Nghiên cứu sản xuất và ứng dụng chế phẩm từ cây Neem trong bảo quản ngũ cốc
07/02/14 10:52AM
Chủ đề:Công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch

THÔNG BÁO CÔNG TRÌNH KHOA HỌC

   Chủ đề:Công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch

 

Tên đề tài: Nghiên cứu sản xuất và ứng dụng chế phẩm từ cây Neem trong bảo quản ngũ cốc

Cơ quan chủ trì: Viện Bảo vệ thực vật-Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam

Chủ nhiệm đề tài: T.S Nguyễn Trường Thành

Thời gian thực hiện đề tài: 2009-2010

 

Kết quả nghiên cứu:

          Kết quả nghiên cứu cho thấy hạt của cây Neem có nguồn gốc Seneganvà Ấn Độ được trồng 9-10 năm ở Ninh Thuận có hàm lượng dầu khá cao. Chiết dung môi tạo ra dầu có độ tinh khiết tốt cho hàm lượng 38-5-39L dầu/100kg nhân hạt.

          Hàm lượng họat chất có ý nghĩa nhất trong việc sản xuất thuốc thảo mộc trừ dịch hại Azadirachtin trong cây Neem mười tuổi thuộc loại cao so với các nơi khác trên thế giới. Khi bảo quản trong điều kiện râm mát và độ ẩm thấp, hàm lượng Azadirachtin giảm xuống 40% sau 1 năm. Hàm lượng này trong lá Neem khô là 195 ppm.

          Nghiên cứu đã tạo ra 8 loại tiền chế phẩm từ hạt và lá Neem. Đa số tiền chế phẩm có khả năng xua đuổi mọt hại kho trong vòng 7 ngày sau xử lý. Các tiền chế phẩm  dịch chiết từ hạt Neem SE và dầu Neem tự nhiên SO có thêm các chất trợ lực cho hiệu lực cao khi tiếp xúc với mọt ngô, mọt thóc đỏ (đạt 100% sau xử lý 2-7 ngày).

          Ba chế phẩm từ cây Neem bảo quản ngũ cốc đã được tạo dạng thành công từ các tiền chế phẩm nói trên là SOY, SOD (từ dầu tự nhiên của hạt Neem) và LDP (từ lá Neem). Phương pháp sử dụng hiệu quả và tiện lợi nhất với SOD và SOY là phun hoặc quét phía ngoài bao bảo quản ngũ cốc, với sản phẩm bột LDP là tạo lớp bảo vệ 3 cm mặt trên cho nông sản (sau khi đã xử lý nhiệt sạch mọt).

          Đề tài đã đưa ra quy trình sản xuất và ứng dụng chế phẩm trong việc phun vệ sinh kho tàng, bảo quản ngũ cốc trong bao cũng như ngũ cốc đổ rời trong thùng lớn. Mô hình sử dụng các chế phẩm đã được áp dụng tại bốn tỉnh Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Ninh Thuận cho hiệu quả trên 80%, chi phí hợp lý và không gây ô nhiễm môi trường.

 

          (Nguồn: thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT-DT20100826)