Những đặc sản trên đất Khánh Hòa
12/12/18 03:18PM
Khánh Hòa là tỉnh có nhiều đặc sản nổi tiếng: 'Khánh Hòa là xứ Trầm Hương/Non cao biển rộng người thương đi về/Yến sào thơm ngọt tình quê/Sông sâu đá tạc lời thề nước non'...
Sầu riêng Khánh Sơn - một đặc sản của Khánh Hòa /// Ảnh: Phan Lê
Sầu riêng Khánh Sơn - một đặc sản của Khánh Hòa
ẢNH: PHAN LÊ
Hay “Yến sào hòn Nội/Vịt lội Ninh Hòa/Tôm hùm Bình Ba/Nai khô Diên Khánh/Cá tràu Võ Cạnh/Sò huyết Thủy Triều...”.
Khánh Hòa không chỉ có thế. Vị trí địa lý đặc thù đã tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương này phát triển sản xuất hàng hóa, trong đó có nông, lâm, thủy sản. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 29 sản phẩm chủ lực; trong đó nhóm thực phẩm có 21 sản phẩm, nhóm đồ uống có 3 sản phẩm, nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí có 5 sản phẩm. Bên cạnh những sản phẩm nổi tiếng từ lâu như yến sào, trầm hương… thì thời gian gần đây nhiều sản phẩm khác tiếp tục tạo nên “thương hiệu”, vượt qua ranh giới Khánh Hòa. Trong đó không thể không kể đến các loại nông sản đậm đặc trưng vùng miền như: xoài Cam Lâm, sầu riêng Khánh Sơn, bưởi da xanh Khánh Vĩnh, dừa xiêm ở Ninh Đa, chuối Khánh Sơn, tỏi Ninh Hòa và Vạn Ninh…
Theo thống kê của các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa, diện tích xoài trên toàn tỉnh là 7.140 ha, riêng ở H.Cam Lâm là hơn 4.000 ha; năng suất trung bình 7 tấn/ha, sản lượng đạt khoảng 49.000 tấn. Một ưu thế của xoài Khánh Hòa là thổ nhưỡng rất thích hợp để phát triển giống xoài Úc - loại xoài chất lượng ngon, màu sắc đẹp, vỏ cứng, hạt nhỏ, khả năng bảo quản dài ngày. Hiện, sản phẩm xoài Úc trồng ở Cam Lâm không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu đi Úc, Singapore, Nhật Bản, châu Âu… Một loại cây ăn quả đem lại hiệu quả kinh tế cao khác là sầu riêng, với tổng diện tích 600 ha, được trồng chủ yếu tại huyện miền núi Khánh Sơn. Tổng sản lượng sản xuất lên đến 7.369 tấn. Hiện, Sở KH-CN đã xây dựng thương hiệu loại hình nhãn hiệu chứng nhận đối với sầu riêng Khánh Sơn. Trong khi đó, cây bưởi da xanh đang được trồng tập trung tại H.Khánh Vĩnh, với 465 ha, năng suất bình quân 43 tạ/ha. Bưởi da xanh Khánh Vĩnh đã được chứng nhận VietGAP và đang được cơ quan chức năng tỉnh hỗ trợ thực hiện dự án xây dựng và quản lý nhãn hiệu “Bưởi da xanh Khánh Vĩnh”. Đối với cây dừa xiêm, toàn tỉnh có 472 ha, tập trung nhiều tại TX.Ninh Hòa và H.Vạn Ninh. Đáng chú ý, sản phẩm dừa xiêm của P.Ninh Đa (TX.Ninh Hòa) đã được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thương hiệu “Dừa xiêm Ninh Đa”…
Nhằm phát huy giá trị của các sản phẩm đặc thù, cuối tháng 10 vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã quyết định ban hành kế hoạch thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020. Trọng tâm của chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các tổ chức kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân thực hiện. Cơ quan nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện, hỗ trợ các khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm… Một trong những mục tiêu của chương trình là tạo ra 26 sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế so sánh của địa phương, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng tại chỗ và xuất khẩu. Bên cạnh đó, phát triển các hình thức sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn... Tổng kinh phí thực hiện là hơn 476 tỉ đồng; nguồn vốn chủ yếu là nguồn xã hội hóa, vốn ngân sách hỗ trợ một phần.
Khánh Hòa có nhiều sản phẩm lợi thế và có khả năng phát triển lớn. Việc được chú trọng đầu tư, được chỉ đạo tổ chức thực hiện cụ thể một cách bài bản, đồng bộ sẽ góp phần tạo chuyển biến căn bản trong phát triển kinh tế nông thôn tại địa phương. Qua đó, tiếp tục phát huy hơn nữa giá trị của các sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân một cách bền vững.
Theo Thanh niên