Cả doanh nghiệp và nông dân đều có lợi
Theo ông Bút, hiện vùng đất Bến Tre đang bị xâm nhập mặn rất lớn, trong khi chuối sáp không chịu được nước ngập mặn, do đó ảnh hưởng đến sản lượng đầu vào của công ty. Vì vậy, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vạn Vạn Lợi muốn triển khai vùng nguyên liệu chuối sáp tại huyện Hoài Ân để ổn định sản phẩm đầu vào.
“Hiện thị trường tiêu thụ chuối sáp nội địa của chúng tôi đạt trên 50.000 tấn/năm; trong đó chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP. HCM) 50 tấn/ngày, chợ đầu mối nông sản Bình Điền (TP. HCM) 30 tấn/ngày, chợ đầu mối Hòa Cường (TP Đà Nẵng) 30 tấn/ngày, chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) 60 tấn/ngày.
Như vậy tại thị trường nội địa, mỗi ngày chúng tôi tiêu thụ 170 tấn chuối sáp, vị chi mỗi năm tiêu thụ 51.000 tấn. Còn thị trường xuất khẩu chuối sáp đạt 10.000 tấn/năm; trong đó Hàn Quốc 5.000 tấn/năm, Nhật Bản 2.000 tấn/năm và Nga 2.000 tấn/năm”, ông Bút cho hay.
Theo dự án phát triển vùng nguyên liệu chuối sáp tại huyện Hoài Ân, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vạn Vạn Lợi dự kiến đến năm 2025 sẽ thực hiện trồng từ 500 - 1.000 ha. Theo ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, cố gắng lắm địa phương này cũng chỉ có thể thực hiện được khoảng 500 ha, đó là phải chuyển đổi những diện tích trồng lúa 1 vụ/năm sang trồng chuối sáp.

Sản phẩm chuối sáp của Công ty TNHH XNK Vạn Vạn Lợi ở Châu Thành (Bến Tre). Ảnh: V.V.L.
Dự án phân tích rất kỹ khoản thu nhập từ trồng chuối sáp. Bình quân 1 ha trồng 1.500 cây chuối giống, sau 1 năm thu hoạch được 20 tấn/ha, giá bao tiêu thấp nhất của công ty là 7 triệu đồng/tấn, tổng thu nhập 1 ha chuối sáp là 140 triệu đồng/năm.
Trong khi đó, tổng chi phí đầu tư đầu vào là 105 triệu đồng/ha, bao gồm chi phí cây giống, công trồng, phân bón, nước tưới và công chăm sóc. Bước sang giai đoạn 2 và các năm tiếp theo, người trồng có mức thu nhập cũng như năm đầu là 140 triệu đồng/ha, nhưng không tốn khoản chi phí mua cây giống, nên tổng chi phí đầu tư chỉ còn 37,5 triêu/ha.
Như vậy, sau khi trừ chi phí, người trồng chuối sáp có lãi ròng 102,5 triệu đồng/ha cho đến hết chu kỳ thu hoạch. Đến khi trồng mới thì đã có cây con, không cần phải mua giống.

Chuối sáp mẫu mã xấu, nhưng lại được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Ảnh: ST
“Đặc thù của cây chuối sáp là trỗ buồng quanh năm, nên vùng nguyên liệu phải phân bố thời gian trồng hợp lý, để tránh thu hoạch đồng loạt khiến doanh nghiệp không xử lý kịp, đồng thời tránh thời gian không có chuối thu hoạch để cung ứng cho thị trường.
Chúng tôi đã làm việc với HTX 19/4, khi vùng nguyên liệu hình thành, nếu địa phương tạo điều kiện, chúng tôi sẽ xây dựng nhà máy sơ chế ngay trên vùng nguyên liệu để thuận lợi việc tiêu thụ. Nhà máy đặt tại Hoài Ân chúng tôi còn lợi được khoản chi phí vận chuyển ra thị trường miền Bắc.
Vì từ Bình Định ra miền Bắc chỉ 1.500 km, vào TP. HCM cũng 1.500 km, trong khi từ miền Tây ra miền Bắc đến 3.500 km. Cứ 1 kg chuối sáp chúng tôi tiết kiệm được 1.000 đ chi phí vận chuyển, 1 tấn tiết kiệm được 1 triệu đồng”, ông Phan Thanh Bút, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vạn Vạn Lợi chia sẻ.