Tỉnh Phú Yên xây dựng vùng cây ăn quả gắn với chế biến hàng hóa
12/01/22 03:31PM
Phú Yên phấn đấu đến năm 2030, tổng diện tích phát triển cây ăn quả khoảng 10.000 ha, trong đó trên 40% diện tích trồng tập trung, chất lượng, gắn với chế biến hàng hóa.

Phát triển cây ăn quả còn nhỏ lẻ, manh mún

Theo UBND tỉnh Phú Yên, những năm gần đây, diện tích phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh không ngừng mở rộng. Đến năm 2020, tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh khoảng 6.771 ha, gấp 1,3 lần so với năm 2015, sản lượng 47.482 tấn.

Thời gian qua việc phát triển cây ăn quả ở Phú Yên còn manh mún, nhỏ lẻ. Ảnh: KS.

Thời gian qua việc phát triển cây ăn quả ở Phú Yên còn manh mún, nhỏ lẻ. Ảnh: KS.

Hiện nay ngoài các loại cây như chuối, mít, xoài, dứa, bơ… đã qua quá trình phát triển lâu dài, hình thành các vùng sản xuất với quy mô tương đối lớn thì các loại cây ăn quả khác như sầu riêng, mãng cầu, mít Thái, cây có múi (cam, chanh, bưởi, quýt)… chỉ mới phát triển từ các mô hình trong vài năm trở lại đây và đang dần hình thành các vùng sản xuất có quy mô lớn.

Bên cạnh đó, một số sản phẩm đã đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2021 của tỉnh như: Dưa lưới Hiếu Garden (huyện Tây Hòa), bánh khóm Đồng Din, nước khóm ép Đồng Din, khóm sấy Đồng Din, mãng cầu Lỗ Chài, mít Thái Dũng Lỗ Chài (huyện Phú Hòa), bưởi da xanh, cam Vinh, cam sành, cam xoàn, bơ Booth, mít Thái, sầu riêng (huyện Sông Hinh)…

Tuy nhiên theo UBND tỉnh Phú Yên, việc phát triển cây ăn quả hiện nay trên địa bàn còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán; khả năng đầu tư thâm canh thấp, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới hạn chế; công tác quản lý và sản xuất giống cây ăn quả còn nhiều bất cập; năng suất chưa cao, chất lượng chưa tốt và chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII cũng nêu rõ định hướng: “Phát triển một số vùng chuyên canh cây ăn quả tại các địa phương có điều kiện thuận lợi, nhất là tại các huyện, xã miền núi. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng, nhân rộng các mô hình trồng cây ăn quả gắn với chế biến hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm tại những nơi có điều kiện thuận lợi như: Sầu riêng, bưởi, cam, quýt, bơ, xoài, khóm... tại các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa”. Đồng thời, triển khai thực hiện Chương trình hành động số 03 ngày 14/12/2020 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Do vậy việc xây dựng “Đề án xây dựng vùng cây ăn quả gắn với chế biến hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm đến năm 2030” là rất cần thiết.

Xây dựng vùng cây ăn quả chuyên canh gắn với chế biến

Trước thực tế trên, mới đây, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã ký quyết định phê duyệt đề án xây dựng vùng cây ăn quả gắn với chế biến hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm đến năm 2030.

Tỉnh Phú Yên sẽ phát triển cây ăn quả theo hướng chuyên canh, gắn với bảo quản, chế biến sản phẩm. Ảnh: KS.

Tỉnh Phú Yên sẽ phát triển cây ăn quả theo hướng chuyên canh, gắn với bảo quản, chế biến sản phẩm. Ảnh: KS.

Theo đề án này, Phú Yên sẽ phát triển cây ăn quả theo hướng chuyên canh, gắn kết chặt chẽ sản xuất với công nghiệp bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ, đạt năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm và hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm và tăng thu nhập cho các hộ sản xuất, thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Trong đó, đến năm 2025 tổng diện tích phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh khoảng 8.000 ha (trên 20% diện tích trồng tập trung), diện tích cho thu hoạch khoảng 6.000 ha, sản lượng khoảng 55.000 tấn; năng suất bình quân đối với cây ăn quả chủ lực trồng tập trung tăng 20 - 25% so với năm 2020. Cùng với đó có trên 40% sản phẩm cây ăn quả chủ lực trồng tập trung đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm; trong đó trên 5% sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng theo GAP, hữu cơ.

Đến năm 2030, tổng diện tích phát triển cây ăn quả khoảng 10.000 ha (trên 40% diện tích trồng tập trung), diện tích cho thu hoạch khoảng 7.000 ha, sản lượng khoảng 65.000 tấn; năng suất bình quân đối với cây ăn quả chủ lực trồng tập trung tăng 20 - 25% so với năm 2025. Có trên 90% sản phẩm cây ăn quả chủ lực trồng tập trung đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm; trong đó, trên 20% sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng theo GAP, hữu cơ.

Vùng trồng mãng cầu ở Lỗ Chài, xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa (Phú Yên). Ảnh: KS.

Vùng trồng mãng cầu ở Lỗ Chài, xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa (Phú Yên). Ảnh: KS.

Để đạt mục tiêu này, UBND tỉnh đề ra các giải pháp triển khai đề án như: Xây dựng tài liệu tuyên truyền, tổ chức các hội nghị triển khai, các lớp tập huấn, đào tạo; phổ biển về các mô hình, cơ chế chính sách phát triển cây ăn quả; công nghệ áp dụng trong bảo quản, sơ chế, chế biến cây ăn quả; giới thiệu các kỹ thuật sản xuất giống, kỹ thuật thâm canh trồng cây ăn quả, hoa cây cảnh. Cùng với đó tổ chức các đoàn đi tham quan học tập các mô hình tiêu biểu, điển hình trong và ngoài tỉnh.

Trên cơ sở kết quả phân tích đánh giá, phân loại đất, đề xuất đưa vào quy hoạch đất trồng cây ăn quả những diện tích đất có đủ điều kiện về tự nhiên, xã hội và bảo đảm theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành từ quy trình sản xuất trồng trọt đến chế biến, tiêu thụ các sản phẩm; ứng dụng các mô hình quản lý tiên tiến VietGAP, GlobalGAP… vào canh tác cây ăn quả.

Đề án cũng cho biết sẽ xây dựng nhà sơ chế, chế biến, đóng gói và bảo quản sản phẩm. Phát triển hệ thống phân phối tại các thị trường, các chợ đầu mối, các hệ thống siêu thị làm cầu nối để tiêu thụ sản phẩm tại khu vực Duyên hải Nam Trung bộ; mở rộng ra các thành phố lớn như TP. HCM, Đà Nẵng… Nếu đủ điều kiện thì có thể mở rộng thị trường xuất khẩu như Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ. Ngoài ra đẩy mạnh liên kết, xúc tiến thương mại, quảng bá tiêu thụ sản phẩm…