Phát triển nuôi tằm bền vững theo hướng xuất khẩu
22/10/20 10:58AM
Ngày 16/10, tại thành phố Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), Trung tâm khuyến nông quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng tổ chức diễn đàn khuyến nông với chủ đề “Phát triển nuôi tằm bền vững theo hướng xuất khẩu".
Phat trien nuoi tam ben vung theo huong xuat khau hinh anh 1Nhiều hội viên phụ nữ tại huyện Đam Rông đưa mô hình trồng dâu nuôi tằm vào sản xuất để phát triển kinh tế. Ảnh: Đặng Tuấn – TTXVN

 

Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề về thực trạng, định hướng và giải pháp phát triển sản xuất dâu tằm bền vững tại Việt Nam; đồng thời giới thiệu một số mô hình trồng dâu nuôi tằm hiệu quả, bền vững trên địa bàn tỉnh Đắk Nông...

Theo báo cáo tại hội thảo, hiện nay, một số nghiên cứu để lai tạo các giống lưỡng hệ kén trắng Việt Nam có độ ổn định chưa cao, chất lượng tơ còn thấp, tỷ lệ lên tơ tự nhiên thấp. Các giống đa hệ của Việt Nam cho chất lượng tơ thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của ngành sản xuất dâu tằm tơ. Trong khi đó, nhu cầu nuôi tằm lưỡng hệ là rất lớn, đa số các giống tằm lưỡng hệ kén trắng (cho chất lượng tơ tốt và năng suất cao) đều đang được nhập tiểu ngạch từ Trung Quốc (chủ yếu là giống LQ2), không được kiểm tra chất lượng và kiểm soát dịch bệnh dẫn tới rủi ro cao cho người sản xuất.
Ngoài ra, việc nhập khẩu chính ngạch giống tằm từ Trung Quốc vào Việt Nam để đảm bảo chất lượng trứng giống vẫn đang trong giai đoạn đàm phán và xúc tiến thương mại, chưa được phía Trung Quốc chấp thuận; đã nhiều năm qua không có chương trình đào tạo đại học về dâu, tằm.

Theo ông Lê Quang Tú, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dâu Tằm Tơ Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 20.000 hộ trồng dâu nuôi tằm, 250 cơ sở nuôi tằm con, mỗi năm nhu cầu trứng giống tằm cần khoảng từ 500.000 đến 600.000 hộp. Tuy nhiên, do chất lượng tằm con chưa được tốt, người nuôi tằm chủ yếu dựa vào kinh nghiệm là chính nên vẫn còn tình trạng cho tằm ăn dâu ướt, dâu không đúng tuổi tằm. Nhiều hộ nuôi quá dày và không có biện pháp hữu hiệu để giảm nhiệt độ, ẩm độ khi nuôi khiến tằm con chết, còi cọc làm giảm chất lượng kén.

Trong tất cả các giải pháp thì giải pháp khoa học công nghệ là then chốt. Thực tế đã chứng minh trong những năm qua và hiệu quả là ngành dâu tằm tơ đã được nâng lên rõ rệt. Cụ thể là giống dâu cao sản đặc biệt những biện pháp canh tác dâu đặc biệt là khâu nuôi tằm hai giai đoạn. Chính vì nâng cao chất lượng tơ thì hiệu quả kinh tế của người trồng dâu nuôi tằm mới được nâng cao, ông Lê Quang Tú chia sẻ.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng quan tâm đến giải pháp liên kết chuỗi trong sản xuất dâu, tằm, tơ xuất khẩu. Bà Nguyễn Thị Bình, một trồng dâu nuôi tằm tại xã Đam B'ri, thành phố Bảo Lộc kiến nghị: “Chúng tôi chỉ muốn làm sao giữa con tằm và tơ được liên kết với nhau, để chúng tôi chăn tằm có hiệu quả. Mong sao nhà nước có chính sách để giúp đỡ người nuôi tằm làm ăn có hiệu quả hơn”.

Theo ông Nguyễn Đức Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trước tình hình các hộ trồng dâu nuôi tằm đang gặp khó khăn vì nguồn trứng giống tằm lưỡng hệ kén trắng năng suất cao khan hiếm. Đơn vị sẽ đề nghị Bộ làm việc với các cơ quan chức năng như Tổng cục Hải quan, Quản lý thị trường và các cơ quan kiểm dịch cho thông quan và vận chuyển đến nơi sản xuất cho người dân.

Tại diễn đàn, các nhà khoa học, nhà quản lý và nông dân Tây Nguyên đã cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận tìm giải pháp khả thi để phát triển nuôi tằm bền vững theo hướng xuất khẩu. Diễn đàn cũng cung cấp, thảo luận các thông tin mới nhất về kết quả nghiên cứu, các tiến bộ kỹ thuật về giống, cách phòng trừ bệnh hại đối với dâu tằm tơ, vấn đề liên kết chuỗi trong sản xuất dâu, tằm tơ xuất khẩu.

Theo Cục Chăn nuôi, hiện nay, cả nước có 32 tỉnh phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm với 10.500 ha dâu; trong đó vùng Tây Nguyên chiếm 73%. Năng suất dâu đạt từ 35 - 40 tấn/ha. Năm 2018, cả nước sản xuất đạt gần 8.300 tấn kén các loại. Năm 2019, sản lượng kén ước tính là 9.200 tấn, tăng 10,7% so với năm 2018.

Hiện sản lượng tơ tằm của Việt Nam đứng thứ 5 thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, Uzbekistan và Thái Lan. Mặc dù có sự gia tăng về sản lượng tơ tằm nhưng mỗi năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu hàng nghìn tấn tơ từ Trung Quốc và Brazin để gia công xuất khẩu. Khoảng 90% giống tằm lưỡng hệ kén trắng cho chất lượng tơ cao đến nay nước ta vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 xảy ra, việc nhập giống tằm gặp khó khăn, khiến cho người trồng dâu, nuôi tằm thiệt hại lớn. Đây là thách thức lớn đối với ngành dâu tằm tơ nước ta hiện nay.