Vườn bưởi da xanh của tôi đang bị rệp vảy tấn công, khiến cây mất sức, rụng lá hàng loạt, khô cành, mẫu mã trái bưởi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Dù tôi đã phun xịt rất nhiều loại thuốc và lấy vòi nước rửa cho cây bưởi nhưng cũng không hiệu quả. Xin hướng dẫn cách phòng trừ hiệu quả?
08/01/25 03:22PM
Nhóm rệp sáp vảy tạo ra một lớp vỏ cứng trên thân còn gọi là rệp dính hay rệp sáp vảy. Trưởng thành con cái rệp vảy có dạng hình tròn, được phủ lớp sáp màu vàng nhạt hoặc có loài màu nâu đen. Con cái đẻ riêng biệt từng trứng, bám chặt vào kí chủ, đan xen vào nhau, phát triển theo cụm. Con đực phát triển chung quanh và phía trên của cụm con cái. 
Vòng đời rệp sáp vảy khoảng 60 ngày trong mùa hè và có khoảng 5 thế hệ/năm 
Cách gây hại
Rệp sáp vảy có khả năng gây hại trên nhiều bộ phận của cây như: lá, cành, thân và quả. Trên lá, rệp gây hại chủ yếu ở mặt dưới và làm lá kém phát triển. Rệp chích hút làm mất diệp lục lá (có vệt vàng sáng), rệp bài tiết chất ngọt kích thích nấm bồ hóng phát triển và gây rụng lá nếu mật số rệp vảy cao. Trên thân và cành, khi bị rệp sáp vảy gây hại nặng có thể làm cây suy kiệt.
Biện pháp quản lý
Sau mỗi đợt thu hoạch, tiến hành tỉa bỏ cành vượt, cành vô hiệu, cành nhiễm sâu bệnh,... tạo điều kiện thông thoáng cho vườn cây nhằm hạn chế rệp phát triển.
Loại bỏ và tiêu hủy quả, lá, cành bị nhiễm rệp nặng để tránh lây lan trên vườn. 
Bảo vệ các loại thiên địch có thể giúp vườn hạn chế rệp dính như: bọ rùa ăn thịt (Rodolia cardinalis) và ong ký sinh (Cryptochaetum iceryaeProspaltella berlesei How),...
Khi cần thiết có thể sử dụng luân phiên các loại thuốc đặc trị rệp như: Clothianidin (Dantotsu), 
Buprofezin + Fenobucarb (Applaud-Bas) kết hợp với Petroleum spray oil (dầu khoáng SK Enspray)... theo liều khuyến cáo của nhà sản xuất.
(Bản tin Cây ăn quả số 02/2023)
(Nguồn: Bản tin Cây ăn quả-Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI))