làng K’Ho đổi đời
13/01/22 03:55PM
Hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Lạc Dương, Lâm Đồng được hỗ trợ vốn, kỹ thuật để khởi nghiệp trồng Atiso cùng một số loại cây khác. Sản phẩm làm ra được các doanh nghiệp liên kết bao tiêu nên thu nhập của nhiều hộ người K’Ho tăng cao.
Hoa Atiso
Hoa Atiso

Ngày 23/12, Hội Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng cho biết, thực hiện Đề án 939 của Chính phủ về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, Hội và UBND huyện Lạc Dương đã hỗ trợ kinh phí xây dựng 2 tổ hợp tác liên kết trồng Atiso ở các xã Đạ Sar, Đạ Nhim và Đạ Chais.

Buôn làng K’Ho đổi đời nhờ trồng cây dược liệu quý ảnh 1

Hoa Atiso

Ban đầu, 56 hộ được hỗ trợ khởi nghiệp trồng Atiso trên diện tích 5,2ha, sau đó nhân rộng ra 98 hộ với diện tích 8,2ha. Hội phụ nữ huyện đã chủ động tiếp cận các nguồn vốn đầu tư hỗ trợ của nhà nước để hỗ trợ chị em đầu tư sản xuất, đặc biệt đã hỗ trợ 56 hội viên khởi nghiệp trồng atiso với số vốn 480 triệu đồng.

Công ty TNHH Vĩnh Tiến và Công ty CP Dược liệu Ladopharm liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các tổ hợp tác này nên đầu ra của sản phẩm được đảm bảo. Giá Atiso được điều chỉnh theo giá thị trường, thanh toán sòng phẳng nên bà con yên tâm trồng trọt.

Buôn làng K’Ho đổi đời nhờ trồng cây dược liệu quý ảnh 2
Bông Atiso chẻ nhỏ, sấy khô để chế biến trà hoặc nấu nước uống

Nhiều hộ khác được các tổ chức hội và địa phương khuyến khích, hỗ trợ tham gia các chuỗi liên kết trồng mới mắc ca hoặc trồng xen mắc ca trong vườn cà phê và vườn tạp; chuyển đổi diện tích cà phê già cỗi năng suất thấp sang trồng rau, hoa…

Theo ông Cil Póh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, đây là huyện miền núi với tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 70%, do đó vẫn còn nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn. Trước đây, người dân sản xuất theo tập quán canh tác cũ, manh mún, phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết nên năng suất thấp.

Trong khi đó Lạc Dương là địa phương liền kề với TP Đà Lạt với điều kiện đất đai, khí hậu, nguồn nước thích hợp cho việc phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như trồng rau, hoa và cây dược liệu.

Buôn làng K’Ho đổi đời nhờ trồng cây dược liệu quý ảnh 3

Atiso nở hoa rất đẹp nên có thể dùng để trang trí

Vì Atiso là loại dược liệu khó trồng nên Phòng nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn, hội thảo, hướng dẫn các hộ về kỹ thuật làm đất, trồng và chăm sóc cây. “Các nhân viên kỹ thuật của công ty đến tận nơi hướng dẫn bà con cách bón phân, chăm sóc, thu hoạch Atiso nên vườn nhà nào cũng xanh tốt, lá nhiều, bông to”, chị Cil Mup K’Nga phấn khởi nói.

Buôn làng K’Ho đổi đời nhờ trồng cây dược liệu quý ảnh 4

Chăm sóc vườn Atiso

Sau 4 tháng gieo trồng và chăm sóc, Atisô đã bắt đầu cho thu hoạch lá, trong vòng 1 năm cho thu hoạch hoa, thân cây, mang lại nguồn thu nhập đều đặn, ổn định cho các hộ gia đình. Nhờ vậy, nhiều hộ thoát nghèo bền vững.

Buôn làng K’Ho đổi đời nhờ trồng cây dược liệu quý ảnh 5

Lá Atiso dùng để chế biến trà

Bên cạnh giống Atiso xanh được trồng phổ biến hàng chục năm qua, các nhà khoa học còn nhập ngoại cây giống và nội địa hóa Atiso tím, vốn được xem là một loại thực phẩm truyền thống của ẩm thực Ý. Bông Atiso tím mềm hơn atiso xanh.

Buôn làng K’Ho đổi đời nhờ trồng cây dược liệu quý ảnh 6

Nhân giống thành công Atiso tím tại Lâm Đồng

Buôn làng K’Ho đổi đời nhờ trồng cây dược liệu quý ảnh 7

Atiso được dùng để chế biến món ăn đặc sản

Không chỉ được dùng để trang trí, chế biến các món ăn, Atiso còn là nguyên liệu để sản xuất trà và thuốc vì chứa các chất có khả năng chống oxy hoá cao. Atiso có tác dụng trong việc bảo vệ sức khỏe, giải nhiệt cho cơ thể, giải độc gan…

Theo:TPO