Nhiệm vụ của trồng rừng phòng hộ bao gồm những gì?
10/05/23 08:13AM

Rừng là một hệ sinh thái bao gồm quần thể các thực vật rừng, động vật rừng, vi sinh vật rừng, đất rừng và các yếu tố môi trường khác. Trong đó cây gỗ, tre nứa hoặc hệ thực vật đặc trưng là thành phần chính có độ che phủ của tán rừng từ 0,1 trở lên. Rừng gồm rừng trồng và rừng tự nhiên trên đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng.

Rừng phòng hộ được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường, góp phần bảo vệ môi trường bao gồm:

- Rừng phòng hộ đầu nguồn.

- Rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển.

- Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay.

 - Rừng phòng hộ bảo vệ môi trường.

Cụ thể là:

* Rừng phòng hộ đầu nguồn:

Đây là những diện tích rừng thường tập trung ở thượng nguồn các dòng sông. Nó có tác dụng điều tiết nguồn nước cho các dòng chảy, hồ chứa để hạn chế lũ lụt, cung cấp nước cho các dòng chảy và hồ trong mùa khô, hạn chế xói mòn, bảo vệ đất, hạn chế bồi lấp các dòng sông, hồ… Loại rừng này được trồng nhiều ở vùng núi có độ dốc cao.

* Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay:

Loại rừng này có tác dụng chủ yếu là phòng hộ nông nghiệp, bảo vệ các khu dân cư, các khu đô thị, các vùng sản xuất và các công trình khác. Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay thường tập trung ở ven biển.

* Rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển:

Đây là loại rừng mọc tự nhiên hoặc được gây ương ở cửa các dòng sông và được sử dụng chủ yếu để ngăn sóng, bảo vệ các công trình ven biển, cố định bùn cát lắng động để hình thành các vùng đất mới.

* Rừng phòng hộ bảo vệ môi trường:

Là các dải rừng đã và đang được trồng trên đất phi nông nghiệp, xung quanh các khu dân cư, các khu công nghiệp, các đô thị lớn với chức năng chính là điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái ở những khu vực đó và kết hợp phục vụ nghỉ ngơi, du lịch.

(Nguồn: thvm.vn)