Tập trung đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn
17/07/20 02:19PM
Mặc dù có diện tích đất nông nghiệp lớn, được ưu tiên đầu tư, nhưng sản xuất nông nghiệp của Hà Nội thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Thời gian tới, thành phố sẽ tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, đổi mới, nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, khuyến khích các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Ứng dụng công nghệ cao vào phát triển cây trồng tại Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao Toàn Cầu (xã Phương Đình, huyện Đan Phượng). Ảnh: BÁ HOẠT

Là một đô thị lớn, nhưng hiện có 17 huyện, thị xã và sáu quận của Hà Nội vẫn còn sản xuất nông nghiệp. Diện tích đất nông nghiệp chiếm hơn 58% tổng diện tích đất và dân số khu vực nông thôn chiếm khoảng 50% dân số của thành phố. Xác định vai trò, vị trí quan trọng của nông nghiệp, phát triển nông thôn trong phát triển Thủ đô, từ 10 năm nay, Thành ủy Hà Nội đã thực hiện Chương trình số 02 về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân, đạt nhiều kết quả. Tổng kinh phí xây dựng nông thôn mới  từ  cuối năm 2019 đến nay hơn 12.350 tỷ đồng. Đến nay, Hà Nội có 353 xã, chiếm  92,4%  tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; sáu huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập của người dân khu vực nông thôn đạt 51,5 triệu đồng/người/năm. Từ đầu năm đến nay, mặc dù chịu tác động lớn của dịch tả lợn châu Phi và đại dịch Covid-19, nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn vẫn tăng 1,6%.

Tuy nhiên, nông nghiệp Thủ đô vẫn còn không ít hạn chế. Khoảng cách giữa thu nhập bình quân của người dân ở nông thôn với mức thu nhập bình quân đầu người của thành phố còn rất lớn (khoảng 120 triệu đồng/người/năm). Thu nhập từ sản xuất nông nghiệp còn thấp, dẫn đến tình trạng nông dân không mặn mà sản xuất và chuyển sang các ngành nghề khác có thu nhập cao hơn. Hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp chưa cao, năng suất lao động còn thấp. Đóng góp của ngành nông nghiệp trong GRDP của thành phố mới chiếm 2,65%. Đáng chú ý, do chưa có quy hoạch hai bên bờ sông Hồng cho nên quỹ đất bãi phù sa màu mỡ rộng hàng nghìn héc-ta chưa được quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả. Nhiều công trình hạ tầng xã hội phục vụ đời sống như trường học, trụ sở làm việc, nhà ở của người dân ở khu vực bãi sông gặp khó khăn trong việc cải tạo, sửa chữa, nâng cấp. Nhiều dự án đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, nâng cao thu nhập cho nông dân chưa thể thực hiện do vướng quy hoạch phòng, chống lũ.  

Thời gian tới, Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững. Phấn đấu đến năm 2025 tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân từ 2,5%/năm trở lên; 100% số huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất một huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 15% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu...

Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn của thành phố Hà Nội, mới đây, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã chủ trì buổi làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, thành phố Hà Nội đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tổng hợp được nhiều nguồn lực đầu tư, giúp diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt, đời sống nông dân được nâng cao. Với tiềm năng, lợi thế như vậy, ngành nông nghiệp Hà Nội cần phải có tính lan tỏa, không chỉ phục vụ cho địa bàn Thủ đô, mà còn có thể trở thành trung tâm công nghệ nông nghiệp, trung tâm chế biến nông sản của cả nước. Liên quan đến các khó khăn, vướng mắc của Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thành phố tập trung giải quyết, tháo gỡ. Trước mắt Bộ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Thủ đô nhập khẩu lợn giống, góp phần đẩy nhanh việc tái đàn lợn. Về quy hoạch thoát lũ hai bên bờ sông Hồng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18-2-2016 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình là cơ sở quy hoạch thoát lũ sông Hồng tại Hà Nội. Từ quy hoạch này, thành phố Hà Nội có thể chủ trì xây dựng quy hoạch thoát lũ sông Hồng, trong đó cần tuân thủ hai nguyên tắc quan trọng nhất là bảo đảm cao trình đê đạt 13,4 m và lưu lượng thoát lũ 20.000 m3/giây. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với thành phố xây dựng quy hoạch này. 

Phát biểu ý kiến kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định, thành phố luôn xác định vai trò, vị trí quan trọng của nông nghiệp, phát triển nông thôn. Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân, trong đó tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân thông qua việc đầu tư công đoạn chế biến, xuất khẩu các sản phẩm; mở rộng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; đồng thời đổi mới, nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, khuyến khích các nguồn lực đầu tư nông nghiệp, nông thôn. Đồng chí Vương Đình Huệ chỉ đạo UBND thành phố phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung hoàn thiện các quy hoạch phòng, chống lũ, nhất là quy hoạch hai bên sông Hồng để tăng cường quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả quỹ đất bãi sông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. 

MINH VÂN/Theo Nhandan