Phát triển cây mận đỏ góp phần xóa đói giảm nghèo ở huyện vùng cao Hà Giang
21/05/20 01:40PM
Với giá trị kinh tế cao, trong những năm gần đây, cây mận đỏ (người dân thường hay gọi là “mận máu”) đã trở thành nguồn thu nhập chính, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhiều gia đình ở huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang).
Chú thích ảnh
Mận thu hoạch tại xã Chiến Phố, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang). 

Dẫn chúng tôi đến thăm vườn mận của gia đình bà Tải Thị Seo, thôn Suối Thầu, xã Chiến Phố, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang), anh Phạm Hồng Quảng, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoàng Su Phì cho biết, giống cây mận đỏ đã có từ lâu trên địa bàn huyện. Giống mận này chỉ phù hợp với một số vùng thổ nhưỡng nhất định. Do vậy, diện tích chủ yếu ở Hoàng Su Phì.

Gia đình bà Tải Thị Seo có hơn 5 ha cây mận đỏ, trong đó có hơn 2 ha cây đang cho thu hoạch. Từ chăn nuôi cho đến trồng lúa và chè, nguồn thu từ cây mận đỏ đạt giá trị cao nhất. “Cây mận có ở trong vườn từ lâu rồi. Trước kia không có giá trị, nhưng mấy năm gần đây, nó mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình. Nhờ thế, cuộc sống đã bớt khó khăn. Có tiền, chúng tôi tiếp tục đầu tư nhân giống, mở rộng diện tích loại cây quý này” - bà Seo chia sẻ.

Gia đình chị Tải Thị Chúm cũng có gần 4 ha cây mận đỏ, trong đó cây đang cho thu hoạch có khoảng hơn 1 ha. “Thu nhập từ cây mận đỏ năm nào nhiều được khoảng gần 60 triệu đồng, năm ít thu được khoảng 30 đến 40 triệu đồng” - chị Chúm cho biết.

Anh Phạm Hồng Quảng cho biết: “Giống mận đỏ này trước kia chỉ tập trung ở các xã: Chiến Phố, Thàng Tín, Pố Lồ, Đản Ván, Thèn Chu Phìn. Đây được coi là những xã thuộc vùng lõi của giống mận đỏ đang được bảo tồn và nhân giống. Ngoài ra, huyện cũng đã và đang triển khai trồng tập trung tại các xã khác như: Bản Phùng, Tùng Sán, Nàng Đôn...

Giống mận này quả mọng, vỏ đỏ, đặc biệt ruột của loại mận này có màu đỏ tươi như máu nên người dân quen gọi là "mận máu", vị ngọt, ngon. Mận chín muộn hơn so với các loại mận khác, vào khoảng cuối tháng 6 mới cho thu hoạch nên thường được giá.

Trong những năm gần đây, loại mận này đang rất được ưa chuộng, giá thành dao động từ 40 - 80 nghìn đồng/kg. Xác định đây là cây có giá trị kinh kế cao, mang lại thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn, từ năm 2012, huyện Hoàng Su Phì đã có phương án phát triển loại cây này gắn với phát triển du lịch.

Năm 2018, huyện Hoàng Su Phì đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/HU ngày 5/5/2018 của Ban Thường vụ Huyện ủy về phát triển cây lê và cây mận máu trên địa bàn huyện giai đoạn 2018 -2020, định hướng đến năm 2025. Hội đồng Nhân dân huyện Hoàng Su Phì cũng ra Nghị quyết số 12/NQ-HĐND ngày 29/6/2018 về việc phê chuẩn “Phương án phát triển cây lê, cây mận máu gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025”.

Đến nay, giống mận đỏ được trồng trên toàn huyện, quy hoạch tập trung tại 10 xã với tổng diện tích trên 383 ha, trong đó, diện tích đã cho thu hoạch là hơn 25 ha. Trong thời gian tới, huyện Hoàng Su Phì tiếp tục phát triển cây mận này theo hướng bền vững, đồng bộ từ quản lý đến bảo tồn cây đầu dòng, cải tạo, trồng, khai thác và chế biến, đồng thời hướng tới dịch vụ du lịch sinh thái trên địa bàn.

Ông Lý Chòi Nhàn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) cho biết: UBND huyện Hoàng Su Phì đang phối hợp với Viện nghiên cứu Rau quả (thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) thực hiện Đề tài khoa học cấp Bộ được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2023 về “Khai thác và phát triển nguồn gen bản địa cây mận máu tại Hà Giang”. Cùng với đó, huyện Hoàng Su Phì đang xây dựng mô hình thâm canh quy mô, xây dựng kỹ thuật chăm sóc, xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm mận máu này”.

Chú thích ảnh
Bà Tải Thị Seo (áo nâu bên phải) và chị Tải Thị Chúm (áo nâu bên trái) cùng cán bộ Phòng Nông Nghiệp huyện Hoàng Su phì (Hà Giang) xem bản đồ quy hoạch vùng trồng “mận máu”. 

Nhờ sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền và người dân với nhiều giải pháp, cách làm hay và hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) giảm từ 61,4% trong (năm 2015) xuống còn 36,575 trong (năm 2019).

Bài và ảnh: Nguyễn Chiến (TTXVN)