Trồng bưởi da xanh nhiều năm, nhưng gần đây các đọt bưởi non trên vườn bị khô lại, không thể phát triển ra thành lá, không biết cây bưởi bị dịch hại gì? Biện pháp phòng trừ ra sao?
12/11/24 09:10AM
Theo triệu chứng như mô tả thì đây là loài muỗi đục lá (Diptera, Cecidomyiidae) gây hại. Chúng
thường gây hại nặng vào thời điểm cây ra đọt non và làm cho cây chậm phát triển. Triệu chứng để nhận biết sự xuất hiện của côn trùng này là đọt non, lá non bị vàng nâu đen và rụng, chỉ còn trơ lại cọng đọt.
Trứng rất nhỏ, hình bầu dục, mắt thường khó có thể nhìn thấy. Trứng nở trong vòng 1-2 ngày. Sâu non dạng dòi, mới nở màu trắng, tuổi lớn ngả màu vàng, dài khoảng 1,9 mm, sống trong các đọt non chưa mở ra. Sâu non sống khoảng 8-12 ngày. Sâu non sau khi đẫy sức búng mình xuống đất hóa nhộng. Nhộng có màu vàng sáng khi mới và chuyển màu vàng đen khi gần vũ hóa, mầm cánh và chân của nhộng có màu nâu đen. Con trưởng thành có kích thước rất nhỏ, giống hình dạng con muỗi, màu vàng, dài khoảng 1,1-1,5 mm. Chúng đẻ trứng trên các đọt bưởi vừa mới nhú ra như búp trà, sau đó nở ra thành dòi.
Do vòng đời muỗi đục lá ngắn nên rất mau tái phát, do đó phải theo dõi thường xuyên khi ra chồi mới để xử lý kịp thời, các biện pháp khuyến cáo quản lý đối tượng dịch hại:
- Xử lý cho cây ra đọt non tập trung để dễ dàng trong việc quản lý. Quan sát, kiểm tra khi đọt vừa mới nhú ra khoảng 1-2 cm, dùng tăm vạch lá non sẽ thấy dòi sinh sống trong đó với mật số rất cao. Tỉa cành, bón phân hợp lý cho cây ra chồi tập trung để hạn chế sự phá hại liên tục của sâu, thuận lợi cho việc phun thuốc phòng trừ; Theo dõi các đợt chồi xuất hiện rộ trên vườn, đợt chồi sau khi mưa, sau khi bón phân và sau khi tưới nước.
- Nuôi kiến vàng trong vườn cây có múi.
- Khi mật số muỗi đục lá cao có thể sử dụng thuốc BVTV để kiểm soát: Clothianidin, Abamectin,... Chú ý phun xịt thuốc khi đọt non vừa nhú.
(Nguồn: Bản tin Cây ăn quả số 5/2021)
(Nguồn: Bản tin Cây ăn quả-Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI))