Tái cơ cấu mạnh mẽ và phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao
23/01/18 10:21AM
Trong năm 2017, tốc độ tăng trưởng nông, lâm, ngư nghiệp TPHCM tăng trưởng khá cao, giá trị sản xuất đạt 19.480 tỷ đồng, tăng 6,3%.


Chăm sóc rau trồng trong Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM

Chăm sóc rau trồng trong Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM

Ngày 19-1, Sở NN-PTNT TPHCM tổ chức Hội nghị Tổng kết năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn với sự tham dự của đồng chí Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực UBND TPHCM cùng với nhiều đơn vị, ban, ngành, hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân.

Trong năm 2017, tốc độ tăng trưởng nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng khá cao đạt 8.539 tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ cả nước 2,9%. Giá trị sản xuất đạt 19.480 tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ cả nước 3,16%. Trong đó, trồng trọt đạt 5.085 tỷ đồng, chăn nuôi đạt 7.0554 tỷ đồng, lâm nghiệp đạt 161 tỷ đồng, thủy sản 5.748 tỷ đồng, dịch vụ nông nghiệp 1.431 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, giảm diện tích trồng lúa một vụ và diện tích trồng mía hiệu quả thấp sang loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của TPHCM như hoa lan, mai, cây kiểng, cá cảnh, rau an toàn…

Tại hội nghị cũng tuyên dương mô hình sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã đạt hiệu quả, năng suất cao trong năm 2017. Trong năm 2018, Sở tiếp thực hiện mạnh mẽ cơ cấu lại, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, chuyển từ sản xuất hàng hóa sang sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất các loại giống cây, giống con với quy mô lớn hơn phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo hài hòa diện tích cây xanh, dự trữ sinh quyển của TPHCM. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa cho phát triển doanh nghiệp, kinh tế hợp tác.

 Kết thúc hội nghị, đồng chí Lê Thanh Liêm chia sẻ, hội nghị phải lắng nghe từ các doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã sản xuất trực tiếp thì mới biết được thuận lợi, khó khăn để nhân rộng hoặc tháo gỡ. Từ đó, Sở NN – PTNT mới có văn bản đưa ra chính sách hỗ trợ để tạo động lực phát triển. Bên cạnh đó, sở, ban, ngành cần đi thực tế cơ sở nhiều hơn để biết thực trạng sản xuất nhằm thể hiện được vai trò cầu nối. Ngoài ra, phong trào nông thôn mới thành công thì phải phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

THANH HẢI

(Theo SGGP)