Truy xuất nguồn gốc cho rau an toàn Hương Ngải
26/10/18 10:14AM
Vùng rau an toàn (RAT) Hương Ngải (huyện Thạch Thất) với quy mô 55ha đã và đang mang lại nguồn thu nhập khá cho nhiều nông dân.
Điểm khác biệt của vùng RAT này là thực hiện luân canh hiệu quả việc gieo cấy lúa với trồng khoai tây vụ Xuân và rau màu vụ Đông.
Vùng trồng RAT của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hương Ngải được TP phê duyệt từ năm 2010 với hơn 800 hộ xã viên tham gia. Để bảo đảm chất lượng thành phẩm, tất cả các loại giống rau, củ, quả đều được HTX lựa chọn kỹ càng. Bên cạnh đó, HTX còn đầu tư 8 giếng khoan để cung cấp nước tưới sạch cho rau. Đặc biệt, ngay từ năm 2012, HTX đã xây dựng kho lạnh với thể tích 130m3 và nhà xưởng sơ chế diện tích hơn 200m2.
Để cải tạo đất, giảm sâu bệnh và đạt hiệu quả năng suất cây trồng, cứ 3 - 4 năm, HTX lại thực hiện luân canh một lần. Đơn cử, năm 2017 - 2018, HTX luân canh 4 vụ, gồm 2 vụ lúa, 1 vụ khoai tây, 1 vụ rau màu cho hiệu quả kinh tế 250 triệu đồng/ha. Đáng chú ý, HTX đã nhập khẩu giống khoai tây từ Đức để sản xuất khoai thương phẩm tiêu thụ qua hệ thống các siêu thị trong nước. Ngoài ra, HTX còn cung cấp khoai giống trồng vụ Đông cho nông dân trong xã và một số địa phương lân cận.
Năm 2015, được sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT Hà Nội, HTX đã thực hiện thành công mô hình trồng rau bắp cải trái vụ với diện tích 3.600m2 bằng biện pháp che phủ nylon, cho hiệu quả kinh tế cao. Nhờ vậy, từ năm 2016 đến nay, HTX tiếp tục phát triển 0,5ha rau trái vụ đa dạng các loại như bí đao, su hào, cải bắp, rau cải cho thu nhập hơn 400 triệu đồng/ha/năm. Hiện, trung bình mỗi ngày, HTX xuất bán ra thị trường từ 500 - 700kg rau, củ, quả/ngày. Để ổn định đầu ra cho sản phẩm, HTX đã liên kết tiêu thụ với bếp ăn của các trường mầm non, tiểu học, các DN trên địa bàn huyện Thạch Thất. Riêng hệ thống siêu thị Fivimart, mỗi năm tiêu thụ từ 50 - 70 tấn rau, củ, quả của HTX.
Giám đốc HTX Nông nghiệp Hương Ngải Nguyễn Đỗ Ban chia sẻ, mặc dù sản phẩm RAT Hương Ngải đã có thương hiệu, song, khó khăn lớn nhất của HTX là chưa thực hiện được truy xuất nguồn gốc. Hiện, các sản phẩm rau, củ, quả khi xuất bán đều phải thực hiện thủ công việc đóng gói, buộc dây, dán tem, nhãn. Đáng nói, vẫn còn một lượng sản phẩm RAT nông dân phải tự tìm nơi tiêu thụ. Vì vậy, thời gian tới, HTX sẽ tập trung hoàn thành thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm nâng cao giá trị cho RAT, đồng thời, đầu tư chuyên nghiệp hóa khâu quảng bá sản phẩm, tạo niềm tin với người tiêu dùng
                                                                                                                              Ngọc Ánh/ Kinhtedothi