XK trái cây: Thách thức từ thị trường chính
19/04/19 02:43PM
Mặc dù nông sản, trái cây Việt Nam đã xuất khẩu (XK) tới 180 nước và vùng lãnh thổ, song Trung Quốc vẫn được xem là thị trường XK nông sản số 1 với hơn 70% thị phần giá trị xuất khẩu
Tuy nhiên, với những chính sách ngày càng thắt chặt về việc truy xuất nguồn gốc, cùng với việc mở rộng vùng trồng nhiều loại trái cây nhiệt đới, Trung Quốc đã không còn là thị trường “dễ tính” và rộng đường cho trái cây, nông sản Việt “tuồn” vào như trước.

tr6.jpg

Kiểm tra chất lượng chuối trước khi đưa vào sơ chế tại Trang trại chuối xuất khẩu Huy Long An (Ấp Bến Kinh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh). Ảnh: Lê Đức Hoảnh.

Thị trường XK số 1

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, giá trị XK rau quả tháng 9/2018 ước đạt 380 triệu USD, đưa giá trị XK rau quả 9 tháng của năm 2018 ước đạt 3,1 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong 8 tháng đầu năm 2018, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu rau quả số 1 của Việt Nam với 74,1% thị phần. XK rau quả sang thị trường này trong 8 tháng đầu năm 2018 đạt gần 2 tỷ USD, tăng 11,6% về giá trị.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, thành viên Hội đồng tư vấn cải cách, Phó chủ tịch thường trực Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao (DAA Việt Nam), do sự tương đồng văn hóa, ẩm thực và gần gũi địa lý nên nhiều năm nay, Trung Quốc là thị trường chiến lược và đầy tiềm năng của nông sản Việt.

Riêng năm 2017, trong 3,5 tỷ USD kim ngạch XK các mặt hàng rau, củ, quả thì Trung Quốc chiếm đến 76% giá trị. Hiện Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chủ yếu nhiều loại nông sản của Việt Nam.

Tuy nhiên, việc XK nông sản sang thị trường này còn bấp bênh. XK chủ yếu vẫn còn đi nhiều bằng đường tiểu ngạch nên không chú ý truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu. Nhiều trường hợp hàng hóa ứ đọng, giá giảm sâu, có khi bị đổ bỏ nơi cửa khẩu. Vấn đề minh bạch, uy tín trong hợp tác giữa các doanh nghiệp hai bên vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Thiếu tính bền vững

Theo ông Nguyễn Du, Giám đốc Công ty TNHH TM - DV trái cây Thiên Nhiên (Công ty Thiên Nhiên), thị trường XK rau quả của Việt Nam còn nhiều dư địa nhưng do chất lượng hiện chưa được đảm bảo nên giá trị XK còn khiêm tốn.       

Vấn đề là do Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) chưa kiểm soát được dư lượng thuốc BVTV trong rau quả. Muốn làm được điều này, cần phải kiểm soát triệt để các loại thuốc BVTV, nhất là những loại nghiêm cấm sử dụng, có như vậy chất lượng và giá trị XK rau quả mới được nâng  cao hơn nữa.

“Nếu tình trạng dư lượng thuốc BVTV trong rau quả vẫn như hiện nay thì cho dù kim ngạch rau quả năm nay có đạt được 4 tỷ USD cũng không thể gọi là XK bền vững được”, ông Du nhấn mạnh.

Ông Du cho biết, sở dĩ ngành rau quả chưa quan tâm đến vấn đề dư lượng thuốc BVTV, là do phần lớn nông dân và doanh nghiệp (DN) chỉ chú trọng vào thị trường Trung Quốc. Trên thực tế, mỗi khi thị trường này cần thì không quan tâm đến chất lượng mà chỉ chú trọng số lượng và giá cả. Cho nên, đa số  nông dân chạy theo lợi nhuận và sự dễ tính của thị trường Trung Quốc.

Nhưng thị trường Trung Quốc lại khá bấp bênh, không đều đặn và ổn định như các thị trường nhập khẩu khác, khi thì mua ồ ạt, khi thì ngưng không mua, nên đã có nhiều doanh nghiệp ví von: “Buôn bán với thị trường Trung Quốc như đi đu dây, không biết rơi xuống lúc nào. Chính vì vậy mà nông sản Việt phải thường xuyên giải cứu!”.

Đề cập cụ thể hơn cơ hội cho nông sản Việt ở thị trường Trung Quốc, ông Vĩ Tích Thành, Tham tán Kinh tế và Thương mại Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ, ẩm thực có vai trò lớn trong đời sống người dân Trung Quốc. Họ thích ăn, biết ăn và ăn rất khỏe.

Những năm gần đây, Trung Quốc đã chủ động mở rộng nhập khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân và đã trở thành quốc gia nhập khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Hiện kim ngạch nhập khẩu nông sản của Trung Quốc chiếm 1/10 kim ngạch thương mại nông sản toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu bình quân 8,8%/năm.

Theo ông Thành, XK nông sản Việt sang Trung Quốc hiện đang gặp một số khó khăn. Chúng ta chủ yếu XK sang Trung Quốc chủ yếu bằng đường tiểu ngạch. Tuy đây là một phần quan trọng của thương mại hai bên, nhưng mang tính tuỳ ý, không bền vững, có rủi ro lớn vì chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ đang làm.

Sản xuất nông sản vẫn theo quy mô nhỏ, chất lượng sản phẩm không đồng đều và sức cạnh tranh không cao. Trong khi đó, DN Việt chưa chủ động khai thác thị trường Trung Quốc, phần lớn nông sản xuất sang là do thương lái sang tận nơi để tìm nguồn hàng.

Dù là nước XK nông sản lớn hiện nay nhưng Việt Nam vẫn thiếu thương hiệu về nông sản. Người tiêu dùng Trung Quốc, nhất là ở các thành phố lớn, chưa có ấn tượng sâu sắc về hàng nông sản Việt.

Một thách thức nữa là, DN XK nông sản Việt Nam chưa hiểu rõ về thị trường tiêu dùng Trung Quốc.

“Nhiều người nghĩ rằng Trung Quốc là nước đông dân và có sức tiêu thụ lớn, người tiêu dùng Trung Quốc không có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, bất cứ sản phẩm gì cũng có người mua. Thực tế không phải như vậy, yêu cầu về chất lượng sản phẩm của người tiêu dùng Trung Quốc đang ngày một tăng, thời kỳ mà chỉ cần ấm no đã là quá khứ”, ông Thành cho biết.

Phải “hiểu thị trường”

Ông Vũ Tiến Hùng, Trưởng Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu (Trung Quốc) thừa nhận, hầu như DN XK nông sản Việt Nam hiện nay đều thiếu thông tin về thị trường Trung Quốc. Thế nhưng, rất ít DN tìm đến các phòng Thương vụ để tìm hiểu, chia sẻ thông tin, trong khi những thông tin này được cung cấp hoàn toàn miễn phí.

Đồng quan điểm, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty Huy Long An (tỉnh Long An), cho rằng, Việt Nam không thể bỏ qua thị trường Trung Quốc mà phải xem đây là thị trường “béo bở”, vì nhu cầu nhập khẩu nông sản, thực phẩm ngày càng tăng.

Tuy nhiên, phải “hiểu thị trường” thì mới có thể tận dụng và phát triển được các lợi thế như gần đường biên mậu, dễ dãi hơn trong các tiêu chuẩn về chất lượng…

Đặc biệt, Trung Quốc đang ngày càng siết chặt các vấn đề về chất lượng cũng như tăng dần các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc đối với trái cây vào Trung Quốc qua các cửa khẩu thuộc địa bàn tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), từ ngày 1/4/2018, doanh nghiệp phải tuân thủ quy định về nhãn mác nguồn gốc, xuất xứ…

Không những thế, đối với nhiều loại trái cây nhiệt đới, vốn là thế mạnh của Việt Nam, nay phía Trung Quốc cũng mở rộng diện tích trồng. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc XK trái cây. Đơn cử như việc Trung Quốc mở rộng diện tích trồng thanh long khiến lượng thanh long của Việt Nam xuất sang Trung Quốc trong thời gian tới có thể bị chững lại.

Đại diện Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cho biết, Trung Quốc hiện có khoảng 35.555ha  thanh long, tương đương diện tích trồng thanh long của Việt Nam.

Quảng Tây là địa phương có diện tích trồng lớn nhất với 10.666ha, kế đó là Quảng Đông, Quý Châu, Hải Nam, Vân Nam, Phúc Kiến... Diện tích trồng và sản lượng thanh long của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trong một vài năm tới.

Trung Quốc bắt đầu thu hoạch từ tháng 5 - 11 hằng năm, không chênh lệch nhiều so với mùa vụ thanh long của Việt Nam. Quảng Tây cũng là một trong số các địa bàn chính tiêu thụ thanh long Việt Nam, bên cạnh các tỉnh Quảng Đông, Vân Nam.

Cần thay đổi cách tiếp cận

Để khai thác tốt thị trường Trung Quốc, ông Vĩ Tích Thành cho rằng, về mặt quản lý vĩ mô, cơ quan quản lý Nhà nước phải chủ động nghiên cứu thị trường, nắm bắt tình hình và xu hướng phát triển của thị trường; xây dựng và phổ biến chính sách, hướng dẫn sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, phải lưu ý vấn đề sản xuất và tiêu thụ những sản phẩm đúng với nhu cầu thị trường, chứ không phải tiêu thụ những gì mình có.

Đồng thời, các cơ quan Nhà nước cần tích cực kết nối chính sách với cơ quan như Hải quan, Kiểm dịch thực vật của các nước hữu quan để tạo điều kiện thuận lợi và kênh thông thoáng cho thương mại nông sản. Phát huy vai trò các tổ chức tài chính, tín dụng, cùng chia sẻ rủi ro với nông dân. Tăng cường ứng công nghệ chế biến tiên tiến vào sản xuất, đảm bảo chất lượng, xây dựng thương hiệu.

Với sự phát triển như vũ bão của thương mại điện tử, ông Thành cũng gợi ý: DN Việt nên hợp tác với DN thương mại điện tử nổi tiếng của Trung Quốc để mở các cửa hàng trực tuyến và cung cấp nông sản cho các siêu thị mới.

“Các kênh lưu thông truyền thống có nhiều vướng mắc, thông tin thị trường không cập nhật đồng đều. Trong khi thương mại điện tử đang thu hẹp khoảng cách sản xuất và tiêu thụ, kết nối mở rộng tốt hơn thị trường tiêu dùng. Tuy vậy, để phát triển thương mại điện tử về nông sản đòi hỏi phải hoàn thiện hệ thống kho vận, đảm bảo chất lượng sản phẩm, vấn đề truy xuất nguồn gốc, nhân lực…”, ông Thành chia sẻ.

Ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho rằng, Trung Quốc là thị trường tiềm năng truyền thống lâu nay của Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, thị trường này đã có những sự thay đổi về mặt chất lượng, buộc DN phải thay đổi theo và phải có cách tiếp cận mới.

Theo ông Toản, để XK ổn định ở thị trường Trung Quốc, đầu tiên là khâu sản xuất phải đáp ứng đúng tiêu chuẩn, yêu cầu, thị hiếu tiêu dùng của thị trường này; đồng thời, tập trung vào khâu đóng gói, chế biến để gia tăng giá trị cho nông sản Việt Nam.

Trong bối cảnh hội nhập, việc thúc đẩy XK theo đường chính ngạch là nhu cầu cấp thiết hiện nay. Do vậy, trong thời gian tới, hai nước cần có những cải thiện về cơ chế thương mại để ổn định vấn đề XK và vì lợi ích hợp tác giữa hai bên.

Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, Đại sứ quán, Tham tán thương mại trong việc cập thông thông tin thị trường, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc cho DN XK Việt Nam… để việc tiếp cận thị trường Trung Quốc hiệu quả hơn.

 Thanh Tâm
Theo Kinhtenongthon