Trái xoài cát Hòa Lộc sau khi đậu trái bằng đầu đũa ăn thì có nhiều vết đen tròn trên trái sau đó bị rụng. Xin cho biết đây là bệnh gì? Nguyên nhân và cách xử lý ra sao?
07/01/25 01:27PM
Đây là bệnh thán thư trên xoài và bệnh gây hại nghiêm trọng trên lá, hoa và trái xoài. Bệnh tấn công trên hầu hết các giống xoài.
Trên lá: bệnh gây hại ở giai đoạn lá xoài chuyển từ màu đồng sang xanh sáng và đây là giai đoạn mẫn cảm nhất đối với bệnh. Cuống lá cũng nhiễm bệnh dẫn đến hiện tượng rụng sớm. Trong trường hợp bệnh nặng, toàn bộ chồi nhiễm bị cháy và chết khô, nhất là gặp lúc thời tiết ẩm.
Nguyên nhân gây bệnh: do nấm Colletotrichum spp. gây ra.
Biện pháp quản lý
* Giai đoạn sau thu hoạch trái:
- Cắt bỏ những cành vô hiệu, cành vượt, cành bị sâu bệnh, cành tổn thương do thu hoạch, thu gom và đem tiêu hủy.
- Bón phân theo quy trình canh tác khuyến cáo, nên cung cấp nhiều phân hữu cơ kết hợp nấm đối
kháng Trichoderma cho cây.
- Có thể phun thuốc gốc đồng để ngừa bệnh lưu tồn trên cành, lá và sát trùng vết thương sau
khi cắt tỉa.
* Giai đoạn cây ra chồi non và lá mới
Giai đoạn phát triển chồi non và lá mới có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng ra hoa, đậu quả của cây về sau, giai đoạn này cũng là giai đoạn rất mẫn cảm với bệnh, đặc biệt nếu giai đoạn này trùng vào lúc mưa, gió nhiều. Nên khi mỗi đợt lá non mới xuất hiện phải tiến hành phun luân phiên thuốc BVTV gốc đồng, Propineb, Propiconazole, v.v...
* Giai đoạn cây ra hoa đến đậu trái
Đây là giai đoạn quyết định năng suất, sản lượng xoài, cũng là giai đoạn mẫn cảm bệnh thán thư và bọ trĩ. Để bảo vệ hoa khỏi nhiễm bệnh và đậu trái nhiều, cần chú ý phun thuốc vào các giai đoạn sau:
- Khi cây vừa nhú mầm hoa (có > 50% số cây có mầm hoa), nên phun ngừa các thuốc BVTV chứa hoạt chất Fosetyl-aluminium.
- Khi cây ra hoa rộ (>50% phát hoa đã nở), nên phun Isoprothiolane 200g/l + Propiconazole 150g/l với liều lượng khuyến cáo.
- Khi cây đã đậu trái (>50% chùm hoa đã có
trái trứng cá), phun Difenoconazole hoặc kết hợp Propineb với Propiconazole hoặc Difenoconazole.
* Giai đoạn sau khi đậu trái đến lúc thu hoạch
Trái non rất mẫn cảm với bệnh do đó giai đoạn này nên phun 1 đến 2 lần một trong những hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật kể trên. Nên phun thuốc hoá học hoặc chất kích kháng dẫn suất Salicylic acid ở thời điểm 20-25 ngày trước khi thu hoạch và tiến hành bao trái ngay sau đó.
(Bản tin Cây ăn quả số 02/2023)
(Nguồn: Bản tin Cây ăn quả-Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI))