Hãy cho biết các đặc điểm chính của mầm bệnh cho lợn?
22/05/24 01:03PM

* Mầm bệnh có nhiều loại và mỗi loại thường gây bệnh với những đặc điểm riêng, nhưng có điểm chung là có tính gây bệnh đối với vật chủ:

- Mầm bệnh là vi rút: Vi rút là nhóm vi sinh vật rất nhỏ, chưa có cấu trúc tế bào mà chỉ có bộ gen, có hoặc không có vỏ bao ngoài nên vi rút bắt buộc phải sống và nhân lên trong tế bào vật chủ. Vì vậy, nếu kháng sinh tiêu diệt nó sẽ tiêu diệt luôn tế bào vật chủ.  Nhiều loại vi rút gây nên các bệnh lây lan mạnh (Dịch tả lợn châu Phi, Tai xanh, Lở mồm long móng,...), gây hiện tượng mang trùng (Dịch tả lợn cổ điển, bệnh Viêm dạ dày - ruột truyền nhiễm, ...) và làm trỗi dậy những bệnh ghép khác. Bệnh do vi rút có thể phòng bằng vắc xin.

- Mầm bệnh là vi khuẩn: Vi khuẩn là nhóm vi sinh vật đơn bào, khi gây bệnh vi khuẩn sinh sản và khuếch tán vào cơ thể vật chủ. Vi khuẩn tác động lên tế bào vật chủ bằng nội độc tố, ngoại độc tố hoặc bằng các cơ chế lý hóa khác. Một số vi khuẩn gây bệnh khi ra khỏi cơ thể vật chủ sẽ tạo thành nha bào (trực khuẩn gây bệnh nhiệt thán, Clostridium,…) có khả năng chịu được nhiệt độ cao, điều kiện khô hạn hoặc tác động của hóa chất, … nên có thể tồn tại rất lâu trong môi trường. Khi gặp điều kiện thuận lợi, vi khuẩn thoát ra khỏi nha bào và hoạt động trở lại gây bệnh cho vật nuôi. Điều kiện môi trường thích hợp với vi khuẩn là nhiệt độ cao (gần 37 độ C), ẩm độ cao và có sẵn các chất dinh dưỡng hữu cơ. Kháng sinh có thể gây ức chế phát triển hoặc tiêu diệt vi khuẩn.

- Mầm bệnh là nấm:  Nấm có cấu tạo là tế bào hoàn chỉnh, có thành tế bào vững chắc từ chất glucan và chitin nên đề kháng với các tế bào miễn dịch của cơ thể.  Thành tế bào vững chắc này cũng không cho kháng sinh xâm nhập vào bên trong tế bào, do đó nấm trở nên trơ với kháng sinh. Các bệnh do nấm gây ra thường mãn tính và cho miễn dịch không vững chắc. Nấm gây bệnh cho vật nuôi phát triển mạnh ở nhiệt độ 35-42 độ C. Bệnh do nấm điều trị bằng thuốc trị nấm.

- Mầm bệnh là ký sinh trùng: Các nội ký sinh trùng và ngoại ký sinh trùng cũng như các độc tố do chúng sản sinh ra tác động xấu đến vật nuôi làm giảm sức đề kháng của vật nuôi. Ký sinh trùng cướp đoạt dinh dưỡng, hút máu vật nuôi, gây tổn thương da, niêm mạc ruột và các cơ quan khác làm cho hàng rào phòng bệnh của vật nuôi bị phá hủy, từ đó tạo điều kiện cho các mầm bệnh khác xâm nhập vào cơ thể vật nuôi.

Ngoại ký sinh trùng làm vật nuôi luôn ngứa ngáy dẫn đến giảm ăn, gầy yếu, dễ nhiễm các bệnh khác. Bệnh do ký sinh trùng điều trị bằng thuốc điều trị ký sinh trùng.

* Đường cảm nhiễm bệnh:

- Cảm nhiễm từ ngoài: vật nuôi khỏe mạnh có thể bị nhiễm mầm bệnh từ ngoài vào và mắc bệnh (ví dụ, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, bệnh Tai xanh,…).

- Cảm nhiễm từ trong: mầm bệnh nằm trong cơ thể vật nuôi, cơ thể và mầm bệnh tạm thời ở thế cân bằng (E.coli, Mycoplasma, Clostridium, vi rút gây bệnh viêm dạ dày-ruột truyền nhiễm …); khi đó, mầm bệnh không thể hiện tính gây bệnh và cơ thể cũng không loại trừ được mầm bệnh. Khi cơ thể vật nuôi suy yếu, mầm bệnh biến đổi, tính gây bệnh tăng cường nên gây bệnh cho cơ thể. Các vi sinh vật gây cảm nhiễm từ trong thường là những mầm bệnh cảm nhiễm cơ hội.

(Nguồn: khuyennongvn.gov.vn)