Trên trái bưởi Da Xanh thường xuất hiện các vết sần sùi, mất màu lốm đốm trên vỏ trái nhìn giống như da lu mặc dù chúng tôi có phun thuốc BVTV thường xuyên nhưng không quản lý được? Xin cho biết nguyên nhân và cách phòng trị hiệu quả?
06/01/25 09:10AM
Trên cây có múi có các loại nhện gây hại phổ biến như: Nhện đỏ Panonychus citri, nhện vàng Phyllocoptruta oleivora Ashmead, nhện Eutetranychus sp. 
Cách gây hại
Nhện đỏ: Nhện cạp và chích hút nhựa cây. Trên lá, nhện chích hút tạo thành những chấm biến màu nhỏ li ti, nhiều vết chích liên kết thành mảnh rộng có màu ánh bạc, lá khô và rụng. Trên trái, nhện chích hút làm vỡ tuyến tinh dầu trên vỏ, vỏ trái sau đó biến màu đen xám và khô dần, làm vỏ bị sần sùi, gọi là “da cám”. Khi mật độ nhện cao, cành non cũng bị hại làm cành khô, các lá cũng bị khô và giữ lại trên cây một thời gian dài. Nhện phát triển thích hợp trong điều kiện nóng và khô. 
Nhện vàng: Khi mật số cao, nhện cũng gây hại trên lá và cành non. Do chu kỳ sinh trưởng ngắn nhện có khả năng bộc phát rất nhanh. Nhện có màu vàng tươi, hình thon dài. Nhện thích sống mặt dưới của lá, trên những trái hướng ra trảng. Nhiệt độ gây chết cho nhện và không tiếp tục đẻ trứng là <11°C và >43,3°C; nhiệt độ thích hợp để phát triển: 29-32°C. Mật số nhện vàng cao: 5-7 và 10-11dương lịch, 40 thế hệ/năm. Nhện gây hại trên lá, cành và trái, nhưng tập trung gây hại nhiều trên trái (trái mới đậu đến thu hoạch). Nhện gây hại bằng cách cạp và hút dịch của vỏ trái làm trái bị nám có hiện tượng da lu. Trái bị gây hại thường có vỏ dày hơn bình thường và có kích thước nhỏ hơn.
Nhện Eutetranychus sp.: Trên lá làm lá non cong queo. Trên trái làm bề mặt vỏ trái mất màu (gần giống da cám), phát triển không đều, trái có thể bị biến dạng, rụng. Thiên địch: Trong tự nhiên nhện cũng bị nhiều loài thiên địch, chủ yếu là các loài nhện thiên địch Phytoseiulus persimilis, Euseius sp. và Amblyseius sp. và bọ rùa Stethorus sp.. Ngoài ra, quần thể nhện cũng bị virus gây bệnh.
Biện pháp quản lý
Vệ sinh vườn thường xuyên, tránh để cành lá, trái tiếp xúc với mặt đất tạo điều kiện cho nhện di chuyển lên cây. 
Bón phân cân đối giữa phân vô cơ và hữu cơ sẽ làm giảm tỷ lệ nhện gây hại. Nên sử dụng phân chuồng hoai mục để bón bổ sung cho cây hàng năm vào giai đoạn sau khi thu hoạch. 
Nên xử lý cho cây ra hoa đồng loạt, nhanh, đọt to, khỏe để dễ quản lý nhện. 
Phun nước bằng vòi phun áp lực cao lên tán cây cũng hạn chế mật số nhện. 
Trong điều kiện tự nhiên thiên địch rất nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho thiên địch phát triển. 
Khi nhện trong vườn có mật số cao có thể sử dụng thuốc BVTV: Sulfur; Abamectin + BT; Emamectin benzoate; Indoxacarb, Dầu hạt bông + Dầu đinh hương + Dầu tỏi (2 lần) kết hợp dầu khoáng SK Enspray 99EC. Để phòng trị nhện trên vườn ra hoa không đồng loạt thì xử lý ngay khi quan sát thấy nhiều nhất 50% tổng số hoa trên cây đã nở và phun cách nhau 14 ngày/lần cho đến khi toàn bộ hoa trên cây nở xong, lúc này việc phun cách nhau 21 ngày/lần và thực hiện 3-4 lần phun. Khi sử dụng chế phẩm hóa học nên luân phiên các loại thuốc có gốc hóa học khác nhau và kết hợp với bẫy màu vàng để phòng trị nhện./.
(Bản tin Cây ăn quả số 1/2023)
(Nguồn: Bản tin Cây ăn quả-Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI))