Tỉnh Hà Nam nhân rộng mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ “sông trong ao”
28/07/21 02:18PM
Qua hơn 3 năm triển khai tại Hà Nam, mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ “sông trong ao” đã cho nhiều ưu điểm so với nuôi cá truyền thống. Mô hình này đang tiếp tục được nhân rộng tại các địa phương trong tỉnh góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Tháng 7/2019, Hợp tác xã Thủy sản sông trong ao Hải Đăng, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng đầu tư xây dựng 3 bể nuôi cá rô đơn tính Thái Lan và trắm cỏ ứng dụng công nghệ “sông trong ao”. Quá trình sản xuất của hợp tác xã luôn bảo đảm đúng các quy trình kỹ thuật; chất lượng nguồn nước, con giống, thức ăn được kiểm soát chặt chẽ.

Anh Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản sông trong ao Hải Đăng cho biết, với công nghệ “sông trong ao” cá được nuôi trong điều kiện nước chảy, vận động liên tục, không tiếp xúc trực tiếp với bùn đáy, được sinh trưởng trong môi trường trong sạch và được kiểm soát các yếu tố đầu vào, do đó chất lượng thịt cá săn chắc, không có mùi bùn, thơm ngon hơn so với nuôi trong ao nước tĩnh truyền thống. Từ những hiệu quả kinh tế thu được, hợp tác xã đã tiếp tục nhân rộng mô hình ra 2 khu nuôi với 8 bể nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao”. Ngoài bán cá tươi thương phẩm, hợp tác xã đã đầu tư máy móc để chế biến thành các sản phẩm: ruốc cá, cá kho, chả cá... tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm. Điều đáng mừng là các sản phẩm của hợp tác xã đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước và được người tiêu dùng đón nhận, đánh giá cao.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam, mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ “sông trong ao” được tỉnh Hà Nam bắt đầu triển khai từ năm 2018. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 19 mô hình với 53 bể nuôi. Mỗi mô hình hoàn thành đi vào hoạt động được UBND tỉnh hỗ trợ 50% tiền mua cá giống và 30% tiền mua chế phẩm xử lý cải tạo môi trường, thuốc phòng chữa bệnh cho 2 bể nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao”; tổng kinh phí hỗ trợ là 210 triệu đồng/mô hình.

Qua hơn 3 năm triển khai cho thấy, nuôi cá “sông trong ao” không chỉ cho năng suất cao (đạt 25-30 tấn/ha/vụ nuôi), gấp 4-5 lần năng suất nuôi cá truyền thống mà còn cho chất lượng sản phẩm ngon, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, mô hình còn giúp chủ động nguồn nước tại chỗ, không phụ thuộc nhiều vào nguồn nước cấp bổ sung, nước trong ao không cần thay thế mà có thể sử dụng tuần hoàn liên tục 7 đến 8 năm nên khắc phục được tình trạng khó khăn về nguồn nước cấp cho nuôi trồng thủy sản hiện nay. Hệ thống này không thay và thải nước ra ngoài nên không gây ô nhiễm môi trường, tránh bị lây lan chéo mầm bệnh giữa ao nuôi và môi trường xung quanh.

Về vấn đề tiêu thụ sản phẩm, ngoài việc các hộ xuất bán theo hình thức truyền thống, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam đã kết nối, hướng dẫn các hộ ký hợp đồng với Hợp tác xã Sản xuất và thương mại Thủy sản Xuyên Việt (tỉnh Hải Dương) để liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm ổn định sản phẩm đầu ra và nâng cao giá bán. Theo đó, Hợp tác xã Sản xuất và thương mại Thủy sản Xuyên Việt cung cấp cá giống, chuyển giao công nghệ và thu mua cá thương phẩm. Hộ nuôi cá cam kết thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nuôi cá và bán sản phẩm cho hợp tác xã. Thời gian, số lượng, kích cỡ sản phẩm thu hoạch theo từng đơn hàng cụ thể, giá bán theo giá thị trường tại thời điểm thu hoạch.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam cho biết, mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ “sông trong ao” cho năng suất, hiệu quả, giá trị kinh tế cao về nhiều mặt nhưng cũng có không ít khó khăn, hạn chế, đó là yêu cầu diện tích ao nuôi lớn (tối thiểu 5.000 m2), độ sâu mực nước tối thiểu 2 m mới xây dựng được 1 bể nuôi (phù hợp nhất 1,5 ha trở lên, xây dựng 3 bể nuôi trở lên); vị trí ao nuôi, cơ sở hạ tầng (giao thông, điện...) yêu cầu cao hơn nuôi thông thường.

Bên cạnh đó, mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ “sông trong ao” cần vốn đầu tư ban đầu lớn từ 800 – 900 triệu đồng/bể nuôi; yêu cầu cao về trình độ kỹ thuật, trình độ quản lý và phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, vận hành... hệ thống vận hành liên tục, cần phải bảo dưỡng thường xuyên, yêu cầu bắt buộc phải có máy phát điện, thiết bị dự phòng... để thay thế tức thì khi gặp sự cố. Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nam đang tiếp tục phối hợp với các địa phương theo dõi, hướng dẫn duy trì hoạt động các mô hình đã xây dựng; khảo sát, nhân rộng mô hình trong thời gian tới đảm bảo hiệu quả.

                                                                                                              Nguồn: Dantocmiennui