Phải có mô hình nông nghiệp dừa chuẩn hữu cơ tại Bến Tre
13/04/21 02:38PM
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, Bộ NN-PTNT sẽ xây dựng thí điểm nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ, trong đó có cây dừa tại Bến Tre.

Giá bán luôn cao

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam vừa khảo sát tình hình sản xuất và tiêu thụ dừa hữu cơ tại xã Châu Hoà, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Châu Hoà, Thứ trưởng đã tìm hiểu về kỹ thuật canh tác, vấn đề bao tiêu sản phẩm, tình hình tiêu thụ, thị trường…nhất là quản lý dịch bệnh trong vùng sản xuất hữu cơ của bà con nông dân nơi đây.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam (trái) trao đổi với ông Phạm Quang Đằng (phải) về tình hình sản xuất, tiêu thụ dừa hữu cơ tại HTX Châu Hoà. Ảnh: Minh Đảm.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam (trái) trao đổi với ông Phạm Quang Đằng (phải) về tình hình sản xuất, tiêu thụ dừa hữu cơ tại HTX Châu Hoà. Ảnh: Minh Đảm.

Xã Châu Hoà có diện tích đất nông nghiệp hơn 1.600ha, nhưng đất trồng dừa đã chiếm 1.150ha, trong đó, diện tích cây dừa ta, bà con trồng để bán dừa khô chiếm đến 700ha. Còn lại là dừa xiêm, dừa uống nước.

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp, UBND xã Châu Hoà đã vận động bà con nông dân chuyển đổi sản xuất dừa theo hướng hữu cơ, có liên kết bao tiêu sản phẩm. Bước đầu, diện tích sản xuất dừa theo quy trình hữu cơ của xã Châu Hoà đạt trên 190ha với 175 hộ dân tham gia.

Ông Phạm Quang Đằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị ợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Châu Hoà phấn khởi cho biết: “Hiện nay, HTX đã ký hợp đồng sản xuất dừa hữu cơ với các đơn vị bao tiêu sản phẩm như: Betrimex, Lương Quới. Bước đầu, Công ty Betrimex đã liên kết bao tiêu với HTX trên diện tích 150,8ha, 142 hộ tại 7 ấp trong xã.

Mỗi chục dừa (12 trái) giá thị trường trên trái dừa thường là 72.000 đồng nhưng Công ty Betrimex mua dừa hữu cơ với giá 90.000 đồng, cao hơn từ 10 - 15%, tuỳ thời điểm. Với mức giá hấp dẫn như vậy, sắp tới HTX sẽ vận động thành viên và bà con xung quanh tiến hành nhân rộng mô hình sản xuất dừa hữu cơ có liên kết bao tiêu này”.

Sơ chế dừa tại HTX Châu Hoà. Ảnh: Minh Đảm.

Sơ chế dừa tại HTX Châu Hoà. Ảnh: Minh Đảm.

Định hướng tất yếu

Theo Sở NN-PTNT Bến Tre, sản xuất nông nghiệp hữu cơ được xem là định hướng của ngành nông nghiệp tỉnh. Do đó, lãnh đạo các ngành, các cấp tỉnh Bến Tre luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện các chuỗi giá trị, dần hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung hướng tới xây dựng nền nông nghiệp bền vững. Bên cạnh đó, địa phương cũng có nguồn nguyên liệu hữu cơ dồi dào như phân chuồng, mụn dừa, rơm rạ…Đây là những yếu tố thuận lợi cho sản xuất hữu cơ.

Dừa là cây trồng có diện tích sản xuất hữu cơ chiếm tỷ lệ lớn nhất. Tổng diện tích sản xuất dừa hữu cơ theo tiêu chuẩn của thị trường Mỹ và EU đạt trên 10.500ha. Trong đó, diện tích được chứng nhận đạt gần 5.200ha và diện tích đang chuyển đổi trên 5.300ha. Trên địa bàn tỉnh đã có 9 doanh nghiệp đăng ký liên kết bao tiêu dừa hữu cơ. Một số doanh nghiệp điển hình như Công ty dừa Lương Quới, Betrimex, BEINCO….

Hiện nay, các doanh nghiệp cũng đã chủ động hơn trong công tác phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành chức năng triển khai kế hoạch đến các HTX. Ý thức của người dân trong việc tự nguyện tham gia vào hoạt động liên kết sản xuất được nâng cao là tính bền vững trong liên kết chuỗi. Sau 3 năm chuyển đổi sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, hầu hết các vườn dừa đều cho năng suất tốt, đã giúp cho nông dân trồng dừa an tâm sản xuất.

Sơ chế dừa tươi xuất khẩu tại Công ty Vina T&T. Ảnh: Minh Đảm.

Sơ chế dừa tươi xuất khẩu tại Công ty Vina T&T. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Nguyễn Chánh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bến Tre cho biết: “Năm 2020, diện tích vườn dừa chuyển đổi và đạt chứng nhận hữu cơ tăng nhiều so với năm 2019. Các doanh nghiệp hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, chi phí thực hiện chứng nhận như: sổ ghi chép, tài liệu, kiểm tra giám sát…và chi phí chứng nhận hữu cơ. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn hỗ trợ xây dựng các vườn dừa hữu cơ mẫu để cho các nông dân trong vùng đến tham quan học tập kinh nghiệm”.

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bến Tre đã tổ chức 40 lớp tập huấn kỹ thuật canh tác hữu cơ, kỹ thuật thâm canh dừa uống nước cho gần 1.400 lượt nông dân là thành viên của các HTX, THT trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tổ chức 20 lớp tập huấn thực hành sản xuất phân hữu cơ cho gần 600 nông dân trồng dừa hữu cơ tham dự. Cùng với đó, thực hiện trên 100 cuộc tư vấn chăm sóc dừa sau hạn mặn, trồng dừa hữu cơ,…Trung tâm cũng phối hợp với Chi cục Trồng trọt và BVTV Bến Tre, Phòng NN-PTNT Bình Đại theo dõi hiệu quả phòng trừ sâu đầu đen hại dừa.

Cần chính sách và quy trình chuẩn

Bên cạnh những mặt thuận lợi, sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Bến Tre cũng đang tồn tại nhiều khó khăn, nhất là kiến thức và nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp hữu cơ chưa sâu. Tỉnh cũng chưa có chính sách riêng về phát triển sản xuất hữu cơ nên chưa thật sự thu hút các chủ thể tham gia sản xuất. Thời gian cho việc chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ khá lâu, chi phí đầu tư sản xuất cao do đó nông dân chưa mạnh dạn đầu tư.

Đóng gói dừa tươi xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Ảnh: Minh Đảm.

Đóng gói dừa tươi xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Ảnh: Minh Đảm.

Hiện nay, vấn đề dịch bệnh, nhất là sâu đầu đen hoành hành là nỗi lo lớn nhất đối với các vườn dừa hữu cơ tại Bến Tre. Đến cuối tháng 3/2021, sâu đầu đen đã tấn công trên 160ha vườn dừa ở Bến Tre và có xu hướng lây lan nhanh. Để khống chế hiệu quả sâu đầu đen, vừa phải bảo vệ thành quả diện tích dừa hữu cơ đã được xây dựng là vấn đề cấp bách mà ngành chức năng địa phương đang rất nỗ lực thực hiện.

Để nhân rộng mô hình sản xuất dừa cơ trong thời gian tới, ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bến Tre cho biết: “Thứ nhất là tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để nhận thức về sản xuất hữu cơ được lan toả và được sự ủng hộ trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, cần phải quy hoạch lại địa bàn. Những nơi nào làm hữu cơ thì chú ý tập trung đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm. Vấn đề quan trọng là cần phải liên kết với doanh nghiệp để khai thác thị trường hữu cơ, đưa sản phẩm hữu cơ có chỗ đứng trên thị trường. Từ đó tạo giá trị tăng thêm, thu hút người dân.

Song song đó, cần chú trọng tới công tác chuyển giao kỹ thuật sản xuất hữu cơ. Nhất là công tác tư vấn, xây dựng địa bàn, quy trình chuẩn về hữu cơ phù hợp với những điều kiện có thể áp dụng nhân rộng. Trong giai đoạn đầu, cần có những mô hình liên kết sản xuất hữu cơ một cách hiệu quả để qua đó người dân quan tâm, học tập và làm theo.”

Cũng theo ông Huỳnh Quang Đức, Sở NN-PTNT Bến Tre cũng kiến nghị Bộ NN-PTNT tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức cho cán bộ ngành nông nghiệp về tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam. Trên cơ sở đó, cán bộ đào tạo sẽ thực hiện tuyên truyền sâu, rộng và áp dụng vào thực tiễn. Đồng thời, kiến nghị Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản tìm nhiều thị trường tiêu thụ nông sản hữu cơ và trên nhiều chủng loại của sản phẩm nông nghiệp.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam trao đổi với ngành chức năng và lãnh đạo huyện Giồng Trôm về sản xuất dừa hữu cơ ở Bến Tre. Ảnh: Minh Đảm.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam trao đổi với ngành chức năng và lãnh đạo huyện Giồng Trôm về sản xuất dừa hữu cơ ở Bến Tre. Ảnh: Minh Đảm.

Xây dựng thí điểm mô hình dừa hữu cơ ở Bến Tre

Đến làm việc với ợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Châu Hoà Châu Hoà, Thứ trưởng Trần Thanh Nam và đoàn công tác đã đánh giá cao mô hình trồng hơn 150ha dừa hữu cơ được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm của đơn vị này. Đây là mô hình sản xuất rất hiệu quả, cây dừa cho năng suất, chất lượng cao hơn mô hình sản xuất truyền thống, giá trái dừa hữu cơ cao hơn trái dừa ngoài mô hình từ 10 - 15%. Thứ trưởng cho biết, Bộ NN-PTNT sẽ hỗ trợ tỉnh Bến Tre xây dựng quy trình kỹ thuật, xây dựng mô hình dừa hữu cơ thí điểm theo tiêu chuẩn quốc gia, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để nhân rộng ra các địa phương khác và cả nước.