Tổ liên kết giúp thay đổi tư duy làm kinh tế
16/07/18 02:47PM
Từ khi có mô hình Tổ phụ nữ liên kết trồng lagim, phụ nữ thôn An Hội, xã Bình Tân, huyện Tây Sơn (Bình Định) thực sự phấn khởi bởi lẽ mô hình không những cho hiệu quả kinh tế cao, hướng đi bền vững mà còn thay đổi tư duy, cách làm trong mỗi gia đình.
Thôn An Hội là vùng đất có truyền thống trồng các loại rau màu như: Bầu, bí, mướp, khổ qua, dưa leo, cà, ớt... (gọi chung là lagim). Tuy nhiên, trước đây chị em phụ nữ chỉ sản xuất theo truyền thống, chăm bón theo kinh nghiệm, hiệu quả chưa cao.
 
Để góp phần nâng cao chất lượng cây trồng, Hội LHPN xã Bình Tân đã thành lập Tổ phụ nữ liên kết trồng lagim ở Chi hội phụ nữ thôn An Hội với sự tham gia của 8 thành viên trên diện tích 8 ha và sản xuất rau theo phương pháp trồng an toàn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cho năng suất cao hơn, đầu ra ổn định.
 
Với gần 1ha đất, gia đình chị Thái Thị Bích Lệ đã trồng toàn bộ bầu và khổ qua. Sau 3 tháng, rau nhà chị Lệ đã cho thu hoạch, lúc trái rộ trung bình mỗi ngày thu được từ 7-8 tạ bầu với giá bán dao động từ 5.000-7.000 đồng/kg và khổ qua 1 tạ/ngày, giá bán 7.000-8.000 đồng/kg. Trung bình mỗi ngày, gia đình chị Lệ thu về từ 6-7 triệu đồng.
2cc.jpg
Ảnh minh họa
Chị Thái Thị Bích Lệ cho biết: Cũng mảnh vườn này, thời gian trước đây, chị canh tác nhiều loại rau khác nhau; tuy nhiên, hiệu quả không cao, gần như chỉ đủ chi phí, cuộc sống gia đình thiếu trước hụt sau. Từ khi tham gia Tổ liên kết, chị em trong Tổ chia nhau trồng, mỗi chị 1-2 loại rau sẽ không bị ép giá, thương lái tới thu mua tại vườn, hiệu quả kinh tế thấy rõ rệt, lợi nhuận nhiều hơn, có thời gian rảnh hơn vì không phải tốn công đưa đi tiêu thụ. Sau 2 vụ mùa, kinh tế gia đình chị Lệ khá ổn định, có điều kiện mua sắm thêm được nhiều vật dụng có giá trị.
 
Chị Mai Thị Mỹ Lệ, Tổ trưởng Tổ liên kết trồng lagim Chi hội phụ nữ thôn An Hội, cho biết: Ban đầu triển khai mô hình chỉ có 6 thành viên với diện tích trên 3 ha, nhưng sau một vụ mùa, diện tích đã tăng lên gần 8ha. Gia đình chị chỉ trồng trên 2 sào ớt, tuy nhiên lại cho thu nhập khá, trung bình 2 ngày chị thu hoạch và bán 1 lần, thu về từ 15 triệu đến 17 triệu đồng/tháng.
 
Không chỉ chị Thái Thị Bích Lệ hay chị Mai Thị Mỹ Lệ mà hầu hết chị em trong Tổ liên kết trồng lagim rất phấn khởi vì các sản phẩm mình làm ra vừa được mùa, được giá, chị em có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng từ 15-17 triệu đồng. Sau khi đã trừ các khoản chi phí, cá biệt có chị trồng diện tích lớn nên thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng.
 
Tham gia Tổ liên kết phụ nữ trồng lagim, chị em được hỗ trợ về tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào trồng trọt và hỗ trợ vay vốn từ 30-50 triệu đồng/hội viên đầu tư duy trì và mở rộng diện tích. Không những thế, chị em trong Tổ liên kết thống nhất giá với nhau để bán sản phẩm, đầu ra ổn định không bị thương lái ép giá.
 
Sản phẩm cho ra thị trường là những loại rau sạch, ít chi phí đầu tư về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Tổ kiên kết không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà quan trọng hơn đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của người nông dân, giúp họ hiểu được trong sản xuất kinh doanh thì chất lượng sản phẩm mới là điều kiện tiên quyết để duy trì và phát triển thương hiệu.
                                                                                                                    Theo Phụ nữ Việt Nam