Triển vọng phát triển cây mắc ca ở Lai Châu
18/05/22 02:48PM
Do đặc tính sinh trưởng của cây mắc ca phù hợp với nhiều tiểu vùng khí hậu, đặc điểm thổ nhưỡng của tỉnh, thời gian qua Lai Châu đã tập trung trồng và phát triển cây mắc ca. Loại cây này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn phủ xanh đất trống, đồi trọc và trở thành cây đa mục đích.
Trien vong tu cay mac ca o Lai Chau hinh anh 1Người dân huyện Than Uyên chăm sóc cây giống mắc ca. Ảnh: Đinh Thùy-TTXVN

Với tốc độ sinh trưởng và cho quả tốt như hiện nay, cây mắc ca đang hứa hẹn sẽ trở thành loại cây trồng giúp người dân có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu.

Tỉnh Lai Châu có tiềm năng lớn để phát triển nông nghiệp đó là đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng. Để tập trung phát triển nông nghiệp, tỉnh Lai Châu đã ban hành 4 Nghị quyết quan trọng để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Cùng đó, tỉnh đang tập trung phát triển một số hàng hóa chủ lực như chè trên 8.500 ha, mắc ca trên 5.400 ha, cây ăn quả trên 8.200 ha, cao su gần 13.000 ha, cây gỗ lớn trên 17.000 ha và dược liệu 17.700 ha.

Riêng về cây mắc ca được tỉnh Lai Châu đưa vào trồng từ năm 2011, đến nay toàn tỉnh có hơn 5.400 ha cây mắc ca; trong đó diện tích các hộ gia đình, cá nhân thực hiện trên 2,76 ha, diện tích các tổ chức kinh tế thực hiện hơn 2,66 ha.

Trien vong tu cay mac ca o Lai Chau hinh anh 2Lãnh đạo huyện Than Uyên kiểm tra diện tích cây mắc ca trồng xen chè tại xã Mường Kim, huyện Than Uyên. Ảnh: Đinh Thùy-TTXVN

Đáng lưu ý, trong tổng diện tích có 2/3 diện tích mắc ca trồng thuần, còn lại là trồng xen canh với các cây trồng khác. Các địa phương như Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường đã và đang trở thành vùng trọng điểm cây mắc ca của tỉnh Lai Châu.

Mắc ca có thể trồng tại các vườn tạp sau khi được cải tạo, hoặc trên các khu đất nương bạc màu, đất dốc và trồng xen canh với chè, các cây trồng ngắn ngày họ đậu. Sau một thời gian trồng, cây mắc ca đã thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư vào loại cây này như Công ty TNHH MTV Trường Giang Lai Châu, Công ty An Đức Minh, Công ty cổ phần Liên Việt Lai Châu, từ đó góp phần hình thành các nông trường mắc ca với diện tích lớn.

Đặc biệt, những năm trước, cây giống mắc ca được nhập từ các tỉnh bạn, với chi phí vận chuyển lớn và kéo dài ngày đã ảnh hưởng tới chất lượng giống, tỷ lệ sống của cây. Để khắc phục tình trạng này Hợp tác xã Voòng Dính, huyện Phong Thổ, Công ty cổ phần Liên Việt, huyện Than Uyên đã chủ động sản xuất giống, đảm bảo cung ứng 500 cây giống đủ tiêu chuẩn cho mỗi vụ sản xuất.

Trien vong tu cay mac ca o Lai Chau hinh anh 3Lãnh đạo huyện Than Uyên kiểm tra diện tích cây mắc ca trồng xen chè tại xã Mường Kim, huyện Than Uyên. Ảnh: Đinh Thùy-TTXVN

Các giống mắc ca được trồng chủ yếu tại Lai Châu gồm OC, 816, 246, 842, 849, ngoài ra còn một số dòng khác như 741, 900, 695, Daddow, QN… Qua theo dõi, đánh giá tại các địa phương, một số dòng mắc ca trồng từ năm 2011 đến năm 2015 như OC, 816, 246, QN… đã khẳng định ưu điểm cây sinh trưởng, phát triển tương đối tốt, ra hoa nhiều và tỷ lệ đậu quả cao, bước đầu cho thấy cây mắc ca phù hợp với điều kiện khí hậu sinh thái của Lai Châu.

Nhờ dày công chăm sóc, năm 2021, toàn tỉnh Lai Châu có 274 ha cây mắc ca tại các huyện: Tam Đường, Tân Uyên, Phong Thổ và thành phố Lai Châu đã cho thu hoạch, năng suất trên diện tích trồng xen canh đạt 0,5 tấn/ha, còn trồng thuần năng suất, sản lượng cao hơn.

"Gia đình tôi trồng thuần gần 2 ha cây mắc ca, những vụ gần đây năng suất đạt từ 1,2 - 1,5 tấn/ha. Với giá hiện tại, trừ các khoản chi phí, gia đình thu gần 200 triệu đồng. Nhờ trồng mắc ca mà gia đình tôi có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, hiệu quả kinh tế vượt trội so với các cây trồng trước đây". Ông Lý Văn Thái ở bản Nà Bỏ, xã Bản Giang, huyện Tam Đường chia sẻ.

Còn gia đình ông Nguyễn Xuân Các ở tổ dân phố 1, thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên có 200 cây mắc ca trồng xen chè từ năm 2012 đã cho thu hoạch. Hàng năm, gia đình ông Các thu được hơn 2 tấn quả mắc ca, bán với giá 80.000 đồng/kg. Ngoài nguồn thu từ chè, gia đình ông mỗi năm còn thu từ mắc ca trên 100 triệu đồng. Qua trồng mắc ca xen chè ông Các nhận thấy cây mắc ca phù hợp khí hậu và thổ nhưỡng Tân Uyên và bước đầu giúp gia đình có thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống.

Trien vong tu cay mac ca o Lai Chau hinh anh 4Nhiều hộ dân ở thành phố Lai Châu trồng mắc ca đem lại hiệu quả, mỗi năm thu nhập hơn trăm triệu đồng. Ảnh: Đinh Thùy-TTXVN

Theo định hướng của tỉnh Lai Châu, cây mắc ca là một trong những cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế nhằm tạo an sinh xã hội, tạo sinh kế việc làm, nhất là cho người dân vùng biên giới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Hà Trọng Hải cho biết, hiện diện tích đất trống, nương kém hiệu quả trên địa bàn tỉnh còn lớn nên có thể chuyển đổi sang trồng mắc ca để mở rộng diện tích. Tỉnh cũng định hướng đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh có khoảng 60.000 ha cây mắc ca; trong đó, giai đoạn 2021 - 2030 sẽ trồng mới trên 35.000 ha; giai đoạn 2031 - 2050 diện tích trồng mới thêm 20.000 ha và phấn đấu trở thành thủ phủ mắc ca của cả nước.

Để hoàn thành mục tiêu, thời gian tới Lai Châu tiếp tục nghiên cứu sự phù hợp, rà soát, đánh giá, xác định quy mô và quỹ đất phù hợp để trồng mắc ca, tích hợp vùng trồng mắc ca vào quy hoạch của tỉnh; đánh giá hiệu quả kinh tế, môi trường khi phát triển mắc ca. Từ đó, xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện Đề án Phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Đồng thời, Lai Châu mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Lâm nghiệp xem xét hỗ trợ tỉnh xây dựng các nguồn giống và vườn ươm cây giống mắc ca chất lượng cao tại các huyện để chủ động sản xuất giống phục vụ kế hoạch phát triển cây mắc ca trong thời gian tới.

Mặt khác, hỗ trợ tỉnh trong việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ bảo quản, sơ chế, chế biến các sản phẩm từ hạt mắc ca và hỗ trợ xây dựng một số cơ sở sơ chế, chế biến hạt mắc ca tại một vài vùng nguyên liệu trọng điểm.

                                                                                                                    Theo: DTMN