Ngày 13-1, Bộ NN&PTNT tổ chức diễn đàn kết nối nông sản 970 phiên thứ 20 với chủ đề "Thúc đẩy liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau quả".

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit chia sẻ góc nhìn về câu chuyện ùn tắc nông sản trên cửa khẩu từ thực tế mà doanh nghiệp này đã từng trải qua trước đây.

Ông Viên cho biết, muốn chuyển đổi từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch không phải là câu chuyện đơn giản, dễ dàng. Bởi nông sản sau khi được sản xuất, các thương nhân Việt Nam sẽ đứng ra làm điểm thu mua và bán sang biên giới.

Nếu phải chuyển sang cửa khẩu khác thì chính thương nhân Trung Quốc sẽ là bên chỉ định thương nhân Việt Nam đi bằng đường nào chứ thương nhân Việt Nam không thể tự ý. Nếu doanh nghiệp Việt Nam tự ý chuyển đổi thì nghĩa là bỏ thị trường đó và phải làm thị trường mới.

'Bán tiểu ngạch là do...thương nhân Trung Quốc quyết định' - ảnh 1
Thanh long nằm chờ xuất khẩu sang Trung Quốc trên cửa khẩu ở Lạng Sơn cuối năm 2021. Ảnh: ĐINH TÙNG

"Đó là lý do vì sao doanh nghiệp Việt Nam nhiều năm qua biết bán hàng qua đường biên mậu sang Trung Quốc sẽ phải chịu o ép nhưng vẫn phải chấp nhận. Đó là nỗi khổ của thương nhân Việt Nam. Cuộc chơi của thị trường này là cuộc chơi của thương nhân Trung Quốc. Chưa kể nếu xuất khẩu chính ngạch sẽ bị áp thuế VAT 7%, trong khi đi đường biên mậu không cần" - ông Viên nói.

Từ thực tế đó, ông Viên cho rằng việc chuyển đổi sang xuất khẩu chính ngạch sẽ còn nhiều khó khăn. Nếu Trung Quốc đóng cửa nhập khẩu biên mậu hay sử dụng biên mậu như một hệ thống nhập khẩu chính ngạch thì mới thay đổi được vấn đề.

Trước đó, trao đổi với PLO, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam đề xuất phía Việt Nam nên chủ động siết chặt hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch để tránh tình trạng năm nào cũng xảy ra ùn ứ nông sản trên cửa khẩu. Nếu không chủ động siết chặt tiểu ngạch thì không giải quyết được bài toán này, vì chỉ kêu gọi doanh nghiệp sẽ khó nghe theo.

Và một nền nông nghiệp sẽ khó phát triển bền vững khi năm nào cũng xảy ra tình trạng phải giải cứu, khi thì dưa hấu, khi là thanh long...

Tại diễn đàn, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đưa ra một quan sát khá thú vị. Cụ thể, ông Hải đặt câu hỏi: "Có ai để ý rằng rất ít khi thấy ùn tắc xuất khẩu chuối trên các cửa khẩu đường bộ xuất sang Trung Quốc?".

Và ông cho biết: "Chúng ta rất ít thấy ùn tắc chuối trên xuất khẩu đường bộ. Lý do là các doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch chuối phần lớn đã chuyển sang vận chuyển bằng đường biển, nên họ không gặp nhiều khó khăn như xoài, mít hay thanh long".

Tiếp tục đưa ra khuyến nghị, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu cho rằng việc chuyển đổi đường bộ sang đường biển không chỉ là thay đổi phương thức vận chuyển mà trước hết là thay đổi tư duy, từ bỏ thói quen để tiêu thụ ổn định, giảm bớt rủi ro. Việc chuyển đổi phương thức vận chuyển cũng kéo theo phải thay đổi khách hàng, thiết lập lại mạng lưới khách hàng. Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều doanh nghiệp Việt đã khai thác tốt và giảm được rủi ro từ những đợt ùn tắc ở cửa khẩu biên giới.

                                                                                          Theo: PLO