Chị Đặng Thị Hồng và trại nấm sạch của mình  /// Ảnh: Tuyết Khoa
Chị Đặng Thị Hồng và trại nấm sạch của mìnhẢNH: TUYẾT KHOA
Chị Hồng (34 tuổi, người dân tộc Ba Na) và chồng là anh Tân Thiên Lý (36 tuổi, người dân tộc Tà Ôi) vốn là giáo viên dạy môn sinh học, đang công tác tại các trường học trên địa bàn. Với chuyên môn ấy, vợ chồng chị Hồng đã vận dụng vào thực tế và thành công cùng mô hình trồng nấm rơm sạch đầu tiên ở huyện miền núi A Lưới. Chị chia sẻ: “Tranh thủ thời gian nhàn rỗi, đặc biệt vào những tháng hè, hai vợ chồng mình quyết tâm làm một trại nấm rơm, vừa vận dụng chuyên môn mình đã học vừa có thêm kinh tế cho gia đình. Mình vốn rất mê môn vi sinh vật, trại nấm là nơi mình có thể thỏa được đam mê đó. Với lại, thị trường tiêu thụ ở đây khá triển vọng nên mình mạnh dạn đầu tư”.
Từ một nhà vòm với 200 bánh rơm cách đây 6 năm, vợ chồng chị Hồng đã phát triển thêm một nhà vòm loại 200 bánh rơm và 2 nhà vòm loại 400 bánh rơm. Mỗi năm thu hoạch khoảng 30 lứa, sau khi trừ các chi phí, vợ chồng chị Hồng thu nhập thêm trên 100 triệu đồng. Không chỉ tận dụng được thời gian nhàn rỗi, trại nấm của chị còn là nơi tham quan sinh động của nhiều học sinh, giải quyết việc làm cho 3 nhân công tại địa phương. Chị Hồng cho biết thêm vì vợ chồng không có nhiều vốn nên trại nấm được làm cuốn chiếu và hoàn thiện dần dần. A Lưới là vùng có gió lớn nên nhà vòm phải làm hai lớp khá tốn kém, lớp bên trong bằng tre, lớp bên ngoài bê tông cốt thép. Tuy nhiên, với lợi thế nguồn rơm sẵn có tại địa phương, vào những tháng nghỉ hè, chị cùng chồng thu gom về phơi khô và chất dự trữ đủ cho cả năm làm nấm.
Theo anh Tân Thiên Lý, quy trình trồng nấm rơm khá đơn giản, gồm các bước cơ bản như: ủ rơm, đặt bánh rơm, cấy meo giống, bỏ bánh rơm vào trại, bánh rơm ra quả thẻ (nấm) và thu hoạch. Chu kỳ này từ 20 - 22 ngày nhưng vào mùa lạnh tăng lên từ 28 - 30 ngày. Nhiệt độ trong vòm phải đảm bảo từ 28 - 32oC. “Khi mới bắt đầu, vợ chồng mình gặp không ít khó khăn. Mặc dù có lợi thế về chuyên môn nhưng thực tế lại khác. Do A Lưới có nhiệt độ chênh lệch ngày và đêm khá cao nên nấm phát triển không ổn. Nhiều lứa nấm không đạt năng suất. Trong khi mình chưa đầu tư được lò hấp nhiệt nên nhiều lúc trời lạnh quá, hai vợ chồng phải quạt than tăng nhiệt. Trời nắng thì phải cho nước vào, thông gió thoát hơi ra để giữ nhiệt độ ổn định. Ngoài việc đảm bảo nhiệt độ, độ ẩm cho nấm sinh trưởng và phát triển thì cần chú ý khâu chọn meo giống, vì sẽ ảnh hưởng khá lớn đến năng suất trồng nấm”, anh Lý nói và cho biết khâu chọn meo giống tốt, đúng tuổi, không nhiễm tạp khuẩn cũng sẽ cho năng suất cao và chất lượng nấm tốt.
Trên thị trường có bán một số chất kích thích nhưng mục tiêu của vợ chồng chị Hồng là nấm sạch nên trại hoàn toàn sử dụng các phương pháp sinh học. Bà Hồ Thị Niệt, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ H.A Lưới, cho biết: “Trại nấm của chị Hồng là địa chỉ uy tín cung cấp nguồn nấm rơm sạch cho người dân A Lưới. Đây cũng là thực phẩm được nhiều người ưa chuộng mà lâu nay khi phải mua từ đồng bằng lên mới có. Vì thế, thị trường ở đây khá ổn định. Mặt khác, nguồn rơm ở địa phương khá nhiều, rất thuận lợi với mô hình này”.
Bạn đọc quan tâm đến mô hình trồng nấm rơm sạch của vợ chồng chị Đặng Thị Hồng có thể đến địa chỉ: thôn 3, xã Hồng Quảng, H.A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Điện thoại liên hệ: 0989445254.   
                                                                                  Tuyết Khoa

(Theo Thanh niên)